Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 23/9/2019 15:10'(GMT+7)

Không để người dân hoang mang với dịch bệnh

Bệnh nhân nhiễm  bệnh Whitmore được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN).

Bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN).

Thời gian gần đây, một số bệnh viện, cơ sở y tế tiếp nhận một số bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis (nhiễm vi khuẩn Whitmore) vào điều trị.

Đặc biệt, một số trường hợp do phát hiện muộn, điều trị chưa đúng phác đồ, dẫn đến bệnh tiến triển nặng, cùng những tác nhân khác, khiến người bệnh tử vong trong thời gian ngắn. Trước hiện tượng này, một số cơ quan báo chí, nhất là mạng xã hội đưa nhiều thông tin, như: “Bệnh lạ” cực kỳ nguy hiểm bùng phát, xuất hiện vi khuẩn “ăn thịt người”, “vi khuẩn ăn cánh mũi” ở Việt Nam… khiến người dân hoang mang.

Trước sự việc trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã thông tin chính thức: Bệnh Melioidosis (Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (viết tắt là B) tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm trực khuẩn B, nhất là khi hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước, đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua vùng xây xước ngoài da.

Theo TS Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội): Bệnh Whitmore được các nhà khoa học Pháp phát hiện ở Việt Nam cách đây gần một thế kỷ (năm 1925). Trước đây, nhiều bệnh nhân Whitmore có thể bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh truyền nhiễm khác. Đến nay, xét nghiệm vi sinh tại các cơ sở y tế rất tiến bộ nên bệnh nhân Whitmore được chẩn đoán đúng. Chính vì thế số lượng ca bệnh tăng lên, chứ không phải bệnh Whitmore đột ngột quay trở lại và bùng phát thành dịch.

Với những căn cứ khoa học về dịch tễ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Bệnh Whitmore khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những người mắc bệnh mãn tính. Chẩn đoán bệnh Whitmore dựa vào các yếu tố dịch tễ, như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh trực khuẩn B từ các mẫu bệnh phẩm. Điều trị căn nguyên gây bệnh Whitmore bằng sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. Cùng với đó là điều trị các triệu chứng và các biến chứng kèm theo cũng như chăm sóc phục hồi sức khỏe người bệnh.

Hiện nay, chúng ta chưa có vắc-xin để phòng ngừa bệnh Whitmore. Chính vì vậy, người dân cần hiểu đúng về bệnh Whitmore và thực hiện đúng những khuyến cáo của ngành y tế trong phòng, chống và điều trị bệnh; nắm vững các yếu tố dịch tễ và các biểu hiện lâm sàng của bệnh Whitmore để kịp thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế cứu chữa.

Các bệnh viện, các sơ sở y tế cần chú trọng nâng cao chất lượng xét nghiệm vi sinh để chẩn đúng bệnh Whitmore cũng như các loại dịch bệnh khác, ngăn ngừa những tiến triển của bệnh. Đối với các cơ sở y tế tuyến dưới, nếu không có đủ trang bị máy móc xét nhiệm xác định bệnh Whitmore cần khuyến cáo và kịp thời chuyển bệnh nhân nghi nhiễm Whitmore lên tuyến trên.

Đặc biệt, đối với các cơ quan truyền thông, cần bám sát thông tin chính thống để kịp thời phổ biến, tuyên truyền chính xác về bệnh Whitmore cũng như các loại dịch bệnh khác tới nhân dân. Tuyệt đối tránh các trường hợp thông tin sai sự thật, thông tin thiếu căn cứ; chú trọng chuyển tải những khuyến cáo của các cơ sở y tế nhằm giúp nhân dân vừa có nhận thức đúng, vừa có kiến thức, kỹ năng phòng chống bệnh.

Mỗi người dân cũng cần nâng cao kiến thức, hiểu biết chung về các loại dịch bệnh, có trách nhiệm trong việc tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, không thông tin, lan truyền những nội dung thiếu căn cứ, thiếu chuẩn xác trên mạng xã hội. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý y tế, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp phòng, chống bệnh tật cần thiết lập các kênh thông tin chính thống, kịp thời phổ biến, cung cấp cho nhân dân những cơ sở khoa học, tránh dư luận xấu, gây bất ổn đời sống của nhân dân... Tuyệt đối không để người dân “bơi” giữa thông tin nhiễu loạn, hoang mang trước bệnh Whitmore nói riêng, các loại dịch bệnh khác nói chung./.

Tiến Đạt (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất