Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 10/6/2009 7:55'(GMT+7)

Không đồng ý thu học phí giáo dục mầm non

Nhiều em bé không được đến lớp nên làm bạn với sự nhếch nhác (ảnh Hoa Hạnh)

Nhiều em bé không được đến lớp nên làm bạn với sự nhếch nhác (ảnh Hoa Hạnh)

 

Sáng nay (9/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Đề án đổi mới cơ chế tài chính ngành Giáo dục giai đoạn 2009-2014.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: mục tiêu đề án, chủ trương và định hướng đổi mới tài chính giáo dục, nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục, tác động của đề án đối với xã hội…

Miễn học phí bậc mầm non

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, giáo dục mầm non có ý nghĩa rất quan trọng. Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo tất cả số trẻ em đến tuổi đều được đến trường, thế nhưng đến nay mới thu hút được khoảng 1/2 số trẻ đến tuổi đi học. Lý do đề án đưa ra là nếu không thu học phí mầm non thì không có kinh phí cho giáo dục các cấp tiếp theo là không thuyết phục. Đại biểu Hoàng Văn Toàn cho rằng, nếu muốn giảm qui mô đào tạo thì nên giảm ở các bậc học cao hơn.

Đại biểu Võ Đình Tuyến (đoàn Bình Phước) nói: Thời gian qua, việc giáo dục ở cấp mẫu giáo gần như khoán trắng cho các gia đình. Bên cạnh đó, chính sách cho giáo viên mầm non cũng cần phải được quan tâm xem xét. Hiện nay, giáo viên mầm non dạy khoảng 53 tiết/tuần, trong khi giáo viên trung học chỉ dạy khoảng 23 tiết/tuần, mà giáo viên mầm non lại không được hưởng chế độ, chính sách gì hơn.

Còn đại biểu Phan Thị Mỹ Bình (đoàn Tuyên Quang) thì khẳng định “dù bất cứ lý do gì chúng ta cũng phải miễn học phí bậc mầm non”. Đại biểu đưa ra dẫn chứng, ở Tuyên Quang, vẫn có nhiều phụ huynh không thể đóng tiền ăn cho con mà phải đóng bằng gạo và các phụ huynh phải thay nhau đến lớp để nấu cơm cho con ăn.

Đại biểu Võ Đình Tuyến cho rằng: Đề án này đưa thêm nhiều học sinh ra khỏi công lập là không phù hợp. Vì hiện nay đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học tăng. Đại biểu cũng đồng ý với việc tăng học phí nhưng không phải là lúc này. Bởi lẽ, tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình có con em đi học.

Mức 6% là không hợp lý

Đại biểu Lê Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, phương pháp, nguyên tắc tính học phí như đề án là chưa hợp lý (6% bình quân thu nhập hộ gia đình). Bởi hiện nay, nước ta mới chỉ tính được bình quân thu nhập của tỉnh, chỉ có một vài nơi tính được bình quân thu nhập của quận, huyện. Vì thế, qui định như đề án thì rất khó xác định thu nhập bình quân vùng, miền để tính học phí.

Đại biểu đề nghị, việc đóng học phí phải theo chất lượng đào tạo giáo dục. Nhưng nhà nước phải qui định mức tối thiểu qui định học phí là bằng chất lượng giáo dục đại trà. Hiện nay, các trường ngoài công lập đã áp dụng qui tắc này. Nhưng Nhà nước cũng cần qui định mức trần học phí (mức trần học phí của trường ngoài công lập = trần công lập + mức hỗ trợ của Nhà nước với trường).

Đại biểu bày tỏ sự nhất trí với đề xuất của Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội là mức học phí không vượt quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình.

Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) phân tích, đề án cho rằng, với mức học phí 180.000 đồng/tháng thì trong 5 năm học đại học, sinh viên phải trả khoảng hơn 7 triệu đồng học phí. Với số tiền này, chỉ cần dành 7-8 tháng đi làm là có thể bù đắp được. “Nhưng đề án không nhìn được vấn đề là, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, hay phải mất nhiều chục triệu đồng mới xin được việc, số tiền này còn phải trang trải cho gia đình, bản thân…” - đại biểu Lê Văn Cuông nói.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, qui định học phí dạy nghề quá cao như trong đề án là không hợp lý, không khắc phục được tình trạng thừa thày, thiếu thợ, không khuyến khích được học sinh học nghề…

Đại biểu Võ Đình Tuyến (đoàn Bình Phước) cũng đề nghị, Bộ Giáo dục-Đào tạo cần làm rõ việc quản lý kinh phí giáo dục như thế nào. Nhà nước dành 20% tổng ngân sách cho giáo dục, vậy nguồn tiền này được chi tiêu ra sao, hiệu quả như thế nào. Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết chỉ quản lý 5% trong số này vậy trên 90% còn lại thì ai là người quản lý.

Đại biểu Võ Đình Tuyến cho rằng, trong đề án đưa ra so sánh về học phí của Việt Nam với các nước Trung Quốc, EU… là không hợp lý. Nếu so sánh với các nước này thì rõ ràng học phí của chúng ta là thấp nhưng Việt Nam khác về chế độ chính trị và thu nhập bình quân so với các nước này.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) thì lại có quan điểm khác: “Chúng ta đòi hỏi phải nâng chất lượng giáo dục ngang tầm thế giới thì tại sao lại không so sánh về học phí với các nước trên thế giới”./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất