Thứ Ba, 1/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 16/10/2010 16:36'(GMT+7)

Không nên xem khoản thu ngoài quy định là tham nhũng?

Cha mẹ học sinh phải đóng rất nhiều khoản thu vô lý

Cha mẹ học sinh phải đóng rất nhiều khoản thu vô lý

Hợp pháp hóa tham nhũng?

Để minh họa cho việc định hình những hình thức tham nhũng phổ biến trong ngành giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện Công ty T&C Consulting trình bày một bản thuyết trình mô tả điều tra xã hội học về một số biểu hiện xấu trong GD&ĐT.

Theo đó, nhiều phụ huynh và giáo viên ở 3 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được hỏi thừa nhận học sinh phải đóng nhiều khoản phí khác nhau: học phí, xây dựng trường, các quỹ của trường, quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, đồng phục, sách giáo khoa... Với các khoản phí ngoài quy định, các trường đều hợp pháp hóa việc thu bằng cách yêu cầu phụ huynh viết đơn “tự nguyện” hoặc thu tiền thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo ông Thắng, các khoản thu nói chung đều ở mức trên dưới 1 triệu đồng, đều nằm trong khả năng chi trả của các gia đình ở 3 thành phố nói trên. Nếu xét về mức độ ảnh hưởng của hành vi tham nhũng tới từng gia đình là nhỏ nhưng nếu xét về phạm vi ảnh hưởng thì nạn dạy thêm, học thêm và thu phí không theo quy định liên quan tới hầu hết các gia đình có con đi học.

Một trong những hậu quả của các hành vi này là tạo nên thái độ chấp nhận của đa số phụ huynh, coi các khoản chi phí không chính thức là điều bình thường và điều này ảnh hưởng trở lại công cuộc chống tham nhũng nói chung.

Tranh cãi

Trước báo cáo trên, nhiều cán bộ đến từ Bộ GD&ĐT đồng loạt bày tỏ ý kiến không đồng tình. Một đại diện đến từ Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, kết quả của điều tra là phiến diện, chỉ điều tra trong phạm vi 3 thành phố lớn trong khi với các tỉnh lẻ việc dạy thêm học thêm có thu tiền là điều xa lạ.

Theo một cán bộ Vụ Giáo dục Trung học, cần nhìn nhận hiện tượng dạy thêm - học thêm dưới nhiều góc độ. Nếu dạy thêm học thêm do học sinh tự nguyện và đóng tiền theo thoả thuận với giáo viên thì không thể gọi hành vi dạy thêm đó là tham nhũng.

Ngoài ra, giáo viên dạy thêm phải bỏ công sức và đầu tư chất xám nên thu tiền là chính đáng. Đặc biệt, nhiều cán bộ của Bộ GD&ĐT cho rằng, tham nhũng hay không cần phải nhìn vào mục đích chi chứ không phải là khoản thu. “Nếu thu đúng mục đích, thu để mua máy chiếu, máy điều hòa, quạt mát... phục vụ học sinh, có lẽ ta không nên quy kết là tham nhũng”, một cán bộ nói.

Tuy nhiên những phát biểu trên đã tạo băn khoăn với một số đại diện một số nhà tài trợ hoặc tổ chức quốc tế có mặt tại hội nghị. Một đại diện tổ chức phát triển quốc tế Anh quốc sau khi giới thiệu mình cũng là một phụ huynh của một trường tiểu học tại Hà Nội hỏi: “Khi con tôi vào lớp 1, trường vận động thu tiền điều hòa và nói các con sẽ được sử dụng trong 5 năm. Nhưng tuổi thọ một chiếc điều hòa nhiều hơn 5 năm, vậy khi các con ra trường chiếc điều hòa đó được sử dụng ra sao? Có cơ chế giám sát nào nhằm giúp phụ huynh không phải đóng tiền mua điều hòa mới trong khi con mình lại phải dùng một cái điều hòa cũ?”.

Trước câu hỏi này, ông Phạm Văn Tại, Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT trả lời: Về nguyên tắc chung, vì là khoản thu không theo quy định nên phụ huynh lớp nào đề xuất thì phụ huynh lớp đó bàn cách xử lý. Nhiều đại diện nhà tài trợ cười ồ khi ông Tại gợi ý: “Sau một khóa 3 - 4 năm học, khi học sinh học xong nếu phụ huynh thấy cần thiết thì dỡ điều hòa đó. Nhà trường cũng sẽ đồng ý vì đó là tài sản của phụ huynh, do phụ huynh định đoạt”.

Quý Hiên - Tiền Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất