Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 8/6/2010 21:15'(GMT+7)

Không phải đại biểu không ủng hộ…

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn): "Rất thiếu khách quan khi cả người lập và thẩm định dự án đều là liên doanh tư vấn Nhật Bản - Việt Nam".

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn): "Rất thiếu khách quan khi cả người lập và thẩm định dự án đều là liên doanh tư vấn Nhật Bản - Việt Nam".

39 ý kiến của đại biểu Quốc hội, có ý kiến can gián, có ý kiến băn khoăn, cũng có ý kiến ủng hộ mạnh mẽ, tuy nhiên đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước một dự án lớn của đất nước. Đa phần các đại biểu đều có chung suy nghĩ, đường sắt cao tốc là phương tiện giao thông của tương lai và xã hội văn minh, là mơ ước của rất nhiều người từng có điều kiện ra nước ngoài. Nhưng dự án văn minh ấy cần phải được thực hiện vào thời điểm thích hợp chứ không phải thời điểm này, giai đoạn này.

Đại biểu Vũ Hoàng Hà (đoàn Bình Định) quả quyết: “Trong tương lai, Việt Nam nhất định phải có đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, từ nay đến 2020 chưa phải là thời điểm thích hợp. Mà trong giai đoạn này, chúng ta nên tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông hiện có: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không. Hiện tại, chúng ta cũng đang đề cập đến nhiều dự án lớn như thủy điện, điện hạt nhân thì dư nợ quốc gia sẽ tính ra sao, điều này cần phải được tính toán kỹ. Bởi ở thời điểm hiện tại, số vốn có thể là 5,6 tỷ USD, nhưng đến khi dự án được triển khai, số tiền chắc chắn không còn là con số cũ, nó có thể lên tới hàng trăm tỷ”.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, không phải đại biểu Quốc hội không ủng hộ, nhưng tất cả mọi thông tin liên quan đến dự án phải khách quan và thuyết phục. Đại biểu Đặng Như Lợi (đoàn Cà Mau) phân tích thêm, câu chuyện về công tác dự báo của ta luôn được đề cập ở mỗi kỳ họp của Quốc hội. Câu chuyện ấy cứ lặp đi lặp lại với điệp khúc “do công tác dự báo của ta còn yếu và kém” vậy thử hỏi ở dự án này, dự án chỉ mất có 2-3 năm là có thể hoàn thành (trong khi nước ngoài có thể dành tới 5-7 năm để làm dự án), liệu câu chuyện về công tác dự báo có lặp lại?

Còn đại biểu Lê Việt Trường (đoàn An Giang) thì bức xúc bởi cả bên tư vấn, thiết kế, bên bán công nghệ cũng như bên cho vay tiền đều của Nhật Bản. Đại biểu đề nghị phải có bên thứ ba, thứ tư không liên quan đến các tổ chức tư vấn để kiểm lại các thông tin trong dự án.

Là một trong số ít ỏi các ý kiến phát biểu chiều nay lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ dự án đường cao tốc, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (đoàn TPHCM) cho rằng hạ tầng cơ sở, đặc biệt hạ tầng cơ sở giao thông vận tải có tính quyết định đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Ông nhấn mạnh, đây không chỉ là ý kiến của ông, mà còn là ý kiến của bạn bè quốc tế, của các nhà đầu tư nước ngoài. Đường sắt cao tốc phải là phương tiện giao thông chủ đạo ở Việt Nam. Đại biểu cho rằng, nên coi đây là cơ hội và chúng ta cần tận dụng cơ hội này để phát triển đường sắt cao tốc.

Kết thúc buổi thảo luận chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; khẳng định, những ý kiến này sẽ được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp, lựa chọn những vấn đề tiêu biểu để đưa vào Nghị quyết của Quốc hội và tiếp tục xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội ngay tại kỳ họp này.

Theo chương trình, dự kiến đến ngày 19/6, Quốc hội sẽ biểu quyết việc có hay không thông qua chủ trương đầu tư dự án này.

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011./.

(Theo: VOV)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất