Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, chiều 3/6, Quốc
hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật trưng cầu ý dân và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.
Nên quy định ba chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân
Góp ý về dự án Luật trưng cầu ý dân, qua thảo luận, các đại biểu tán
thành với sự cần thiết ban hành và cho rằng dự thảo Luật được trình lần
này sẽ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho
người dân tham gia vào công việc của Nhà nước và trực tiếp thể hiện
quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thảo luận về phạm vi trưng cầu ý dân, nhiều đại biểu đồng tình với dự
thảo Luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi
cả nước. Vì điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý
dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ
chức Quốc hội.
Đồng tình với dự thảo Luật, đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho
rằng, các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là những sự việc lớn
có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích chung quốc gia, quyền và lợi
ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội. Đối với các vấn đề liên
quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ
nhất định thì hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham
gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động.
Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), dự thảo Luật nên có
quy định mở, để trong một số trường hợp có thể trưng cầu ý dân tại một
số tỉnh, thành phố về các vấn đề mang tính chuyên biệt của địa phương
đó. Thay vì chỉ quy định phạm vi toàn quốc đối với tất cả các cuộc trưng
cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho rằng trưng cầu ý dân là những vấn đề dân bỏ
phiếu xong, chọn phương án nào và khi công bố có giá trị ngay mà không
cần cơ quan khác can thiệp, thậm chí Quốc hội cũng không cần ra nghị
quyết. Ví dụ, có những vấn đề bức xúc chỉ riêng ở địa phương này, nếu
đưa ra toàn quốc chắc gì bà con vùng khác đã quan tâm. Do đó, không nên
bỏ trưng cầu ý dân cấp khu vực.
Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, nhiều đại biểu đã chọn
phương án 1 là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc
ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu
ý dân. Các đại biểu cho rằng, quy định như vậy mới bảo đảm tầm quan
trọng của việc đề nghị trưng cầu ý dân và thống nhất với Luật tổ chức
Quốc hội.
Tán thành phương án 1, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho rằng, nếu đưa thêm Mặt
trận vào chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân thì sẽ không phù hợp
với quy định Hiến pháp.
Cũng đồng tình phương án này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng
việc trưng cầu dân ý Việt Nam chưa có kinh nghiệm, trong khi đó nhiều
vấn đề phức tạp đang diễn ra ở cả trong nước và thế giới. Do vậy, vấn đề
này không nên đưa thêm Mặt trận vào.
Góp ý về kết quả trưng cầu ý dân, nhiều đại biểu cho rằng, cuộc trưng
cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách
cử tri đi bỏ phiếu. Theo đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), khi tổ
chức trưng cầu ý dân nếu được 50% số người dân tham gia trực tiếp đi bỏ
phiếu là đã thành công. Còn nếu quy định phải hai phần ba tổng số cử tri
có tên trong danh sách đi bỏ phiếu và phương án được quá hai phần ba số
phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành thì rất khó.
“Trong thực tế là rất khó, bởi vì người dân khi trưng cầu không phải tất
cả họ không đồng ý mà do người ta không quan tâm nên không đi bỏ phiếu.
Trong trường hợp có những điều chúng ta cần trưng cầu. Ví dụ như xây
dựng nhà máy điện hạt nhân, chúng ta cần trưng cầu ý dân. Thế nhưng chờ
đủ 2/3 số người đồng ý thì rất khó. Việc này rất cần nhưng vì một số
người không quan tâm không đi bỏ phiếu mà căn cứ vào kết quả đó có khi
bỏ lỡ cơ hội. Theo tôi, chúng ta nên theo hướng 50% số người dân tham
gia trực tiếp bỏ phiếu," đại biểu Thường góp ý.
Đồng tình với một số ý kiến, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng,
chỉ cần nửa số phiếu bầu hợp lệ là đảm bảo được. Còn nếu quy định hai
phần ba số phiếu bầu hợp lệ thì quá cao và không khả thi trong quá trình
thực hiện.
Liên quan đến dự án Luật trưng cầu dân ý, các đại biểu cũng đã góp ý cụ
thể vào một số nội dung khác như cơ quan, tổ chức phụ trách trưng cầu ý
dân; giải quyết khiếu nại về kết quả trưng cầu ý dân…
Nhất trí sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam
Trong buổi làm việc tại tổ chiều nay, các đại biểu đã thảo luận, góp ý
về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Qua
thảo luận, các đại biểu nhất trí, dự án Luật cần tập trung sửa đổi, bổ
sung những quy định chung; quy định về tàu biển; quy định về thuyền bộ….
Góp ý cụ thể về cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ
tàu biển, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số đại biểu khác
đề nghị, Luật cần quy định rõ điều kiện đối với doanh nghiệp nhập tàu
cũ về phá dỡ vì tàu cũ rất nguy hiểm về cháy nổ, ảnh hưởng đến môi
trường và an toàn lao động. Luật cũng phải quy định quy hoạch rõ vùng
phá dỡ tàu cũ, nhất là đối với những vùng kinh tế, nuôi trồng thủy sản
thì không cho phép nhập tàu cũ về để phá dỡ; đồng thời, Luật phải quy
định các điều kiện an toàn về cháy nổ, xử lý nơi nguồn nước phá dỡ tàu
cũ và xử lý chất thải sau khi phá dỡ tàu cũ.
Theo chương trình, sáng 4/6, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe
Tờ trình dự án Luật an toàn thông tin; thảo luận về chủ trương đầu tư
xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành./.
(TTXVN)