Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 4/6/2018 8:18'(GMT+7)

Không thể xuyên tạc, bóp méo hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam

 

Thế nhưng, vì những lý do nào đó vẫn còn một số kẻ vốn kỳ thị với chế độ XHCN, với Đảng và Nhà nước ta đã viện dẫn một công ước quốc tế về quyền con người và số điểm khác biệt nào đó giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật của một số quốc gia khác rồi nói rằng: “Pháp luật Việt Nam lạc hậu”, nhiều điều luật của Việt Nam (trong Bộ luật Hình sự, năm 1999) “mơ hồ”. Có kẻ còn nói: "Pháp luật Việt Nam vi phạm chuẩn mực pháp luật quốc tế về quyền con người”… Vậy phải chăng pháp luật Việt Nam "lạc hậu" so với các nước, pháp luật Việt Nam “mơ hồ” và trái với chuẩn mực pháp luật quốc tế về quyền con người?
 


Trước hết, không phủ nhận rằng cho đến nay, nhiều vấn đề xã hội phức tạp, tế nhị như: “Quyền kết hôn giữa những người đồng giới”; “Mại dâm có phải là một nghề không?”; “Quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet có nên giới hạn không?”; Vì sao “Việt Nam không xóa bỏ án tử hình như quy định pháp luật của châu Âu”?… đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu khảo sát, cân nhắc. Quốc hội cũng chưa có tiếng nói cuối cùng. Tuy nhiên, có những vấn đề không thể thay đổi bởi vì điều đó liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Nhất là những tội phạm về “An ninh quốc gia” (Bộ luật Hình sự, năm 1999).

Cho đến nay (năm 2017) đã có 25 quốc gia công nhận hôn nhân đồng tính (trong đó có Hà Lan, Bỉ, Canada, Tây Ban Nha, Na Uy, Nam Phi…), trong khi vẫn có 72 quốc gia (trong đó có Singapore, Malaysia, Myanmar, Brunei và Indonesia…) nghiêm cấm-hình sự hóa về quyền này.Thực tế cho thấy sự khác biệt về pháp luật giữa các quốc gia là điều tất nhiên, là điều bình thường. Không phải chỉ có pháp luật Việt Nam mới có sự khác biệt với pháp luật nước khác, mà pháp luật các nước khác cũng không giống nhau. Chẳng hạn như pháp luật giữa các nước về quyền kết hôn của người đồng giới.

Về mại dâm, pháp luật của nhiều quốc gia đã quy định rất tỷ mỉ và khác nhau. Chẳng hạn, Australia, một số bang đã hợp pháp hóa mại dâm nhưng vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Ở Áo và Thụy Sĩ, tuy mại dâm được xem là hợp pháp nhưng có nhiều quy định chặt chẽ, như gái mại dâm phải qua 3 vòng kiểm tra sức khỏe, tuổi từ 19 trở lên …; Bỉ xem mại dâm là một nghề như giải trí; Canada xem mại dâm là ngành giải trí nhưng việc mua dâm đã bị coi là bất hợp pháp; Đan Mạch, không chỉ hợp pháp hóa mại dâm mà còn quy định các mức giá khác biệt (có lợi) dành cho những cô gái khuyết tật hay có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ hai, pháp luật Việt Nam, hoàn toàn không phải sự “lạc hậu” như có kẻ nói. Thước đo sự lạc hậu hay tiên tiến không phải ở nội dung cụ thể những quy định trong một bộ luật nào đó, mà là nhà nước đó đã gia nhập, ký kết và nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người như thế nào.

Cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập đầy đủ và nội luật hóa các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người trong hệ thống pháp luật quốc gia. Đó là, “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc”; “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” và “Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị”; “Công ước về quyền trẻ em; “Công ước về chống tra tấn” và “Công ước về quyền của người khuyết tật”. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam đã ký kết gia nhập nhiều công ước mà những quốc gia phát triển chưa ký kết, phê chuẩn. Chẳng hạn như Trung Quốc chưa tham gia “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”; Hoa Kỳ (đã ký kết) “Công ước về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội”, nhưng nghị viện chưa phê chuẩn.

Liên quan đến quyền con người là các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, cho đến nay Việt Nam đã tham gia nhiều công ước của tổ chức này, như Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia lao động công nghiệp; Công ước số 6 về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp; Công ước số 14 về quy định nghỉ hằng tuần cho lao động công nghiệp…

Việt Nam không chỉ chủ động tham gia ký kết các công ước, mà còn là một thành viên tích cực của Liên hợp quốc trên lĩnh vực quyền con người. Còn nhớ ngày 12-11-2013, trong phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (Khóa 68) bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất. Hiện nay, đại diện của Việt Nam-Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao- trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (nhiệm kỳ 2017-2021).

Thứ ba, quan điểm cho rằng, Việt Nam “vi phạm chuẩn mực nhân quyền”, đó chỉ là một sự xuyên tạc thực tế. Nói cho đúng, đó chỉ là một thủ đoạn chính trị xấu xa mà thôi.

Theo Hiến chương Liên hợp quốc, năm 1945; Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, năm 1948 và các công ước quốc tế về quyền con người-tất cả các quốc gia, dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết.

Điều 1 (Phần I) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, năm 1966 quy định như sau: “1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa; 2. Vì lợi ích của mình, mọi dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình, miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế…; 3. Các quốc gia thành viên công ước này… phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”.

Với quy định của Điều I nói trên, Việt Nam cũng như các quốc gia, dân tộc khác hoàn toàn có quyền quyết định về xây dựng chế độ chính trị của mình. Việt Nam xây dựng chế độ xã hội XHCN, với một đảng duy nhất cầm quyền; nhiều quốc gia Tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội theo chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hoàn toàn có quyền của các dân tộc. Tương tự như vậy, các quốc gia cũng hoàn toàn có quyền xây dựng hệ thống pháp luật theo chế độ xã hội mà quốc gia đó đã đi theo.

Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã dành cả một chương-Chương II, quy định một cách đầy đủ và tương thích với hai công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Những nguyên tắc chủ yếu về quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 bao gồm: 1) Xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân; 2) Nguyên tắc hạn chế quyền và 3) Nguyên tắc “suy luận vô tội”.

Điều 14, Hiến pháp năm 2013, ghi: “1. Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Như vậy, thay vì qua hệ “xin-cho” (trong nhận thức cũ, mà báo chí từng phê phán) trong đó Nhà nước là người “cho”, còn người dân là người “xin” thì nay dường như quan hệ đó đã được đảo ngược, theo công thức “quyền-nghĩa vụ”. Điều 31, Chương II quy định: “1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.  Hơn nữa Khoản 5 cũng tại Điều 31, quy định rõ về quyền được bồi thường của người dân và trách nhiệm phải xử lý người vi phạm pháp luật.

Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận Thông tin năm 2013, Nghị định của Chính phủ năm 2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đều có đầy đủ các quy định bảo vệ, bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet, đồng thời cũng có những quy định về hạn chế quyền cá nhân theo công ước quốc tế nhằm bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ sức khỏe, đạo đức xã hội và các quyền, lợi ích của người khác.

Luật Báo chí năm 2016 quy định, công dân có những quyền: “Quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới”… “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Có thể nói quy định trên là hết sức cởi mở, thể hiện Đảng, Nhà nước ta tôn trọng quyền con người của công dân.

Về quyền tự do sử dụng internet, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (ngày 15-7-2013 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”) có các quy định: Mọi người “Được sử dụng các dịch vụ trên internet trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật”; “Được sử dụng các dịch vụ trên internet trừ các dịch vụ bị cấm”; “Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin"… Đặc biệt phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội…”.

 Như vậy có thể nói, hệ thống pháp luật Việt Nam cho đến nay, cơ bản đã đầy đủ và tương thích với Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người. Những quy định cụ thể nào đó về hạn chế quyền của cá nhân cũng theo thông lệ quốc tế và đều nhằm bảo vệ chế độ chính trị, trật tự xã hội, các quyền và lợi ích của người khác. Những kẻ nói rằng pháp luật Việt Nam "lạc hậu”, “mơ hồ”, “vi phạm chuẩn mực pháp luật quốc tế về quyền con người”... không phải họ thiếu hiểu biết về pháp luật ở Việt Nam. Nghe qua giọng điệu ấy đã hiểu mưu đồ của họ vẫn là xuyên tạc, bóp méo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để làm giảm sút lòng tin vào Đảng, Nhà nước, kích động người dân bất mãn với chế độ xã hội.

 

Bắc Hà/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất