Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 24/9/2012 15:42'(GMT+7)

"Không nên một mực cho rằng mình là đúng và nước khác là sai"

 

Ngày 14-6-2012, một bài báo có nhan đề Việt Nam xếp hạng 34/158 về Chỉ số hòa bình toàn cầu được công bố trên website của Ðài Tiếng nói Hoa Kỳ - VOA. Bài báo cho biết, theo bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu 2012 (Global Peace Index - GPI) do Viện Kinh tế và hòa bình có trụ sở tại Australia công bố thì Việt Nam đứng thứ 34 trên tổng số 158 quốc gia được khảo sát. Tuy nhiên đọc bài báo, rất dễ nhận ra một điều "hơi bất thường" là trong khi phác thảo khá chi tiết về bức tranh hòa bình của thế giới từ năm 2009 đến năm 2012, dường như tác giả bài báo lại "quên" không cho người đọc biết Hoa Kỳ xếp thứ bao nhiêu trên bảng xếp hạng này!? Và trên thực tế, bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu 2012 xếp Hoa Kỳ ở vị trí... 88/158! Từ việc "tính toán 23 yếu tố khác nhau như tình trạng bạo lực, bất ổn chính trị, chi tiêu ngân sách quốc phòng, bên cạnh một số yếu tố cho thấy sự phát triển xã hội khác như tham nhũng, tự do báo chí, tôn trọng nhân quyền và tỷ lệ người đến trường", Chỉ số hòa bình toàn cầu do Viện Kinh tế và hòa bình tiến hành đã đưa tới một sự tin cậy nhất định, hẳn là vì thế, cũng theo VOA: "Chỉ số này hiện được nhiều tổ chức quốc tế, các chính phủ, và các tổ chức phi chính phủ kể cả Ngân hàng thế giới và Liên hiệp quốc sử dụng".

Ấy vậy mà vừa qua, dư luận lại được chứng kiến một sự kiện oái oăm và hy hữu là trong khi bảng xếp hạng Chỉ số hòa bình toàn cầu 2012 vẫn còn nguyên giá trị, ít nhất là trong năm 2012, thì ngày 11-9, Hạ nghị viện của quốc gia xếp thứ 88 lại thông qua hai văn bản có mục đích "thúc đẩy sự phát triển của tự do và dân chủ" ở quốc gia đứng thứ 34! Trước sự kiện này có thể nói, đối với những dân biểu của Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu để thông qua hai văn bản, thì Chỉ số hòa bình toàn cầu 2012 cũng chẳng có ý nghĩa gì, có lẽ họ đang hành xử để thỏa mãn những đòi hỏi nằm ngoài nội dung nhân quyền, chứ không vì nhân quyền đích thực? Vì lẽ, nhân quyền ở một quốc gia là một hệ thống giá trị toàn diện cùng các lĩnh vực hoạt động tương ứng và cụ thể; qua đó, con người được tạo điều kiện để phát triển, thực hiện những quyền cơ bản của mình. Với ý nghĩa ấy, hiển nhiên ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, nhân quyền không chỉ gồm "các tổ chức cộng đồng, các blogger, các nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính trị hoặc tôn giáo, các cá nhân đã gửi, xuất bản, hoặc phân phối dữ liệu liên quan đến dân chủ" như người ta định danh trong Nghị quyết H.Res.484 và Dự luật H.R.1410 để biện hộ cho các tổ chức, cá nhân vi phạm luật pháp Việt Nam và đã bị luật pháp Việt Nam xử lý.

Hơn thế nữa, phải nói thẳng rằng nội dung hai văn bản H.Res.484, H.R.1410 không khác nhiều so với nội dung các luận điệu, các số liệu và "thông cáo, thông báo" nhảm nhí mà các thế lực thù địch với Nhà nước và nhân dân Việt Nam công bố trên internet. Nói cách khác, đề cập tới nhân quyền ở Việt Nam, các dân biểu bỏ phiếu thông qua hai văn bản đã bất chấp yêu cầu về tính khách quan trong đánh giá, họ chỉ nghe theo, tin theo "điều trần" của mấy kẻ nổi tiếng là trơ tráo như Nguyễn Ðình Thắng, Cao Quang Ánh, Võ Văn Ái,... tảng lờ, không quan tâm các thành tựu về nhân quyền mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Như ngày 14-9 mới đây, trong bài UNICEF và chương trình Duy trì sự sống cho thiếu nhi, dù thiếu thiện chí với Việt Nam, phóng viên RFA vẫn phải viết: "Theo bà Lotta Sylwander, Trưởng Văn phòng UNICEF Việt Nam tại Hà Nội, trước kia ở Việt Nam mỗi năm cứ một nghìn trẻ dưới năm tuổi thì 66 trẻ chết mà phần lớn vì hai căn bệnh thông thường là sưng phổi và tiêu chảy. Nhưng đến giờ, chỉ 16 trên một nghìn trẻ chết trước khi được năm tuổi. Ðây là kết quả vô cùng ấn tượng trong mười hai năm qua ở Việt Nam, cũng là nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế nước này trong việc cung cấp những dịch vụ y tế cơ bản và cần thiết cho người dân trong mọi tầng lớp xã hội...". Thử hỏi, theo các dân biểu ở Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua hai văn bản nói trên, thì con số và đánh giá của đại diện UNICEF có liên quan nhân quyền hay không?

Trong những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, nhưng Ðảng và Nhà nước Việt Nam vẫn hết sức quan tâm vấn đề nhân quyền; biểu hiện trực tiếp, cụ thể là Chỉ thị số 44-CT/T.Ư của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Bởi có một điều thiêng liêng là, hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập dân tộc, vượt qua hai cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, chỉ vì một mục đích duy nhất là giành lại quyền làm người cho mọi người Việt Nam. Vì thế, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm "vì con người", đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Về mặt lập pháp, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thường xuyên phối hợp các cơ quan hữu quan soạn thảo, xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện, ban hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết với mục đích tối thượng, duy nhất là bảo đảm quyền con người, khẳng định quyền bình đẳng của công dân, bảo đảm các quyền cơ bản trong bầu cử, ứng cử, tự ứng cử, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền được học tập,... Bên cạnh nhiều luật đã được ban hành, nhiều luật mới cũng bắt đầu có hiệu lực, như Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Nuôi con nuôi; Luật Tố tụng dân sự; Luật Giáo dục đại học,... Về mặt hành pháp, Chính phủ Việt Nam tích cực triển khai các chương trình xóa đói, giảm nghèo; chú trọng an sinh xã hội; xây dựng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa; xây dựng hệ thống nhà trường và hỗ trợ học sinh nghèo; xây dựng hệ thống y tế các cấp từ trung ương đến địa phương, cấp bảo hiểm y tế cho người nghèo; triển khai Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, khẳng định vị trí, vai trò xã hội của phụ nữ; khẳng định tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, hoạt động của các tôn giáo; đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động từ thành thị tới nông thôn; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống truyền thông hiện đại đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người,...

Thông qua hoạt động thực tiễn, quan điểm và đường lối đúng đắn của Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa tới kết quả cụ thể, đời sống vật chất và tinh thần của toàn dân ngày càng được nâng cao, chính sách an sinh xã hội đã bảo đảm các yếu tố cơ bản nhất để mọi người dân được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi có khó khăn. Từ năm 2006 đến năm 2010, 52 triệu lượt người nghèo ở Việt Nam được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, hơn 400 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở. Ðề án Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia về quyền con người và quyền công dân do Bộ Tư pháp chủ trì sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2012. Hệ thống báo chí Việt Nam trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là về quyền con người; báo chí cũng có vai trò tích cực trong một số vấn đề - sự kiện xảy ra trong xã hội (như với sự kiện ở Tiên Lãng - Hải Phòng, hơn 1.000 bài báo được công bố, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các cơ quan thông tin đại chúng đã góp phần tích cực giúp các cơ quan chức năng làm sáng tỏ, có chỉ đạo phù hợp). Với lĩnh vực tôn giáo - tín ngưỡng, Nhà nước cùng chính quyền các cấp tạo điều kiện để mọi công dân theo tôn giáo - tín ngưỡng nào đó được thực hành đức tin. Các lễ Noel (Công giáo), Phật đản (Phật giáo), Lễ kỷ niệm ngày sinh Nabi Muhammad (Hồi giáo), Ðại lễ vía Ðức chí tôn (Cao đài), Ðại lễ đản sinh đức Huỳnh giáo chủ và Lễ khai đạo (Hòa hảo),... được tổ chức trang trọng. Ðặc biệt, theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Benedicto XVI đã bổ nhiệm Ðặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, và vừa qua, Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã có chuyến thăm và hoạt động mục vụ lần thứ 9 ở 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Ðồng thời, chính sách và pháp luật về các dân tộc thiểu số được hoàn thiện để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, có thể kể tới chính sách ưu tiên của Nhà nước về giáo dục, đầu tư xây dựng hệ thống đường sá, y tế, hệ thống cung cấp điện, hỗ trợ lương thực, xây dựng hoặc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào thiểu số vùng sâu, vùng xa...

Có rất nhiều bằng chứng cụ thể, thuyết phục, có khả năng chứng minh Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn phương hướng và có quyết sách đúng đắn trong vấn đề nhân quyền, qua đó huy động sức mạnh của cả dân tộc để xây dựng một đất nước phồn vinh, quyền con người ngày càng được bảo đảm. Các bằng chứng ấy đủ sức bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, đổi trắng thay đen mà các thế lực thù địch đã thực hiện để vu cáo Nhà nước Việt Nam, nhưng đáng tiếc là một số dân biểu ở Hạ viện Hoa Kỳ lại tin cậy những luận điệu sai trái đó. Thiết nghĩ, trước khi bỏ phiếu thông qua Nghị quyết H.Res.484 và Dự luật H.R.1410, các dân biểu ở Hạ viện Hoa Kỳ nên tham vấn điều GS Brantly Womack ở Ðại học Virginia cho rằng: "Rốt cuộc thì vấn đề dân chủ và nhân quyền nên do chính người dân của nước đó giải quyết. Dĩ nhiên không phải là Hoa Kỳ nên làm ngơ, nhưng Washington cần có một thái độ tôn trọng và không nên một mực cho rằng mình là đúng và nước khác là sai. Chúng ta cần phải cẩn thận để khỏi bị rơi vào một tình trạng khó xử cho cả đôi bên, đó là theo đuổi "sứ mạng giải phóng nhân loại" của thời kỳ đã qua"?

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất