(TG) - Đó là ý kiến phát biểu của đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố tại Hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ (KH-CN) để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn TPHCM đã diễn ra ngày 26/10. Hội nghị do UBND TPHCM phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức.
Tham dự có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng; Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cùng đại diện các tỉnh, thành phố.
Báo cáo hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết: Trong thời gian qua, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và điều hành giao thông đô thị, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố. Cụ thể, từ đầu năm 2019, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm quản lý điều hành giao thông đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, tăng cường ứng dụng CNTT giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT), tai nạn giao thông (TNGT) khu vực trung tâm thành phố.
Theo đó, khu vực giám sát - vận hành hệ thống thiết bị đường hầm gồm 9 màn hình 42 inch để giám sát tình hình giao thông qua đường hầm sông Sài Gòn, 2 màn hình 65 inch phục vụ công tác vận hành hệ thống thiết bị điện, thông gió, thoát nước và hệ thống khẩn cấp đường hầm. Khu vực giám sát - vận hành và điều khiển giao thông thành phố gồm 18 màn hình 42 inch để giám sát camera giao thông, 30 màn hình ghép thành 2 Video Wall (1 video wall có 9 màn hình 46 inch và 1 video wall có 21 màn hình 49 inch) để giám sát, vận hành các hệ thống điều khiển giao thông tích hợp.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai một số các giải pháp khác liên quan đến việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực GTVT như: Đưa vào hoạt động hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng (ETC) tại Trạm thu phí cầu Phú Mỹ, Trạm thu phí An Sương - An Lạc. Đồng thời, triển khai thí điểm sử dụng vé điện tử smartcard dành cho cho xe buýt; triển khai thực hiện việc thu phí và quản lý công tác thu phí sử dụng lòng đường để đỗ xe ô tô thông qua ứng dụng di động MyParking trên 22 tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thực hiện thí điểm các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý và điều hành giao thông trong các lĩnh vực thu thập, phân tích dữ liệu giao thông; nhận diện phương tiện vi phạm tự động, tối ưu mạng lưới giao thông thông qua điều khiển đèn; kiểm soát hành khách sử dụng xe buýt...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết: TPHCM sẽ không trở thành đô thị thông minh nếu như không có hệ thống các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hoàn thiện, thông suốt và an toàn. Trong quá trình phát triển, TPHCM phải đối mặt với những thách thức rất lớn như ùn tắc giao thông, trật tự an toàn giao thông. Những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết: TPHCM sẽ không trở thành đô thị thông minh nếu như không có hệ thống các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hoàn thiện, thông suốt và an toàn. Trong quá trình phát triển, TPHCM phải đối mặt với những thách thức rất lớn như ùn tắc giao thông, trật tự an toàn giao thông. Những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân thành phố.
Nhận thức sâu sắc về vấn đề nêu trên, trong thời gian qua, TPHCM đã không ngừng nỗ lực cải tạo, xây dựng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đảm bảo trật tự ATGT ở mức độ cao nhất có thể như thực hiện nhiều giải pháp; đặc biệt là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trong suốt 9 năm liên tục. TPHCM đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành GTVT gắn với Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và gắn với xu hướng ứng dụng những thành tựu KH-CN trên thế giới, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng các giải pháp KH-CN cho công tác đảm bảo trật tự ATGT vẫn còn nhiều mặt hạn chế; chưa theo kịp với tốc độ phát triển đô thị của thành phố và tình hình giao thông diễn biến ngày càng phức tạp. Nguyên nhân là do các vướng mắc về cơ chế phối hợp, về chia sẻ thông tin dữ liệu, chưa có những quy định pháp luật để hướng dẫn triển khai áp dụng cụ thể, nhất là việc ứng dụng các giải pháp KH-CN trong xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT, xử lý thông qua hình ảnh, cân tự động, dữ liệu giám sát hành trình.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá cao việc TPHCM tổ chức hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Liên quan đề xuất mô hình thí điểm để vận hành KH-CN trong lĩnh vực giao thông vận tải TPHCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị sau hội nghị, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ GTVT, TPHCM, một số đơn vị để rà soát lại những quy định mới trong dự thảo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và dự thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sắp tới sửa đổi, những vấn đề nào TP đề xuất đã đưa vào dự thảo Nghị định thì xem như các nội dung đó áp dụng như Nghị định, không phải thí điểm.
Bộ trưởng cũng cho rằng, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho tất cả các bộ, ngành, cơ quan là ưu tiên số 1, đồng thời việc chia sẻ dữ liệu lớn này giữa các Bộ, ngành, địa phương để sử dụng có hiệu quả là rất cần thiết.
Liên quan đến một số quy trình xử phạt hiện nay mà công an đang thực hiện nhưng chưa được thể hiện bằng các Thông tư, Nghị định thì Bộ sẽ nghiên cứu, phần nào bổ sung được vào Nghị định thì bổ sung; phần nào thuộc trách nhiệm Bộ Công an sẽ kiến nghị Ủy ban ATGT Quốc gia./.
T. Mai