Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 20/7/2017 8:54'(GMT+7)

Không ngừng nỗ lực, làm tốt công tác điều dưỡng

Bước đầu khắc phục những khó khăn

Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Hải Dương (Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Dương, được thành lập theo quyết định số 2479/QĐ-UBND ngày 28/10/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, với chức năng, nhiệm vụ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho Người có công với cách mạng (NCC) thuộc tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận; đồng thời thực hiện việc tổ chức phục vụ các hội nghị của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các hoạt động khác của các cơ quan Đảng, Nhà nước khi có yêu cầu. 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp nhận nguyên trạng cơ sở vật chất, tài sản, vốn quỹ, công nợ, cán bộ, người lao động của Nhà khách Hồ Côn Sơn (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương) chuyển sang Trung tâm Điều dưỡng NCC để thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng. Những ngày đầu, Trung tâm gặp không ít khó khăn: cơ sở vật chất, một số hạng mục xuống cấp do xây dựng đã lâu; trang thiết bị cũ hỏng cần phải bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế; hệ thống điều hòa, bình nóng lạnh, ghế, giường, đệm, thiết bị vệ sinh, sàn nhà,…một số tài sản hỏng, hết khấu hao không thể sửa chữa, khắc phục và sử dụng được. Trang thiết bị dụng cụ y tế, dụng cụ phục hồi chức năng còn thiếu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ và nguyện vọng của NCC đến điều dưỡng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyển từ kỹ năng làm việc của Nhà khách sang hoạt động điều dưỡng nên còn nhiều bỡ ngỡ; lãnh đạo của Trung tâm được điều động từ đơn vị khác sang  chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho NCC.

Nói về việc khắc phục khó khăn, bà Nguyễn Minh Thúy – Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Khó khăn là như vậy, nhưng chúng tôi đã xác định, nhiệm vụ điều dưỡng NCC là hết sức quan trọng, phải khắc phục ngay để sớm đi vào hoạt động. Chúng tôi chọn 3 việc trọng tâm, xin ý kiến chỉ đạo, được cấp trên ủng hộ và tạo điều kiện giúp đỡ. Việc đầu tiên là, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, nhất là nơi ăn, chốn nghỉ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NCC đến điều dưỡng; thứ hai là, sửa chữa, mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ công công tác điều dưỡng; thứ ba là, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp, thái độ, ứng xử và cung cách phục vụ đối với đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho NCC”.

Chính vì biết xác định rõ những việc nào cần tập trung làm ngay, việc nào cần phải có thời gian để tiến hành nên chỉ hơn 3 năm hoạt động, có thể nói, bước đầu Trung tâm đã khắc phục được những khó khăn cơ bản, đi vào hoạt động có hiệu quả, hoàn thành yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Để có được kết quả đó, theo giám đốc Nguyễn Minh Thúy, là do Trung tâm luôn luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Thị ủy Chí Linh và các Sở ban ngành chức năng của tỉnh, sự phối hợp của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố; sự đoàn kết thống nhất cao trong cấp ủy, trong lãnh đạo đơn vị, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu của tập thể công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm… 

Sự hài lòng của NCC là trên hết

Được giao trọng trách điều dưỡng cho NCC với cách mạng, ngay sau khi được thành lập, Trung tâm luôn xác định mục tiêu, cũng là phương châm hoạt động là “Sự hài lòng của NCC đến điều dưỡng là trên hết” và “ Tất cả vì người có công phục vụ”. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các văn bản Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư hướng dẫn, chỉ đạo liên quan đến chế độ, chính sách ưu đãi NCC,  được Trung tâm đảm bảo thực hiện tốt, đúng quy định. 

Hàng năm, Trung tâm tổ chức điều dưỡng theo kế hoạch của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội giao. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 180 đợt cho 19.000 lượt NCC đến điều dưỡng. Trung bình mỗi năm thực hiện trên 50 đợt điều dưỡng. Mỗi đợt điều dưỡng từ 120 – 150 NCC, thời gian điều dưỡng 06 ngày/đợt (cả đi và về), với lịch trình điều dưỡng như: Đón tiếp NCC tại các địa phương về Trung tâm; tổ chức họp đoàn, công khai các chế độ điều dưỡng, thông báo nội quy, lịch trình điều dưỡng; tổ chức các hoạt động điều dưỡng như tư vấn sức khỏe, tham quan tỉnh ngoài, dã ngoại, nghe nói chuyện thời sự, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao; họp đoàn rút kinh nghiệm, thanh toán các chế độ và tổ chức đưa trả NCC về địa phương…

Tiếp xúc với các đoàn tham gia điều dưỡng tại Trung tâm, đa số NCC đều phấn khởi, tỏ thái độ hài lòng, khen ngợi Ban giám đốc và cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn gần gũi, coi NCC như người thân, người nhà, có tinh thần, thái độ phục vụ tốt, chăm lo chu đáo từ bữa ăn ngon, giấc ngủ yên tĩnh, tạo điều kiện để được tham gia nhiều hoạt động điều dưỡng. Khi hỏi ông Nguyễn Văn Triết - NCC xã Đoàn Tùng, huyện Than Miện có đánh giá như thế nào sau khi tham gia điều dưỡng tại Trung tâm, ông vui vẻ cho biết: “Tốt lắm! Cơ ngơi sạch sẽ, khang trang, không khí trong lành, dễ chịu; nhân viên thì niềm nở, nhã nhặn, nhiệt tình; ăn uống, ngủ nghỉ, tham quan… đều rất tốt”. Còn khi hỏi có góp ý, nguyện vọng gì sau khi tham gia điều dưỡng, ông Nguyễn Hồng Phang – NCC xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, cười nói: “Chúng tôi cũng chẳng góp ý gì đâu, chỉ mong muốn mỗi năm cho chúng tôi đi điều dưỡng một lần chứ luân phiên 2 năm mới lại được đi thì hơi lâu; chúng tôi đều là những người già cả, đa phần tuổi cao, sức khỏe yếu, muốn được gặp nhau thường xuyên để hàn huyên, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa”. 

Còn nhiều việc phải làm

Tỉnh Hải Dương hiện nay có tổng số trên 40.000 NCC hưởng trợ cấp hàng tháng, mỗi năm có trên 20.000 người có công thuộc diện được điều dưỡng. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu NCC đến điều dưỡng. Chia sẻ về những khó khăn, những công việc cần phải làm trong thời gian tới, Gíám đốc Trung tâm Nguyễn Minh Thúy bộc bạch: “Khó khăn và việc cần phải làm thì nhiều lắm, nhưng chúng tôi sẽ khắc phục dần dần, theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra”. Trước mắt, Trung tâm đề nghị được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các ngành có liên quan, quan tâm, tạo điều kiện cho mở rộng công trình sự nghiệp, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thay mới các đồ dùng trong phòng nghỉ như Tivi, điều hòa, giường, tủ mới; đầu tư thêm các trang thiết bị y tế phục hồi sức khỏe, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người có công  khi đến điều dưỡng; đề nghị về chính sách tuyển dụng viên chức hoặc hợp đồng theo Nghị định 68/CP đối với một số nhân viên từ Nhà khách Hồ Côn Sơn chuyển sang để có tính ổn định cho người lao động, giúp họ yên tâm công tác.

Bên cạnh việc thực hiện, đảm bảo nghiêm túc các hoạt động điều dưỡng, phấn đấu hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch điều dưỡng với chất lượng cao, làm hài lòng NCC đến điều dưỡng, Trung tâm vẫn phải thường xuyên duy trì các hoạt động công tác Đảng, đoàn thể, vận động cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước./. 

Nguyễn Mạnh Thắng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất