Thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật thú y
Với 87,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật
nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Như vậy, Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) gồm
9 chương, 62 Điều quy định rõ về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn
của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện
nghĩa vụ quân sự. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) ban hành sẽ khắc phục được những
vướng mắc, bất cập, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp
luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong đó, về nghĩa vụ quân sự, Luật nêu rõ: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ
vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa
vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân
đội nhân dân. Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không
phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học
vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy
định của Luật này.
Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển và thực hiện nghĩa vụ
tham gia Công an nhân dân được coi là thực hiện nghĩa vụ quân sự tại
ngũ. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây được công nhận hoàn
thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình: Dân quân tự vệ nòng cốt
đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất 12
tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; hoàn thành nhiệm vụ tham
gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên
chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong
quân hàm sỹ quan dự bị; thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao
đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh
tế-quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ
quyết định; công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên.
Về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ, Luật nêu rõ: Thời
hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sỹ quan, binh sỹ là 24 tháng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại
ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ nhưng không quá 6 tháng trong trường hợp sau
đây: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ
phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Thời hạn phục vụ của
hạ sỹ quan, binh sỹ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn
cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên
cục bộ.
Liên quan đến độ tuổi gọi nhập ngũ, Luật quy định: "Công dân đủ 18 tuổi
được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi;
công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập
ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi".
Đối với những công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, Luật ngũ vụ quân sự
(sửa đổi) lần này đã quy định rõ là: Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ
theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe; là lao động duy nhất phải trực
tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến
tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do
tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp
xã xác nhận; một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy
giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; có anh, chị hoặc em ruột là hạ sỹ
quan, binh sỹ đang phục vụ tại ngũ; hạ sỹ quan, chiến sỹ thực hiện
nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; người thuộc diện di dân, giãn dân
trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh
tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;
cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến
công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn
theo quy định của pháp luật; đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang
đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học,
trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong
thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Trong phần đầu của phiên họp, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật
thú ý với 85,43% đại biểu tán thành. Luật thú y gồm 7 Chương, 116 điều,
quy định rõ về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm
dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế,
chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý
thuốc thú y; hành nghề thú y. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân
trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thú
y tại Việt Nam.
Trong đó, nguyên tắc hoạt động, Luật thú y nêu rõ: Bảo đảm sự thống nhất
trong hoạt động thú y từ trung ương đến địa phương nhằm chăm sóc, bảo
vệ sức khỏe động vật, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, tính bền vững
trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực
phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Thực hiện việc
phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phát
hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để các ổ dịch, nguồn lây dịch bệnh;
ngăn chặn kịp thời sự lây nhiễm, lây lan của đối tượng kiểm dịch động
vật, sản phẩm động vật.
Phòng, chống dịch bệnh động vật trước hết là trách nhiệm của chủ vật
nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước
có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống
dịch kịp thời, hiệu quả.
Bảo đảm thuận lợi trong giao dịch thương mại đối với động vật, sản phẩm
động vật; hài hòa lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết
hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân
dân trong phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh động vật.
Luật thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Thảo luận Luật tạm giữ, tạm giam
Cũng trong chiều 19/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật
tạm giữ, tạm giam. Qua thảo luận, cơ bản các đại biểu tán thành với
Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật này và cho rằng: Dự thảo
Luật bảo đảm các quy định về tạm giữ, tạm giam phù hợp với Hiến pháp năm
2013; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất
là tình trạng bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà
tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua; đồng thời phúc đáp yêu cầu
cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng tình với việc ban hành Luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu Trần Tiến
Dũng (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: Dự án Luật đã đưa ra nhiều quy định mới, tiến
bộ, chặt chẽ và triển khai thực hiện quyền hiến định trong Hiến pháp năm
2013 về quyền con người, quyền công dân.
Còn theo đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), Luật tạm giữ, tạm gian là
luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ
của công dân, phục vụ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi
án hình sự. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự án Luật vừa phải đáp ứng
quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, mà người tạm giữ, tạm
giam không bị hạn chế; nhưng đồng thời phải bảo đảo tính khả thi trong
điều kiện thực tế của đất nước ta để Luật sau khi ban hành được thực
hiện một cách thuận lợi, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh
phòng, chống tội phạm.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu Đỗ
Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng: Dự thảo Luật đã cụ thể hóa Hiến pháp
năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đồng thời khắc phục được
những hạn chế phát sinh từ thực tiễn, nhất là khắc phục tình trạng bức
cung, nhục hình ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Nhưng sẽ văn minh,
tiến bộ hơn nữa khi cho phép người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được
khởi kiện nếu bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.
Góp ý về chế độ của phụ nữ có thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Các
đại biểu đề nghị dự án Luật cần quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Theo
đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), đối tượng nữ bị tạm giam trong trại
tạm giam, nhà tạm giữ trong các cơ sở của Công an nhân dân rất nhiều. Để
đảm bảo vấn đề bình đẳng giới, dự thảo Luật đã lồng ghép khá tốt vấn đề
bình đẳng giới đảm bảo theo quy định của Luật bình đẳng giới.
Những quy định trong dự thảo Luật đã đảm bảo quyền của người bị tạm giữ,
người bị tạm giam; không phân biệt giữa nam và nữ. Trong dự thảo Luật
có nhiều điểm thể hiện tính nhân đạo phù hợp về độ tuổi, giới tính, đảm
bảo quyền phụ nữ, trẻ em, người già, người bị bệnh. Tuy nhiên, do đặc
thù giới tính, dự thảo Luật cần có những quy định đảm bảo bình đẳng giới
cho phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Minh Phương (thành phố Cần Thơ) cho rằng: Dự thảo Luật
quy định người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới
36 tháng tuổi được chăm sóc y tế và đảm bảo tiêu chuẩn theo chỉ dẫn của
y bác sỹ; được cấp thực phẩm, thuốc, đồ dùng thiết yếu trong thời gian
nuôi cao; được bố trí chỗ nằm tối thiểu 3m2 đã thể hiện tính nhân đạo,
sự quan tâm đến việc bảo vệ quyền của bà mẹ và quyền của trẻ em. Tuy
nhiên, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn khi nào và ai xác định được chăm
sóc y tế trong những trường hợp cần thiết, cơ sở giam giữ hay người tạm
giam, tạm giữ đang mang thai. Theo đại biểu nên quy định như Bộ Y tế về
chăm sóc y tế cho phụ nữ mang thai ở cơ sở tạm giữ, tạm giam và cần tổ
chức khám thai ít nhất 3 lần trong thời kỳ mang thai.
Thảo luận về mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ, nhiều đại biểu
nhất trí như quy định trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Lưu Thị Huyền
(Ninh Bình): Quy định như trong dự thảo Luật là phù hợp với điều kiện
thực tiễn và bảo đảm được yêu cầu độc lập của các trại tạm giam, nhà tạm
giữ với cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân; đồng thời đáp
ứng được yêu cầu, phục vụ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và
thi hành án.
Cũng theo đại biểu, hiện nay, trên toàn quốc có 83 trại tạm giam, 734
nhà tạm giữ và 224 buồng tạm giữ ở các đồn biên phòng. Nếu tách khỏi cơ
quan Công an các cấp sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí khổng lồ để xây
dựng trại tạm giam, nhà tạm giữ mới; đồng thời phải bổ sung một lượng
biên chế cán bộ, chiến sỹ để thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam. Do
đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định tổ chức cơ quan quản lý trại
tạm giam, nhà tạm giữ như hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, cần tăng cường
công tác kiểm sát, thanh tra để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý
những hành vi tiêu cực trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý cụ thể vào các nội dung
khác của Dự án Luật tạm giữ, tạm giam như: Tên gọi và phạm vi điều
chỉnh; vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; quyền
và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam…/.
Theo TTXVN