Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 5/2/2016 22:55'(GMT+7)

Không được đánh đồng “công” và “tội”!

 

Nghiên cứu lịch sử thế giới, chúng ta đều biết, hơn 200 năm trước, các cuộc chiến tranh do Napoléon (Na-pô-lê-ông) tiến hành mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nước Pháp đã “vô tình” giúp nhiều nước châu Âu ra khỏi hình thái kinh tế - xã hội phong kiến, và mở ra con đường đi tới hình thái kinh tế - xã hội tư bản. Sau các cuộc xâm lăng đó, Đạo luật Napoléon (gồm: luật dân sự, luật gia đình, luật hình sự) đã được sử dụng để áp đặt lên lãnh thổ bị chinh phục như Hà Lan, Bỉ, một phần của I-ta-li-a, Đức. Rồi khi đế chế Napoléon sụp đổ, Đạo luật tiếp tục tồn tại ở nhiều quốc gia, được dùng làm cơ sở cho nhiều phần trong một số bộ luật ngoài châu Âu. Điều này cho thấy giá trị, tầm ảnh hưởng của Đạo luật, thậm chí được đánh giá như một “dự án cách mạng” khuyến khích sự phát triển của một xã hội tư sản ở Đức bằng việc mở rộng quyền đối với tài sản tư hữu và đẩy nhanh sự kết thúc của chế độ phong kiến. Tuy được coi là “người làm thay đổi châu Âu” nhưng nhiều quốc gia châu Âu lại không tạc tượng Napoléon để tỏ lòng biết ơn. Có lẽ vì người ta không quên các tổn thất nặng nề về người và của từ những cuộc chiến tranh do Napoléon tiến hành. Cũng không vì câu nói “lừa, ngựa và các nhà khoa học đi vào giữa” của ông trong chiến dịch Ai Cập mà quên sự cướp bóc, tình trạng hoang tàn ở nhiều quốc gia sau các cuộc xâm lăng dưới sự lãnh đạo của Napoléon…

Từ câu chuyện liên quan Napoléon, và nhiều sự kiện khác nữa, có thể rút ra kết luận: ự ngộ nhận, thậm chí đánh giá sai lầm bản chất một nhân vật của lịcSh sử không dựa trên sự thật khách quan là điều phải được xem xét nghiêm túc. Đáng tiếc ở Việt Nam gần đây có một số ý kiến “đánh giá lại” một số nhân vật vốn gây nhiều tranh cãi, từ đó nhập nhèm giữa “công” và “tội” có thể gây ra nhầm lẫn, làm sai lệch sự thật lịch sử; như việc mấy năm trước một nhà sử học đề nghị “đánh giá lại” Hoàng Cao Khải là một thí dụ. Không thể bác bỏ sự thật Hoàng Cao Khải là nhân vật từng tận tụy phục vụ chính quyền thực dân Pháp, dân gian đã lưu truyền “công trạng” của người này bằng những câu ca để đời: “Hỏi ai bán nước buôn dân - Ấy Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân một phường”, “Hoàng Cao nhục nhã đã xong - Nguyễn Thân đâu cũng vào vòng khuyển nô - Lại cùng Tây tặc mưu mô - Người Nam lại phá cơ đồ người Nam”…! Từ chỗ cho rằng “bia miệng” quá nặng nề khi đánh giá Hoàng Cao Khải, nhà sử học muốn bảo vệ nhân vật này, cho rằng đây là người có… “tinh thần dân tộc”! Chẳng nhẽ khi “xét lại”, nhà sử học (vô tình, cố tình?) bỏ qua báo cáo của thống sứ người Pháp Parreau (Pa-gô): Tháng 3-1889, Hoàng Cao Khải tiến hành “một trận đánh vang dội khắp vùng làm quân nổi loạn hoang mang, nhiều tên tướng bị bắt, Hoàng Cao Khải xử tử ngay lập tức. Hơn thế, Hoàng Cao Khải không để cho quân nổi loạn kịp hoàn hồn. Thám tử của ông tỏa đi khắp nơi, bắt giữ những kẻ tình nghi, hễ có dấu hiệu thông đồng với giặc (tức nghĩa quân) thì xử chém ngay tức khắc… Hàng loạt tên nổi loạn bị xử tử, làng Phù Đổng theo giặc bị đốt sạch”. Một ghi chép khác về Hoàng Cao Khải được trung úy F.Berard (Ph.Béc-na) viết trong thư ngày 16-10-1891 khiến người đọc khônng khỏi rùng mình: “Ông ta chặt 1.800 đầu trong ba tháng, nhưng ông ta đã thu được các tin tình báo quý báu đã giúp chộp được những tên cướp (tức nghĩa quân) và gặt hái được một số lượng lớn súng ống”. Dưới trướng Hoàng Cao Khải, đã hình thành một “thế hệ binh lính tàn bạo đến mức không chịu được” (lời Toàn quyền De Lanessan (Đờ La-nê-xăng)). Không ngẫu nhiên, một chí sĩ yêu nước đương thời từng nhận xét: “Phàm người Việt mà đi làm tôi tớ cho người Pháp đều là bọn tham bỉ mất lương tâm, quỳ lạy giống khác, xẻo thịt đồng bào, không bằng cầm thú… Hai người ấy (Khải và Thân) đành bỏ tất cả liêm sỉ danh tiết một người đời, đem hết tâm huyết tài lực giết hại đồng bào để cầu được công với người Pháp, chẳng qua là chỉ thèm thuồng ba chữ “có quyền thế” đó thôi…”. Đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi. Đó cũng không phải “bia miệng”, nên không thể chỉ dựa vào một cuốn sách viết về lịch sử của Hoàng Cao Khải để ca ngợi ông ta là người “có tinh thần dân tộc”. Bởi người có tinh thần dân tộc không bao giờ theo chân ngoại bang giết hại đồng bào mình!

