Thứ Năm, 10/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 11/5/2010 21:35'(GMT+7)

Không ngừng đoàn kết, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cộng đồng các dân tộc Việt Nam gồm 54 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với số dân trên 12 triệu người, chiếm 14% tổng số dân số của cả nước.

Đoàn kết các dân tộc - truyền thống lịch sử

Ngay từ trước cách mạng Tháng Tám, những cái tên như Pác Pó, Bắc Sơn, rừng Trần Hưng Đạo, Võ Nhai… đã gắn liền với những sự kiện vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã cùng nhân dân cả nước tiến hành các cao trào cách mạng, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của dân tộc: Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

3 tháng sau ngày Độc lập, Bác Hồ viết trong thư gửi Đại hội đại biểu các DTTS tổ chức tại Hà Nội ngày 3/12/1945: “Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu cùng phấn đấu thêm nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng, để xây dựng một nước Việt Nam mới”.

4 tháng sau, trong bức thư gửi Đại hội đại biểu các DTTS Miền Nam tổ chức tại Plây ku (Gia Lai) ngày 19/4/1946, Hồ Chủ tịch tiếp tục nhấn mạnh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Trong kháng chiến chống Pháp, đã nổi lên nhiều tấm gương sáng tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách  mạng, mãi mãi là niềm tự hào của các dân tộc như La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Vừ A Dính, Anh hùng Núp…

Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng vạn thanh niên các dân tộc đã tình nguyện xung phong đi bộ đội, vào chiến trường đánh Mỹ.

Qua các thời kỳ, đã có 170 cá nhân là người dân tộc thiểu số được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, 236 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhiều chính sách dành cho đồng bào DTTS

Ngôi nhà của Chị Thào Thị Di – thôn Cẳn Tằng, Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được xây dựng bởi chương trình 30a.

Tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em vẫn được giữ vững trong công cuộc Đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngày 27/12/1989, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Đây là Nghị quyết quan trọng về công tác dân tộc, xây dựng chính sách dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tư duy trong chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi trong thời kỳ đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục khẳng định vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta...

Hàng loạt chương trình, chính sách, dự án đã được triển khai ở vùng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng cao phía Bắc, Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135)…

Nhiều chính sách mới được triển khai với nguồn đầu tư ngày càng tăng như cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo đời sống khó khăn, hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào DTTS, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS…

Đặc biệt, năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a để giảm nghèo bền vững cho 62 huyện nghèo nhất cả nước, phần lớn các huyện này nằm ở các vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao.

Đời sống của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao

Đời sống đồng bào các DTTS được cải thiện nhiều so với trước đây. Trong ảnh: Mùa thu hoạch ngô ở Lào Cai.

Trong những thành tựu Đổi mới rất đáng tự hào của đất nước, có vai trò và sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Và không phải ai khác, chính đồng bào đã và đang được thụ hưởng những thành quả do sự nghiệp Đổi mới mang lại.

Song hành với việc tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ 20% đầu năm 2006 xuống còn 11,3% vào cuối năm 2009, tỷ lệ nghèo tại vùng đồng bào DTTS đã giảm từ 60% năm 1997 xuống còn 23,5% năm 2009.

Về cơ sở hạ tầng, 96% xã có đường ô tô đã đến trung tâm xã. 100% số huyện và 80% số xã có điện, trên 65% số hộ đồng bào DTTS được dùng điện…

Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, đến hết quý I/2010, các huyện đã khởi công xây dựng gần 73.000 căn nhà (đạt trên 97% kế hoạch), trong đó gần 65.000 căn đã hoàn thành và bàn giao cho các hộ nghèo sử dụng.

Về giáo dục, cho đến nay, các xã đặc biệt khó khăn đều có trường tiểu học, nhà mẫu giáo. Đến năm học 2008 – 2009 đã có 285 trường phổ thông DT nội trú trên địa bàn 49 tỉnh, thu hút 84.000 học sinh…

Sau 15 năm thực hiện chế độ cử tuyển, các địa phương đã phối hợp với các trường tuyển được 20.590 học sinh là con em các dân tộc vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Tất cả các huyện vùng dân tộc và miền núi đã có trung tâm y tế và bác sỹ. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 25%.

Đặc biệt, công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống được coi trọng, tiến hành đồng bộ việc xây dựng hương ước, quy ước làng, bản văn hoá với xoá bỏ những tập tục lạc hậu. Nhiều Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long... và Ngày hội văn hóa của một số dân tộc: Chăm, Hoa, Mông, Khmer... Đặc biệt, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Đội ngũ cán bộ người DTTS không những tăng về số lượng mà chất lượng cũng được tăng lên. Đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội khóa XII là 17,65%; trong Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2004 - 2011 là 20,53%, cấp huyện là 20,18%, cấp xã là 24,4%.

Như vậy, nhờ thực hiện hệ thống chính sách dân tộc, các chương trình, dự án, với nguồn đầu tư ngày càng tăng của Nhà nước và cố gắng, nỗ lực của đồng bào các dân tộc, công tác dân tộc đã thu hút được nhiều thành quả quan trọng, kinh tế - xã hội vùng dân tộc đã có bước phát triển đáng kể, đời sống đồng bào các DTTS được cải thiện nhiều so với trước đây.

(Theo: Kiều Liên/chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất