Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 8/6/2010 6:42'(GMT+7)

WEF Đông Á 2010 rất thành công

Giáo sư Klaus Schawb - Ảnh: Chinhphu.vn

Giáo sư Klaus Schawb - Ảnh: Chinhphu.vn

Sau 2 ngày làm việc với  20 phiên họp xoay quanh chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”, WEF Đông Á 2010 đã bế mạc chiều nay, 7/6.

Nhân dịp này, Giáo sư Klaus Schawb – người sáng lập và là Chủ tịch WEF đã trả lời phỏng vấn báo chí về về kết quả Hội nghị.

Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết lý do để WEF chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Hội nghị lần này?

Việt Nam với những tiềm năng như dân số hơn 80 triệu người, một nền kinh tế năng động và là một trong những quốc gia đang phát triển trên thế giới có rất nhiều tiềm năng hứa hẹn. Do đó, khi tìm kiếm một địa điểm tại một quốc gia trong khu vực ASEAN,  thì Thành phố Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế lớn, năng động v.v… là một sự lựa chọn đầu tiên của chúng tôi.

Tôi muốn bổ sung thêm rằng, một trong những lý do khác chúng tôi cho rằng đây là một lựa chọn chính xác đó là sự hiếu khách của Chính phủ Việt Nam, của Ngài Chủ tịch nước và của người dân Việt Nam. Không khí của Hội nghị được tổ chức tại đây rất đặc biệt, dù lịch làm việc tương đối căng thẳng, vất vả, mọi người vẫn cảm thấy thoải mái bởi sự quan tâm chu đáo của các bạn.

Giáo sư có thể cho biết những ấn tượng của mình về những phiên thảo luận của Hội nghị lần này?

Tôi có thể nói rằng đây là một Hội nghị rất thành công trong số những hội nghị mà WEF đã tổ chức từ trước tới nay thể hiện qua rất nhiều những hoạt động phong phú sôi nổi. Hội nghị đã đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó ấn tượng lớn nhất theo tôi đó là các đại biểu tham gia các sự kiện đều thấy có nhiều dấu ấn Việt Nam, thể hiện tiềm năng nền kinh tế Việt Nam.

Với các nội dung xoay quanh chủ đề về vai trò của nền kinh tế châu Á, Hội nghị đã rút ra điều gì trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi?

Các nền kinh tế châu Á hiện nay có vai trò rất quan trọng vì là động lực cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng tại châu Âu sẽ ở mức độ chậm, tăng trưởng ở Mỹ ở mức độ vừa phải, nhưng tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế đang nổi sẽ rất mạnh mẽ. Tại châu Mỹ La tinh, tình hình cũng khả quan nhưng châu Á sẽ tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ.

Vì vậy, châu Á là nhân tố ngày càng quan trọng về phương diện kinh tế và từ đó giúp châu Á đóng vai trò trung tâm cả về chính trị nữa. Chúng ta đang chứng kiến một sự dịch chuyển trọng tâm địa chính trị và địa kinh tế thế giới từ Tây sang Đông, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương.

Một trong những ý tưởng mới được nhắc tới nhiều lần trong hội nghị lần này là Nhóm ABRIC (Nhóm các nước BRIC+ ASEAN). Ông có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng thuật ngữ này sẽ sớm trở nên thông dụng. Khi nói đến những quốc gia đang phát triển trên thế giới hiện nay, người ta thường nhắc nhiều đến những quốc gia có tiềm năng, mà cụ thể là nhóm BRIC (tên viết tắt của 4 nước Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) với tốc độ phát triển nhanh thời gian qua...

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đã đến lúc nên bổ sung thêm vào danh sách này các quốc gia trong khu vực ASEAN. Các quốc gia ASEAN có rất nhiều tiềm năng như tỉ lệ dân số đông (hơn nửa tỉ người), có cả những nền kinh tế mạnh và phát triển năng động. Tôi hy vọng rằng bên cạnh BRIC, thuật ngữ ABRIC sẽ sớm trở nên phổ biến trong tương lai./.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất