Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để; cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập, làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, nếu các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu không được tháo gỡ, sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Vì thế, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Khắc Định (Đoàn Khánh Hòa) cho biết, nền kinh tế nào cũng có nợ xấu, nợ xấu dưới 3% là bình thường và có thể xử lý bằng hệ thống pháp luật thông thường. Tuy nhiên, trong tình huống nợ xấu quá cao, cần có cơ chế pháp lý đặc biệt.
Nhấn mạnh xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách, đại biểu Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn của hệ thống ngân hàng.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Minh Châu (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cũng nhất trí về sự cần thiết ban hành văn bản với quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, nhằm xử lý triệt để tình trạng tỷ lệ nợ xấu cao trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Minh Châu, một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết cần cân nhắc, điều chỉnh để đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi và phù hợp với chủ trương, chính sách nêu tại Nghị quyết số 05/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII).
Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, đại biểu đề nghị quy định theo hướng Nghị quyết này chỉ điều chỉnh đối với những khoản nợ xấu phát sinh đến ngày 31/12/2016 và quy định thời hạn áp dụng Nghị quyết này là 5 năm kể từ ngày 1/7/2017 để thực hiện.
Đối với các khoản nợ xấu tiềm ẩn, phát sinh hàng ngày song hành cùng với hoạt động của tổ chức tín dụng, áp dụng theo các quy định của pháp luật về ngân hàng, pháp luật về các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan để bảo đảm tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn.
Đại biểu Ngô Minh Châu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá về khả năng thực hiện quyền thu giữ của tổ chức tín dụng, khả năng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan để bảo đảm tính khả thi của quy định.
Đối với nguyên tắc xử lý nợ xấu, đại biểu Ngô Minh Châu đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu trong dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Hà Nội)… cũng tán thành với quan điểm này và cho rằng đây là nguyên tắc trụ cột để xử lý nợ xấu./.
(TTXVN)