Trong số các bị can, có nhiều người là trí thức, có học hàm, học vị cao, từng có đóng góp lớn, quan trọng cho khoa học. Nhìn lại công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được điều tra, xử lý từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã có hàng trăm trí thức bị khởi tố, bắt tạm giam. Đó là một mất mát rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng để nguyên khí quốc gia hưng thịnh thì không thể có vùng cấm, không thể có ngoại lệ...
Khi trí thức suy thoái
Trong vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến Công ty Việt Á, y tế và khoa học công nghệ là những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất về nguồn nhân lực khi có hàng loạt trí thức và đảng viên trí thức bị khởi tố, bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra. Trong số đó, nhiều người có học hàm, học vị cao, có trình độ cao cấp lý luận chính trị; được phong tặng danh hiệu cao quý; giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt các cấp ở bộ, ngành, địa phương. Nghiên cứu quá trình học tập, công tác của những trí thức thuộc lớp tinh hoa này, dư luận xã hội không khỏi tiếc nuối. Tiếc là bởi, trước khi các hành vi tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện, họ từng có quá trình học tập, công tác, cống hiến đáng ngưỡng mộ. Nhiều đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các cá nhân và nhóm tác giả có họ tham gia đều có tính ứng dụng, giá trị thực tiễn cao. Không ít người đang là “hạt giống đỏ”, nằm trong quy trình cơ cấu, bổ nhiệm các chức vụ cao hơn trong công tác cán bộ. Nếu biết giữ mình trong sạch, không sa ngã trước những cám dỗ vật chất, không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những trí thức ấy thực sự là tài sản quý góp phần làm nên nguyên khí quốc gia. Họ không chỉ đóng góp cho khoa học trên cương vị, chức trách được giao mà còn tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực kế cận và kế tiếp cho đất nước.
Cũng chính vì có cảm giác tiếc nuối ấy nên trong dư luận xã hội đã có không ít ý kiến nhận xét, đánh giá mang tính cực đoan, võ đoán, tiêu cực. Họ cho rằng, tham nhũng, tiêu cực là do cơ chế quản lý. Rằng, muốn chống tham nhũng, tiêu cực thì phải thay đổi từ gốc, tức là từ cơ chế quản lý của Nhà nước, từ chủ trương, đường lối của Đảng. Nếu chỉ chống bằng điều tra, bắt bớ, thì “tra đâu sai đó”, “khui đâu dính đó”... Thậm chí, một số người nhân danh “đấu tranh phản biện” còn cho rằng, trí thức Việt Nam đang vào thời kỳ “mạt vận”, rằng nếu cứ bắt nhiều như thế, đất nước sẽ rất khó thu hút, giữ chân hiền tài...
Đảng ta rất coi trọng vai trò của đội ngũ trí thức, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức là một trong những quốc sách hàng đầu. Chính vì vậy, khi hàng loạt trí thức, trong đó có nhiều trí thức giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt vướng vào vòng lao lý, các phần tử cực đoan có tư tưởng chống đối đã nhân cơ hội “té nước theo mưa”. Những quan điểm cực đoan, sai trái từ một số đối tượng trong nước và đối tượng lưu vong ở nước ngoài đã được các thế lực thù địch tập trung khai thác. Họ lấy đó làm cái cớ để thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, công kích, chống phá Đảng và Nhà nước, đòi thay đổi thể chế chính trị, cổ xúy đa nguyên, đa đảng, kích động đội ngũ trí thức từ bỏ Đảng, quay lưng với lợi ích quốc gia-dân tộc...
Chủ nghĩa cá nhân là căn nguyên của suy thoái
Danh sĩ Thân Nhân Trung từ thế kỷ 15 đã khái quát: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp...”. Bên cạnh đề cao vai trò của hiền tài, danh sĩ nổi tiếng thời hậu Lê cũng đã chỉ ra những nguy cơ, biểu hiện sa ngã, tiêu cực có thể khiến hiền tài trở thành tội đồ của đất nước. Ông viết: “... Trong số đó cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác... Thảng hoặc chỉ tu sức văn vẻ bên ngoài, đức hạnh thiếu thốn bên trong, điều thấy không bằng điều nghe, việc làm trái với điều học, hạnh kiểm sa sút, danh giáo nhuốc nhơ...”.
Nêu một dẫn chứng như vậy để thấy, sự tha hóa đạo đức trong đội ngũ hiền tài không chỉ là mặt trái của xã hội thời nay mà nó đã tồn tại, diễn biến song song với sự phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội, các triều đại lịch sử. Bởi trí thức là tầng lớp được xã hội trọng vọng, nên nếu không giữ vững tư cách, phẩm chất, không thấy rõ bổn phận, trách nhiệm phụng sự quốc gia, phụng sự nhân dân thì rất dễ sa ngã. Và khi sa ngã là trí thức đã tự đẩy mình xuống “cùng loại với bọn gian ác”, “danh giáo nhuốc nhơ”... Nguyên nhân là bởi: “Chỉ tu sức văn vẻ bên ngoài, đức hạnh thiếu thốn bên trong, điều thấy không bằng điều nghe, việc làm trái với điều học...”.
Ngẫm thông điệp của ông cha, soi rọi trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay mới thấy, đó đều là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Sự suy thoái của trí thức và đảng viên trí thức cũng chính từ căn nguyên ấy mà ra. Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân".
Chăm lo vun trồng, diệt trừ sâu bệnh
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, mở rộng cơ chế, tạo điều kiện để các nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham gia ngày càng nhiều hơn, sâu hơn vào các hoạt động kinh tế-xã hội, giữ các cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở các bộ, ngành. Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học... Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học”... Đảng ta chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài.
Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa, phát triển tư tưởng của tiên tổ, ông cha, lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên, củng cố sự bền vững của quốc gia... Với tinh thần lấy xây để chống, xây kết hợp với chống, muốn vun trồng cho nguyên khí hưng thịnh, bên cạnh các chính sách trọng dụng, đãi ngộ ngày càng cao, Đảng luôn coi trọng phòng, chống suy thoái, tiêu cực. Diệt trừ sâu bệnh là việc không thể thiếu trong quá trình vun trồng, chăm sóc cho nguyên khí quốc gia.
Với những nỗ lực và kết quả đạt được hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Đảng ta đã mở rộng phạm vi xây dựng, chỉnh đốn cả trong hệ thống chính trị. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 27-4-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa thêm yếu tố tiêu cực vào chứ không phải chỉ có phòng, chống tham nhũng. Tiêu cực ở đây rất rộng nhưng chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã bám sát quan điểm chỉ đạo được nêu rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đó là: Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội...
Như vậy, việc đấu tranh để lôi ra những thành phần suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ trí thức và đảng viên trí thức là chủ trương được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết của Đảng. Đây là cuộc đấu tranh nhằm làm trong sạch đội ngũ, để trí thức Việt Nam thực sự là đội ngũ vừa có đức, vừa có tài, là cách vun trồng cho nguyên khí thịnh. Những luận điệu suy diễn, lấy cớ nhiều trí thức bị khởi tố, bắt tạm giam do tham nhũng, tiêu cực rồi quy chụp, chỉ trích do Đảng lãnh đạo, cơ chế quản lý yếu kém là thủ đoạn đánh tráo khái niệm của các thế lực thù địch và các phần tử phản động. Trước các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc, kích động kiểu “nội công ngoại kích” nhắm vào đội ngũ trí thức, nhằm làm phân hóa, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ trí thức và đảng viên trí thức, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo nhận diện, có biện pháp đấu tranh, phản bác. Chúng ta cần nhận thức đúng bản chất vấn đề để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự trong sạch và củng cố vị thế, vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường.
Phan Tùng Sơn/Theo QĐND.vn