Năm 2015, việc Trương Vĩnh Ký được một Quỹ văn hóa tôn vinh “nhân vật kiệt xuất có công đối với văn hóa Việt Nam” khiến nhiều người ngạc nhiên. Sau đó lại xuất hiện một bài viết khẳng định Trương Vĩnh Ký là “người thầy, nhà văn hóa lớn của dân tộc”! Vậy người được tôn vinh này là ai? Đó là người vào tháng 3-1859, hơn một tháng sau khi Pháp chiếm thành Gia Định, trước cảnh nước mất nhà tan, phong trào chống thực dân lan rộng khắp cả nước lại có hành động khó hiểu là viết thư gửi người Pháp để cầu cứu: “Xin đừng chần chừ nữa, xin mở rộng bàn tay giải phóng của Ngài để chấm dứt những nỗi cơ cực của dân tộc chúng tôi” (Vũ Ngự Chiêu trích dịch Thư của Petrus Key); rồi tinh thần “không chần chừ” ấy được biểu hiện cụ thể bằng việc xăng xái làm thông ngôn cho người Pháp; và đảm nhiệm luôn cả việc làm “tay trong” cho người Pháp như đã thể hiện trong thư Trương Vĩnh Ký gửi cho P.Bert (P.Be): “Tôi cũng đang lo tiếp xúc để cung cấp cho ngài những tin tức chính trị hữu ích. Tôi hết lòng tán đồng dự án hoàn mỹ của ông Pène (Pen) về công cuộc bình định thi hành bởi những yếu nhân bản xứ và, ở đây, tôi đang bám sát nhà vua cùng Viện cơ mật. Như sứ giả tiên khu của Chúa, tôi tìm cách dọn đường cho ngài” (thư ngày 10-5-1886); “Tôi sẽ trấn áp tất cả các hãnh thần và bao vây nhà vua, tôi sẽ kiếm những người thật sự có khả năng cho Viện cơ mật” (thư ngày 17-6-1886)… Vậy nhưng, để đánh giá công lao Trương Vĩnh Ký, một số người chỉ căn cứ vào số tác phẩm của ông ta để kết luận đó là “người đi tiên phong trong việc chuẩn bị cho sự nghiệp duy tân”, “tác phẩm đa dạng như thế có tác dụng xã hội lớn lao. Nó giúp cho đồng bào ta vượt qua vòng kiềm tỏa u minh của lối sống phong bế, mở mang sự hiểu biết thiên nhiên, hiểu biết con người” mà không xét tới mục đích xuất bản các tác phẩm này. Hơn nữa, họ lấy gì chứng minh các cuốn sách ấy đã giúp người Việt đương thời “vượt qua vòng kiềm tỏa u minh của lối sống phong bế, mở mang sự hiểu biết thiên nhiên, hiểu biết con người”? Chẳng lẽ họ không biết chính Trương Vĩnh Ký đã nói rất rõ trong thư gửi “Các vị trong ban duyệt xét bản thảo” rằng: “Người Pháp với tư cách là chủ, cần biết tiếng An Nam để giảng dạy người An Nam là học trò những tư tưởng và khái niệm cần thiết cho việc cải tạo và phục sinh của người An Nam”; thậm chí còn không ngần ngại tự nhận mình là “người bề tôi tận tâm và vâng lời”, khẳng định “lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp, và những công việc phục vụ nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp” (trích thư ngày 3-9-1868 gửi Giám đốc Nội trị để xin từ chức). Rõ ràng rất nhiều việc làm của Trương Vĩnh Ký chỉ là nhằm phụng sự quyền lợi của nước Pháp, không nhằm phụng sự đất nước đã sinh ra ông ta, tức là đâu có yêu dân tộc mình tới mức phải được ca ngợi, vậy vinh danh ông là “người thầy, nhà văn hóa lớn của dân tộc” chẳng phải là sự xúc phạm với người Việt chân chính hay sao?

