Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa
XIII, sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật tổ
chức Cơ quan điều tra hình sự.
Đa số đại biểu đồng ý bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm
về buôn lậu thuộc hệ thống Cơ quan cảnh sát điều tra trong Công
an Nhân dân và không nên giao thêm một số hoạt động điều tra cho
lực lượng công an xã, phường, thị trấn.
Thảo luận về dự án Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, các đại biểu
Quốc hội đề nghị, ngoài việc bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, dự
án Luật cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất
là với các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp như Luật tổ chức
Tòa án Nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân và các đạo luật
khác có liên quan.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát tổng
kết đầy đủ việc thi hành Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và
phải thể chế hóa nghiêm túc các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.
Chưa nên quy định trách nhiệm điều tra đối với công an xã
Liên quan đến thẩm quyền thực hiện hoạt động mang tính chất
điều tra ban đầu của công an xã, nhiều ý kiến thảo luận đề nghị không
quy định trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an vào
dự thảo Luật này. Bởi vì, trên thực tế, công an xã là lực lượng bán
chuyên trách, trình độ của công an xã vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được
đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra.
Do đó, việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công
an xã sẽ vượt quá khả năng của lực lượng này, dễ dẫn đến việc
làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ
quan điều tra chuyên trách hoặc bỏ lọt tội phạm, làm oan người
vô tội.
Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), về mặt pháp lý thì các
quy định hiện hành về thẩm quyền liên quan đến tố tụng của
công an xã là chưa phù hợp với Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện
hành và Hiến pháp. Thực tiễn đã xảy ra nhiều sai phạm gây bức
xúc trong dư luận.
Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị: “Đề nghị bỏ những quy định về
thẩm quyền mang tính chất điều tra ban đầu của công an xã trong
dự thảo; cho dừng thực hiện những quy định của Pháp lệnh Công
an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành về những nội dung
thẩm quyền tố tụng hình sự của công an xã để ngăn chặn những
sai phạm có thể xảy ra trong thời gian tới thay vào đó là tăng
cường thành lập đồn công an chính quy và điều động cán bộ,
chiến sỹ cơ quan chính quy xuống để thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ 3 là nâng tiêu chuẩn bình chọn đầu vào của công an xã để
đảm bảo năng lực thực thi nhiệm vụ.”
Tăng cường lực lượng đấu tranh chống buôn lậu
Đa số ý kiến tán thành với việc sáp nhập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm
về tham nhũng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ
bởi vì, tội phạm tham nhũng thường liên quan chặt chẽ với tội phạm về
kinh tế và chức vụ. Việc sáp nhập hai đơn vị này đảm bảo tập trung lực
lượng và phối hợp với lực lượng trinh sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu
quả điều tra án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Các ý kiến cho rằng, theo thống kê, phạm pháp hình sự về buôn
lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí
tuệ từ năm 2010 đến nay, số lượng các vụ xử lý hình sự chiếm
tỷ lệ thấp 7,3%, còn lại xử lý vi phạm hành chính và chuyển
các cơ quan khác để giải quyết.
Trong các vụ xử lý hình sự mới chỉ xử lý được đối tượng
vận chuyển, chưa xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu nên
không có tính chất răn đe, hạn chế hiệu quả đấu tranh, chưa ngăn
chặn, đẩy lùi được tình trạng này.
Một trong những nguyên nhân là do, tuy có cơ quan tham gia đấu
tranh chống buôn lậu nhưng các cơ quan này lại không có chức năng
điều tra, xử lý hình sự nên phải chuyển về các cơ quan điều
tra nơi xảy ra sự việc, thường là công an tỉnh, thành phố để
tiếp tục điều tra làm rõ. Như vậy, làm mất tính liên tục trong
đấu tranh, truy xét để xử lý đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc trao thẩm quyền
điều tra cho Cục cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu trong
Luật không làm tăng đầu mối của cơ quan điều tra Bộ Công an. Bộ
vẫn có 5 đơn vị có chức năng điều tra như về kinh tế, tham
nhũng, hình sự, ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại. Đại biểu
đề nghị thành lập phòng cảnh sát chống buôn lậu ở một số
tỉnh trọng điểm, phức tạp về tình hình buôn lậu hàng giả để
đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này.
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên mở rộng bổ sung nhiệm vụ điều
tra cho lực lượng kiểm ngư, thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vì không
cần thiết. Thực tế, trong quá trình điều tra, các cơ quan điều
tra đều có quyền trưng cầu chuyên gia để phục vụ điều tra. Hơn
nữa, nếu tổ chức điều tra tại lĩnh vực này cần có lực lượng
điều tra viên am hiểu pháp luật về quy trình tố tụng, pháp
luật hình sự, do vậy nếu tổ chức mở rộng cơ quan điều tra ở
các lực lượng trên là bất cập và không chất lượng.
Trước đó, đầu giờ sáng nay, với đa số ý kiến tán thành, Quốc
hội thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính
quyền địa phương./.
Theo TTXVN