Chủ Nhật, 22/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 16/5/2013 11:2'(GMT+7)

Không để Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh

Chỉ 5-6% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ tiên tiến

 Trong những năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

 Trong 114,6 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, năm 2012, các doanh nghiệp FDI "mang về" 72,3 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2011, đóng góp tới 17,7 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 18,3% của cả nước.

 Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, các doanh nghiệp FDI vẫn chưa thực sự đóng vai trò tích cực trong việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ nguồn.

 Theo thống kê, hiện tại chỉ có khoảng 5-6% các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ tiên tiến. 80% sử dụng các công nghệ trung bình, còn lại là sử dụng các công nghệ lạc hậu.

 Do đó, mặc dù các doanh nghiệp FDI dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trong các thành phần kinh tế, nhưng chất lượng hàng xuất khẩu chưa cao. Phần lớn các doanh nghiệp FDI nhập nguyên liệu từ nước ngoài (chỉ khoảng 27% nguyên liệu đầu vào mua trong nước) và chỉ gia công, lắp ráp tại Việt Nam. Đặc biệt, đại đa số các doanh nghiệp FDI không đầu tư vào các hoạt động R&D (hoạt động nghiên cứu và phát triển - PV).

Doanh nghiệp, dự án được cấp chứng nhận công nghệ cao vẫn thấp

 Ông Bùi Văn Sỹ, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và doanh nghiệp KH&CN (thuộc Bộ KH&CN) cho biết, từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 6-2011 đến nay, Văn phòng đã nhận được 22 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận công nghệ cao. Qua thẩm định, đã cấp 7 Giấy chứng nhận công nghệ cao, trong đó có 4 giấy chứng nhận được cấp cho doanh nghiệp và dự án FDI (chiếm 57%).

Ông Sỹ cũng cho biết thêm, các Giấy chứng nhận công nghệ cao chủ yếu được cấp cho các dự án ứng dụng công nghệ cao (5 dự án, chiếm 71%), mới chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận công nghệ cao (chiếm 29%).

Về việc cấp Giấy chứng nhận công nghệ cao, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, đây không phải là thêm một thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp FDI. Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện thuận lợi, thậm chí còn cử cán bộ xuống các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao hướng dẫn đăng ký cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, số doanh nghiệp, dự án được cấp chứng nhận công nghệ cao vẫn thấp do bản thân số doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao chưa nhiều. “Vấn đề là doanh nghiệp cần chứng minh được họ đã đầu tư vào công nghệ cao”.

Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, cũng nhận định, sau năm 2008, Chính phủ Việt Nam giảm các ưu đãi như miễn giảm thuế trước đây cho các doanh nghiệp FDI. Hiện nay, ngoại trừ đầu tư vào đặc khu kinh tế, còn lại chỉ có Chứng nhận công nghệ cao mới được giảm thuế.

Để được cấp Chứng nhận công nghệ cao, với các hoạt động ứng dụng công nghệ, ngoài việc công nghệ sử dụng trong dự án là công nghệ mới và thuộc danh mục công nghệ cao, bảo vệ môi trường… một tiêu chí quan trọng là chi phí cho hoạt động R&D bình quân được thực hiện tại Việt Nam đạt ít nhất 1% doanh thu.

Còn với các doanh nghiệp, để đạt Chứng nhận công nghệ cao, chi phí cho hoạt động R&D bình quân trong 3 năm liền được thực hiện tại Việt Nam đạt ít nhất 1% doanh thu, từ năm thứ 4 phải trên 1% doanh thu.

Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao bình quân trong 3 năm liền đạt từ 60% trở lên trong tổng doanh thu hàng năm, từ năm thứ 4 trở lên phải đạt từ 70% trở lên.

Với cả 2 đối tượng này, số lao động tham gia trực tiếp vào nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt từ 5% trở lên trong tổng số lao động.

Dương Ngọc


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất