THỰC CHẤT LUẬN ĐIỂM "QUÂN ĐỘI TRUNG LẬP", "ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ"
Chính trị của quân đội, thực chất là vấn đề bản chất giai cấp của quân đội, nó trả lời cho câu hỏi: Quân đội đó do giai cấp nào tổ chức, nuôi dưỡng, sử dụng và lãnh đạo? Nó phục vụ cho giai cấp nào, bảo vệ quyền lợi của ai? Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ấy cho ai, vì ai? Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ ra rằng, trong xây dựng quân đội của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, vấn đề chính trị luôn được đặt lên vị trí cao nhất, chiếm “ngôi đầu”; là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của quân đội ấy, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ chính trị - xã hội và vận mệnh của quốc gia dân tộc. Xét về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực, phục vụ cho mục đích chính trị của một giai cấp, nhà nước nhất định. Tính chất chính trị của quân đội thể hiện tập trung và rõ nét ở mục tiêu chiến đấu, tổ chức lực lượng, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội; phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội.
Hiện nay, thông qua cái gọi là “bức thư tâm huyết,” “kiến nghị của công dân”,… một số người đã lên tiếng “kiến nghị” rằng “các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị”, “lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và Nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào, đảng phái nào”, “quân đội chỉ cần tuân theo pháp luật”, “quân đội cần đứng ngoài chính trị”... Trắng trợn hơn, có kẻ còn viết bài đặt câu hỏi với cán bộ, chiến sĩ quân đội rằng: “Các anh còn ngủ đến bao giờ?”… Bản chất của những luận điệu trên là nhằm “phi đảng hóa”, “phi chính trị hóa”, tách quân đội ta ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô hiệu hóa vai trò của quân đội nhân dân.
Luận điểm “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “trả quân đội về cho nhà nước”,... thực chất là một mũi tiến công chủ yếu nhằm làm cho quân đội xã hội chủ nghĩa mất phương hướng, rơi vào quỹ đạo chính trị phản động mà các thế lực tư bản, đế quốc đã thực hiện đối với quân đội các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu trước đây.
|
Trong thế giới đương đại, quan điểm “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị” thường xuất hiện ở các nước có cấu trúc đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhất là khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị.
Ở Thái Lan, chính phủ và các đảng phái chính trị đều ra sức tranh thủ sự ủng hộ, hậu thuẫn về chính trị của quân đội. Trong nền chính trị với cấu trúc lưỡng đảng ở Mỹ, quân đội Mỹ không hề đứng ngoài chính trị. Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, quân đội Mỹ đã liên tục can dự vào đời sống chính trị của nhiều nước, ở nhiều khu vực, kể cả tiến hành chiến tranh để can thiệp vào tình hình chính trị, kích động làn sóng “Mùa xuân Ả Rập”…
Sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là do việc xóa bỏ quy định của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội, lãnh đạo quân đội của Đảng Cộng sản.
Thực tiễn cho thấy, ở những nước có sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị, việc thực hiện cái gọi là “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị” đã dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, xung đột, mất đoàn kết nội bộ và bất ổn chính trị - xã hội.
SỰ PHI LÝ CỦA LUẬN ĐIỂM "QUÂN ĐỘI TRUNG LẬP", "ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ"
K.Clausewitz - nhà lý luận quân sự tư sản của nước Phổ đã khái quát luận điểm: Chiến tranh là sự kế tục của chính trị, được thừa nhận như là một chân lý cả trong khoa học quân sự tư sản lẫn trong khoa học quân sự vô sản. Một khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị” thì tất yếu phải thừa nhận: không bao giờ và không ở đâu có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị”, hoặc “không dính đến chính trị”. Bởi vì, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị, thể hiện lập trường chính trị của các bên tham chiến, quân đội của các bên tham chiến đều được lực lượng chính trị cầm quyền tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu chính trị đó. Do vậy, bất cứ quân đội nào cũng đều được chú ý xây dựng về chính trị.
Vấn đề khác nhau là ở chỗ, một mặt, vấn đề xây dựng về chính trị được đặt ở vị trí nào trong quá trình xây dựng quân đội, nhất là so với quá trình hiện đại hóa vũ khí trang bị của mỗi quân đội; mặt khác, là ở mức độ công khai hóa bản chất chính trị, cũng như nội dung xây dựng về chính trị trong mỗi loại hình quân đội.
Đối với quân đội do giai cấp tư sản chi phối, do được xây dựng trên nền tảng thuyết “vũ khí luận”, vấn đề xây dựng về chính trị xếp sau việc không ngừng hiện đại hóa vũ khí trang bị. Nhưng không vì thế mà họ không chú ý đến xây dựng về chính trị cho quân đội. Chính trị được truyền bá vào quân đội của họ là hệ tư tưởng tư sản, là công tác tổ chức và lối sống, đạo đức theo quan điểm của giai cấp tư sản.
Đối với quân đội do giai cấp công nhân xây dựng, lãnh đạo và giáo dục, vấn đề chăm lo xây dựng về chính trị cho quân đội được đặt ở vị trí quan trọng bậc nhất. Điều đó xuất phát từ sự nhận thức đúng đắn về tính chất giai cấp của quân đội và mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố con người với vũ khí trang bị. Những người cộng sản chưa bao giờ xem nhẹ vai trò của vũ khí trang bị, nhưng luôn coi con người là yếu tố quyết định thắng lợi: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(1). Đây là nội dung then chốt, căn bản nhất thể hiện nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới về chính trị của giai cấp công nhân.
Đối với mỗi quốc gia dân tộc, tổ chức và hoạt động của quân đội có những đặc điểm riêng gắn với điều kiện lịch sử cụ thể, song đều tuân theo quy luật “quân sự phục tùng chính trị”; đều do quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội quyết định. Không có và không bao giờ có “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”.
|
Trong bất cứ xã hội nào, với tính cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, một tổ chức của nhà nước, quân đội đều phụ thuộc vào đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền: “Bản chất giai cấp và nội dung của nhà nước như thế nào thì quân đội - người bảo vệ lợi ích của nó như thế ấy”(2). Đồng thời, các lực lượng chính trị cầm quyền luôn tìm mọi cách để nắm chắc quân đội thông qua nhiều biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách đãi ngộ. Quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Do đó, bản chất giai cấp của quân đội là bản chất của giai cấp, nhà nước tổ chức ra nó: “Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được”(3). Quân đội chỉ mang bản chất của một giai cấp - giai cấp thống trị chi phối quyền lực nhà nước và tổ chức, nuôi dưỡng sử dụng quân đội đó. V.I.Lênin đã đề ra những nguyên tắc căn bản về xây dựng quân đội kiểu mới, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc quan trọng nhất và quyết định: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình”(4).
Vận dụng sáng tạo lý luận của V.I.Lênin về quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra quân đội kiểu mới của dân tộc Việt Nam. Người đặc biệt coi trọng nhân tố chính trị trong xây dựng quân đội: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”(5). Người đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội về chính trị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(6). Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(7). Sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là sức mạnh tổng hợp, trong đó, yếu tố con người với trình độ giác ngộ chính trị cao giữ vai trò quyết định. Chính trị có vai trò định hướng toàn bộ hoạt động của quân đội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. Chính trị còn có khả năng thẩm thấu, liên kết chặt chẽ các yếu tố tạo thành sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội ta.
XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ
Hiện nay, “tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn”(8). Trong tình hình đó, các thế lực thù địch tiếp tục không ngừng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, với một trong các thủ đoạn là đòi hỏi “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”. Để làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị phải tiếp tục được coi trọng đặc biệt, xứng đáng với vị trí là nguyên tắc cơ bản hàng đầu trong xây dựng quân đội cách mạng, cụ thể là:
Một là, giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội trong sạch, vững mạnh.
Thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức và đạo đức; đấu tranh chống mọi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; miễn dịch trước sự tấn công, xâm nhập của những khuynh hướng, quan điểm, tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch. Ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm hạ thấp và xóa bỏ vai trò lãnh của Đảng đối với quân đội. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy, gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” và các Nghị quyết Trung ương khóa XII của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Chú trọng việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; trong đó, cần quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Nghị quyết 769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên gương mẫu về mọi mặt, thực sự là hạt nhân đoàn kết, tổ chức lãnh đạo đơn vị chấp hành nghiêm đường lối của Đảng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, chiến sĩ về bản chất giai cấp công nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định con đường cách mạng - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, bồi dưỡng tình cảm đối với quê hương, đất nước, con người Việt Nam cho mỗi người quân nhân trong quân đội. Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Hình thành, phát triển ở mỗi cán bộ, chiến sĩ ý chí quyết tâm cao, nhạy bén, sắc sảo về chính trị, có năng lực hoạt động thực tiễn và phương pháp tác phong công tác tốt, lối sống trung thực, giản dị, không bị cám dỗ bởi lối sống cá nhân chủ nghĩa, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất tầm thường. Không ngại khó, ngại khổ, ngại học, ngại rèn, thường xuyên nâng cao trình độ năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phải làm cho bản chất cách mạng của quân đội tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong tư tưởng, tình cảm, ý chí và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Ba là, coi trọng xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị quân đội trong sạch, lành mạnh, xây dựng đạo đức, lối sống, nhân cách người quân nhân cách mạng.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội”, kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi trọng gắn kết giữa thực hiện các chuẩn mực con người Việt Nam mới, “Đơn vị văn hóa” với đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, nhất là đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giảm thiểu vụ việc vi phạm kỷ luật. Thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và quân đội về công tác quản lý, kiểm tra, thẩm định biên tập, in ấn, phát hành, lưu hành, sử dụng các phương tiện nghe nhìn, thiết bị điện tử kết nối internet,… Phát huy dân chủ cơ sở gắn với tích cực đấu tranh với mọi biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa, tạo môi trường và điều kiện tốt nhất cho bộ đội tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ.
Bốn là, tăng cường đấu tranh trên mặt trận lý luận - tư tưởng, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch muốn làm cho quân đội ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo khuynh hướng “phi chính trị hóa”.
Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Chủ động bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội kiểu mới, về bản chất cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội. Đấu tranh trực diện, vạch trần bản chất chính trị phản động, phản khoa học của âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội. Nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực xây dựng nội bộ đơn vị, tổ chức vững mạnh toàn diện, tạo khả năng “miễn dịch” trước những thủ đoạn tấn công bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò của hệ thống báo chí và các đơn vị văn hóa nghệ thuật quân đội, kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với hệ thống truyền thông, văn hóa nghệ thuật của cả nước để làm thất bại mọi thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Chú trọng và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lý luận có đủ phẩm chất và năng lực, nhanh nhạy, sắc bén trong đấu tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng này tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng.
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, chống “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị” là một nguyên tắc cơ bản, quan trọng hàng đầu trong xây dựng quân đội cách mạng. Đó là một quá trình liên tục, xuyên suốt sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội cách mạng, đòi hỏi phải thực hiện tổng hợp các biện pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách… trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định rõ nguyên tắc căn bản đó và hiện nay vẫn đang tiếp tục được coi trọng làm nền tảng để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Nguyễn Quang Bình
__________________________
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, t.41, tr.147.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, t.14, tr.11.
(3) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.43, tr.277.
(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.28, tr.368.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.5, tr.507.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.318.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.350.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr.75.