Một trong những yếu tố quan trọng làm nên vị thế quốc gia
của Việt Nam chính là sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Ngày
26/5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (một trong
ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới) đã nâng xếp
hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng
“ổn định”. Trong bảng đánh giá mới nhất của tổ chức này, Việt Nam là
nước duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong năm 2022.
Trước đó, hai tổ chức quốc tế hàng đầu về xếp hạng tín nhiệm khác là
Fitch Ratings và Moodys cũng đưa ra những đánh giá tương đồng. Cần nhấn
mạnh rằng, để được nâng hạng tín nhiệm và triển vọng, các quốc gia và tổ
chức tài chính phải trải qua những đợt khảo sát, đánh giá gắt gao dựa
trên các tiêu chí quan trọng như: thu nhập bình quân đầu người, sự ổn
định của nền kinh tế vĩ mô, thành tựu công bằng xã hội, tài chính công,…
Đổi lại, những xếp hạng của ba tổ chức này là chứng nhận cho “sức mạnh”
của một nền kinh tế, là số liệu tin cậy để các nhà đầu tư, kinh doanh
tham khảo.
Thành tích nêu trên thực sự đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh Việt
Nam đã và tiếp tục phải đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của đại
dịch COVID-19. Như thời điểm năm 2021, không ít địa phương phải thực
hiện giãn cách xã hội dẫn đến hệ quả là hoạt động sản xuất, kinh doanh,
thương mại trong nước bị đình đốn. Theo số liệu của Cục Đăng ký kinh
doanh, có đến gần 120.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong
năm 2021, tăng 17,8% so với năm 2020. Kéo theo đó là số người lao động
thiếu việc làm cũng tăng cao, đặc biệt là tại khu vực thành thị. Sau
nhiều năm liên tục phát triển với tốc độ ổn định, nền kinh tế Việt Nam
phải nhận mức tăng trưởng âm vào quý III/2021.
Lợi dụng tình hình kinh tế trong nước có dấu hiệu khủng hoảng tạm
thời, thế lực thù địch cùng các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí đã vội
vã tung ra hàng loạt luận điệu xuyên tạc như: “người lao động chịu hậu
quả của chính sách, giai cấp công nhân rơi vào cảnh khốn cùng, niềm tin
của người dân vào nhà cầm quyền đã không còn”… Ngay lập tức, vài tờ báo
chống cộng cũng vào hùa khi đăng tải các bài viết “tường trình” từ Việt
Nam mà thực chất chỉ là “phỏng vấn” một vài gương mặt cũ của các phong
trào chống phá trong nước, qua đó cố gắng tô vẽ, bôi đen về bức tranh
kinh tế - xã hội Việt Nam. Mặc dù vậy, ngay tại thời điểm đó, các chuyên
gia hàng đầu từ nhiều tổ chức uy tín quốc tế đã bác bỏ các nội dung sai
sự thật này.
Ngày 7/11/2021, đánh giá về Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban
hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả
dịch COVID-19”, ông Marko Wald, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và
Thương mại Đức tại Việt Nam thẳng thắn nhận định: Những gì nêu trong
Nghị quyết 128 là rất tiến bộ, cho thấy sự thích ứng nhanh chóng của
Chính phủ trong bối cảnh mới. Cùng nhận định này, ngày 5/12/2021, ông
Francois Painchaud, trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt
Nam cho rằng: Mặc dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm
Việt Nam vẫn có thể đạt được những chỉ tiêu kinh tế nhưng đòi hỏi những
cải cách quyết liệt hơn.
Nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2021
đến nay, có thể thấy được sự khởi sắc trong nhiều lĩnh vực, ngành,
nghề. GDP quý II/2022 của Việt Nam tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn
một thập kỷ. Hiệu ứng này được đánh giá là xuất phát từ Nghị quyết
43/2022/QH15 (11/1/2022) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương
trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua với
gói hỗ trợ có tổng giá trị lên đến 350.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là nhiều sáng kiến, giải pháp ngắn hạn và dài hạn được
đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Nhưng
quan trọng hơn cả, vẫn là sự nhất quán trong đường lối của Đảng và Nhà
nước Việt Nam khi luôn đặt con người vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu
của sự phát triển. Trong mọi tình huống, Đảng và Nhà nước ta luôn bảo
đảm các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; an sinh xã hội và đời
sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế,
đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an
ninh, trật tự, xã hội.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội dành nhiều
thời gian để thảo luận về những vấn đề kinh tế - xã hội; xem xét, thông
qua nhiều bộ luật, nghị quyết, chương trình với mục tiêu khẩn trương đưa
nhiều chính sách phù hợp đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đó là lý do
để giới chuyên gia cũng như các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước có
thể tin tưởng vào viễn cảnh tươi sáng của Việt Nam.