Hoàng Cao Khải, Trương Vĩnh Ký không phải trường hợp cá biệt mà một số người nhân danh “nhà nghiên cứu” đánh giá, tôn vinh quá mức. Gần đây, hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng với những việc khó tin như: có nhân vật cho rằng Pháp đánh chiếm Việt Nam là do “thượng đế an bài… nếu chống lại thì sẽ giống như châu chấu lay trụ đá”, vì vậy “tốt nhất là quân lính nên nghỉ ngơi” vẫn được ca ngợi “có tấm lòng yêu nước”; lại có nhân vật nói rằng: “Nay các nước phương Tây, đã bao chiếm từ Tây Nam cho đến Đông Bắc,... ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa, ai hòa với họ thì được yên, huống hồ nước Việt Nam ta là một nước nhỏ bé, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được” lại được ca ngợi là “yêu nước thiết tha”… Đáng nói là tại một số hội thảo, tọa đàm, có tác giả đưa ra logic kỳ quặc: “Văn hóa là nền tảng, người có đóng góp vào văn hóa dân tộc thì không lý gì không yêu nước, không có những đóng góp ưu việt cho nước nhà”; thậm chí có người kiên trì dựng lên cái gọi là “nỗi oan khuất chưa có người giải” và tìm mọi cách “minh oan”. Trong khi đó, một số tờ báo lại chưa thận trọng tỉnh táo, thiếu kiểm chứng, đã tạo diễn đàn công bố, vô tình trở thành công cụ tuyên truyền luận điểm thiếu chính xác tới công chúng, nếu tình trạng này tiếp diễn vô hình trung sẽ biến cái sai thành cái đúng, biến “ngụy sử” thành chính sử, tác hại sẽ khôn lường.

Có thể thấy sự bất thường từ hiện tượng một số người nhân danh “xét lại lịch sử” để đưa đánh giá khác lạ, thậm chí sai lầm, về một số nhân vật lịch sử mà hành vi của họ từng làm tổn hại đến lợi ích dân tộc để tạo dựng nên “giá trị ảo”, thậm chí ca ngợi cả người theo ngoại bang, phản bội Tổ quốc,… rồi từ đó gieo rắc sự hoang mang, gây mất lòng tin, hoài nghi về những giá trị đích thực, phủ nhận những thành quả mà các thế hệ cha ông đạt được sau bao nhiêu năm đấu tranh giữ nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Ghi nhận tên tuổi một số nhân vật lịch sử qua việc đặt tên một số trường học, công viên, đường phố là thể hiện tính nhân văn của truyền thống dân tộc. Nhưng không vì thế mà đánh đồng “công” và “tội”, người yêu nước và kẻ phản quốc, bởi điều đó là thiếu tôn trọng sự thật lịch sử và khiến nhận thức của thế hệ sau bị tác động tiêu cực, dẫn tới nhận thức lệch lạc, ngộ nhận.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất