Biển, đảo là máu thịt của Tổ quốc. Những người làm nhiệm vụ giữ biển, giữ đảo và những người đang ngày đêm hoạt động khẳng định chủ quyền trên biển... có thể coi là linh hồn của phần máu thịt ấy.
Việc động viên tinh thần, bảo đảm vật chất để những người hoạt động trên biển, trên đảo luôn đủ khả năng giữ gìn vững chắc chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, quân đội và toàn xã hội. Điều này đã được thực hiện khá chu đáo trong nhiều năm qua, vì thế chúng ta đã tạo ra một lực lượng có đủ năng lực, chí khí để hoàn thành nhiệm vụ gian khổ nhưng rất đỗi tự hào này.
Ngày 8/10 vừa qua, Quân chủng Hải quân đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về xây dựng và nhân điển hình tiên tiến nhằm khích lệ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên mặt trận gìn giữ biển, đảo. Đây cũng là dịp để tiếp tục tìm ra mô hình, nhân lên điển hình để ngày càng nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của quân chủng nói riêng và nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền biển, đảo nói chung.
Cụ thể hóa "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” theo tinh thần Nghị quyết số 09 ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” thì cần có nhiều giải pháp mang tính tổng thể. Tuy nhiên giải pháp đầu tiên và quan trọng là phải hiện đại hóa lực lượng làm nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển, đảo mà bộ đội hải quân đang là nòng cốt. Một lý lẽ hiển nhiên là có giữ được chủ quyền biển, đảo thì mới có thể khai thác và phát triển kinh tế biển. Thế nên việc xây điển hình và nhân điển hình của Quân chủng Hải quân rất cần được động viên, khuyến khích. Mục đích của công tác này là ngày càng tạo ra nhiều cá nhân, tập thể có việc làm hay, việc làm tốt để tạo ra sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, nếu như việc nhân điển hình được lan rộng sang các lĩnh vực khác, các lực lượng khác và tạo thành phong trào thì hiệu quả sẽ được nhân lên gấp bội. Chẳng hạn như đối với các địa phương ven biển thì cần nhân rộng các điển hình về đội tàu tự quản, xây dựng các mô hình hỗ trợ ngư dân bám biển bảo đảm hiệu quả hơn nữa. Các ngành, các cấp cần xây dựng và đẩy mạnh các phong trào hướng về biển, đảo bằng những việc làm thiết thực. Những việc, những phong trào đã tiến hành như: “Góp đá xây Trường Sa”, “Vì biển, đảo thân yêu-Vì tuyến đầu Tổ quốc” v.v.. cần tiếp tục được duy trì. Tạo ra niềm tin, chỗ dựa cho những người đang ngày đêm bám biển, giữ đảo là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Xây dựng chỗ dựa vững chắc về tinh thần đối với người giữ gìn biển, đảo là việc cần làm. Đi kèm với việc ấy là sự đầu tư thỏa đáng để tạo ra thực lực cho những người canh giữ biển, đảo. Vì vậy, cùng với sự đầu tư, hiện đại hóa một số lực lượng thuộc Quân đội nhân dân trong đó có bộ đội hải quân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, thì cần đầu tư để hiện đại hóa thêm những lực lượng của Nhà nước có tính chuyên trách tham gia vào việc duy trì pháp luật trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển v.v.. Việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo nên được xã hội hóa, tức là phải làm cho toàn dân thấy rõ, hiểu rõ và cùng với lực lượng chuyên trách tích cực thực hiện nhiệm vụ trên. Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức các đội tàu liên gia, hoạt động theo phương thức tự liên kết trong khai thác và bảo vệ tài sản, bảo vệ ngư trường truyền thống. Những hình thức như thế rất cần được các ngành chức năng nghiên cứu, tổ chức lại sao cho có hệ thống, hoạt động theo sự chỉ đạo nhất quán từ Trung ương tới cơ sở.
Muốn tạo ra sức mạnh tổng hợp để giữ gìn chủ quyền biển, đảo thì cần có sự đồng thuận từ mỗi người dân Việt Nam. Bài học về tạo sức mạnh từ đại đoàn kết toàn dân không bao giờ cũ.
Nhân việc Quân chủng Hải quân tổng kết công tác xây dựng điển hình tiên tiến, xin có đôi lời bàn góp với hy vọng thúc đẩy thêm việc nhân rộng các điển hình trong mọi đối tượng, lực lượng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Trần Vũ (QĐND)