Cùng với bước tiến về kinh tế, chúng ta cũng gặt hái nhiều thành tựu
trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch
COVID-19, Việt Nam vẫn đạt vị trí thứ 40 (tăng 3 bậc so với năm 2020)
trong bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất thế giới theo công bố của US
News (công ty của Mỹ chuyên về lĩnh vực xuất bản tin tức, tư vấn tiêu
dùng, bảng xếp hạng và phân tích).
Tuy nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vẫn
đạt được nhiều thành tích về bảo đảm và phát huy quyền con người. Chúng
ta nằm trong số những nước có chỉ số bình đẳng giới cao nhất thế giới,
kiểm soát được bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, đạt nhiều bước
tiến trong thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện chất lượng giáo
dục. Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 đã thu được
nhiều kỳ tích: tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu chất giảm, chiều cao và thể
trạng được cải thiện. Sự phát triển về mặt thể chất chính là chìa khóa
nâng cao chất lượng lao động, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Những năm gần đây, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì
được tăng trưởng kinh tế dương bất chấp những tác động từ đại dịch và sự
bất ổn của kinh tế thế giới. Chất lượng cuộc sống của người Việt Nam
được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về vật chất và tinh thần, trong đó
có nhiều tiêu chí gây ấn tượng, ngang với những nước phát triển. Môi
trường ổn định, yên bình cùng người dân thân thiện đã thuyết phục rất
nhiều người nước ngoài lựa chọn sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Trên trường quốc tế, Liên hợp quốc luôn đánh giá cao Việt Nam trong
hoạt động gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, có nhiều đóng góp tích
cực tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan; đề ra những sáng kiến quan trọng
về bảo vệ rừng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho
các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí methane; viện trợ, hỗ trợ
cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới... Thực tế này khiến
nhiều cá nhân, tổ chức dù thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước Việt Nam
cũng không thể không thừa nhận.
Chẳng hạn, một bài viết trên trang VOA gần đây nhận định: “Tỷ lệ nợ
quốc gia so với GDP của Việt Nam thuộc hạng rất thấp so với đa số các
nước khác (…). Hiện nay nhà nước Việt Nam đang tập trung vào phát triển
kinh tế, ổn định xã hội, và có lẽ chủ trương dần dần chuyển đổi chính
trị một cách tiệm tiến theo quy trình và chủ động của họ”. Bày tỏ quan
điểm trên trang BBC, một vị tiến sĩ cũng có chung nhận xét: “Phải công
bình để nói rằng về phương diện quốc gia, Đảng Cộng sản Việt Nam đã
thành công, trên mặt tích cực, xây dựng một quốc gia vững mạnh về cấu
trúc và ổn định xã hội”.
Có thể nói, những thành tựu đạt được về mọi mặt của đời sống đã góp phần
củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Dấu ấn, tầm ảnh hưởng của
Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế được đánh giá
cao, nhiều sáng kiến của Việt Nam được bạn bè đồng tình, ủng hộ. Trong
đó có thể kể đến sáng kiến và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng
đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).
Ngày 16/5/2022, trong chuyến thăm và làm việc tại Trụ sở Liên hợp
quốc ở thành phố New York (Mỹ), Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp
với bà Anmina Mohammed - Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cùng nhiều quan
chức cấp cao của tổ chức này. Khi đánh giá về Việt Nam, bà Anmina
Mohammed khẳng định: Việt Nam là đối tác quan trọng và là người bạn của
Liên hợp quốc, mong muốn hai bên tiếp tục phát triển quan hệ một cách
toàn diện, hiệu quả hơn nữa.
Đến ngày 7/6/2022, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam là một
trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho
khu vực châu Á-Thái Bình Dương với nhiệm kỳ một năm. Trong quá trình
ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2023-2025 tới đây, Việt Nam cũng vinh dự được các nước ASEAN đồng thuận
đề cử là ứng cử viên của ASEAN.
Hiện nay, tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp. Dịch COVID-19 đã
căn bản được kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc
gia, vùng lãnh thổ. Các quốc gia trên toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với
các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…
Những khó khăn này đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát
triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thử thách để
đất nước ta chứng tỏ bản lĩnh, tiềm lực của mình, tiếp tục vươn lên trên
các lĩnh vực, thể hiện uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Từ đó sẽ tạo
nền móng vững chắc góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trong
khu vực và trên thế giới trong chặng đường phía trước./.