(TG)- Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay nhằm mục đích gì thì các hoạt động của
cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào và
không thay đổi được thực tế là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của
Việt Nam.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 15/10 tại Hà Nội,
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời các câu hỏi của
phóng viên về phản ứng của Việt Nam đối với tình hình Biển Đông trong
thời gian vừa qua.
Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin tờ Nhân dân Nhật
Báo của Trung Quốc đưa tin từ ngày 1/10, chính quyền cái gọi là thành
phố Tam Sa đã triển khai lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây tốc độ
cao tại các đảo có người sinh sống, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê
Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là thành phố
Tam Sa. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay nhằm mục đích gì thì các hoạt
động của cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có bất cứ một cơ sở pháp
lý nào và không thay đổi được thực tế là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ
quyền của Việt Nam.”
Phản ứng của Việt Nam về việc vừa qua, tờ báo Diplomat đưa tin
Philippines cho rằng Trung Quốc đang gần như thực hiện vùng Nhận dạng
phòng không (ADIZ)) tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải
Bình cho biết mọi hoạt động của các bên tại Biển Đông cần phải tôn trọng
chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan
theo luật pháp quốc tế đồng thời phải phù hợp với tinh thần của tuyên
bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), góp phần vào việc duy trì hòa
bình, ổn định, an ninh an toàn hàng không và hàng hải tại khu vực Biển
Đông.
Phản ứng của Việt Nam trước việc tờ New York Times đưa tin về việc Hoa
Kỳ đã trao đổi với một số nước ở châu Á về việc đưa tàu vào tuần tra
trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại
Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: “Chúng ta đều biết
rằng Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á
cũng như trên thế giới. Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách
nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng
như an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này. Những
đóng góp đó phải trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc
biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử
của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhằm tiến tới sớm đạt được Bộ
quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)"./.
TG