Thực tế cho thấy là, cứ ít ngày thì các nhà "rân chủ cuội" vốn theo đuôi thế lực thù địch lại mượn cớ/vin vào một số hạn chế trong thực trạng của đất nước để rồi tung lên mạng xã hội những tin, bài bịa đặt đầy xảo trá. Cụ thể là, khi thì họ cho rằng, vì Đảng độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nên đất nước không thể dân chủ và phát triển như một số quốc gia ở phương Tây và Mỹ; khi thì họ đổ lỗi cho những khó khăn, thách thức trên hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam tiếp tục phải đối diện, khắc phục là do việc Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn con đường sai lầm, lạc hậu; nhất là khi chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ từ cuối thế kỷ trước rồi mà Việt Nam vẫn cố bấu víu, tiếp tục đi theo…
Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật và cần phải khẳng định rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp điều kiện cụ thể của đất nước đã lãnh đạo nhân dân kiên trì đấu tranh cách mạng đầy gian khổ và hy sinh suốt 15 năm (1930-1945) để giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đã kiên trì tiến hành thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ suốt 30 năm (1945-1975) để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, tiếp tục tiến hành sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hơn 35 năm qua (từ 1986 đến nay) chưa bao giờ/không bao giờ là sai đường và lạc hậu. Nếu không có Đảng dẫn đường, lãnh đạo thì tất yếu sẽ không thể có một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và ngày càng phát triển bền vững như ngày nay.
ĐẢNG ĐỘC QUYỀN LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG, KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Một là, việc Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền/độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam được hiến định tại Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải chỉ là ý muốn chủ quan của Đảng mà đó là sự lựa chọn của lịch sử, được kiểm nghiệm bởi lịch sử. Thực tế, lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam từng có Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ... tham gia chính trường, song vì không thể đảm nhiệm được sứ mệnh lịch sử, nên cuối cùng đã tự rút lui. Hơn nữa, suốt 9 thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ, đi theo và chịu sự lãnh đạo của Đảng, góp sức và làm nên những thành tựu của sự nghiệp cách mạng.
Niềm tin luôn tồn tại trong mỗi con người và nhân dân Việt Nam có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn lịch sử để sắt son một niềm tin vào Đảng, vào những thành quả của sự nghiệp cách mạng mà cả dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bao thập niên qua, kể từ khi Đảng ra đời vào mùa Xuân năm 1930, đồng bào và chiến sĩ cả nước luôn một lòng tin yêu Đảng, vì Đảng luôn phấn đấu vì nước, vì dân, cho ấm no, hạnh phúc của toàn dân. Trên hành trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc và đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định, củng cố được vị trí cầm quyền, độc quyền lãnh đạo của mình. Đồng thời, trong hành trình đó, nhân dân Việt Nam cũng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò không thể phủ nhận/không thể thay thế được của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tế là, có Đảng dẫn dường là có một cuộc đổi đời lịch sử, có một đất nước Việt Nam được hồi sinh và phát triển sau hơn 80 năm bị áp bức, bóc lột dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhật; là có một dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh và giành thắng lợi sau 30 năm đấu tranh gian khổ chống sự xâm lược của thực dân Pháp (lần thứ 2) và đế quốc Mỹ, để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có Đảng lãnh đạo, nên mỗi người dân là "con Rồng cháu Tiên" của dải đất, biên cương, hải đảo, bầu trời mang tên Việt Nam này hẳn ai cũng từng được nghe và không thể nào quên những lời ca đi cùng năm tháng trong bài hát "Lá cờ Đảng" của nhạc sĩ Văn An: "Trong đêm đen, lá cờ của Đảng rạng soi đường đấu tranh/Dưới bóng cờ lòng tràn niềm tin chân lý sáng trong tim/Với dân giữ vẹn tròn chữ hiếu/Với Đảng vẹn tròn lòng tin yêu/Cờ Đảng giục ta đi tới/Đắp xây non sông đẹp tươi"… Và vì có Đảng, nên đã là người dân Việt Nam yêu nước chân chính, hẳn ai cũng sẽ bất bình và căm giận trước sự vu khống, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch. Điều này là sự thật, và sự thật này bác bỏ sự quy chụp không khách quan, đầy chủ kiến ác ý của những kẻ cơ hội, phản động khi cho rằng Đảng đã sai lầm, lạc hậu, song vì "tham vọng thống trị uy quyền, muốn độc bá, độc tôn, muốn tiếp tục giữ vững ngôi vị thống trị toàn dân", nên đã không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; không thực thi xã hội dân chủ…
Hai là, dù cũng còn một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục, song những gì mà đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng là không thể phủ nhận. Sau khi nước nhà giành được độc lập, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nên hơn 77 năm qua nói chung và trong 30 năm kiên cường kháng chiến chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nói riêng, đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc hiến dâng thân mình, một phần máu xương của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng đó đã góp phần làm cho trái ngọt "độc lập, tự do, hạnh phúc" được nở hoa trên mảnh đất Việt Nam, chứ không phải là trong suốt 30 năm ấy, người dân phải "chấp nhận khổ nghèo, hy sinh vì nội chiến" là do Đảng "khởi xướng, hô hào" như những kẻ "rân chủ" nhân danh yêu nước quy chụp.
Thực tế, sự hy sinh và đóng góp sức mình của mỗi người dân Việt Nam yêu nước cho một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội chính là sự kiên định con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn từ năm 1930, được ghi rõ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng: "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1); trong Cương lĩnh lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chứ không phải là Việt Nam cứ cố bấu víu vào "thiên đường chủ nghĩa xã hội mù mịt", trong khi "hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới đã tan rã, chỉ còn lại vài nước rời rã cố bám".
Thực tế cũng cho thấy là, sự sụp đổ của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, chứ không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời, cũng không hề làm mất đi nội dung thời đại của chủ nghĩa xã hội. Nguyên nhân tan rã của Liên Xô cũng đã được chỉ ra và thất bại của chủ nghĩa xã hội lần này chỉ là tạm thời. Theo quy luật khách quan, thì chủ nghĩa xã hội sẽ phủ định, thay thế chủ nghĩa tư bản; và trên thực tế, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, bởi: "Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử”(2) và "đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử"(3).
Thực tế, những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong hơn 90 năm qua, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, thực hiện an sinh xã hội, nhất là việc thực hiện quyền con người theo những giá trị phổ quát của Tuyên ngôn Quốc tế về quyền con người (UDHR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã được khẳng định trong Văn kiện 13 kỳ Đại hội Đảng, trong báo cáo tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội… hằng năm. Sự thật đó đã được nhân dân ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cho nên, việc cho rằng những người cộng sản Việt Nam nói chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng (thể hiện trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”) là những người đã "cố theo một chủ thuyết, một chủ nghĩa, một đường lối sai lầm" mà vẫn không hiểu rằng mình đã sai, nên đã "đưa một đất nước tụt hậu tận cùng bên bờ vực thẳm" của Nguyễn Dân và những người cùng hội cùng thuyền "rân chủ" chính là bôi nhọ và xuyên tạc sự thật lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với đó, luận điệu cho rằng, trong khi các quốc gia từ bỏ chủ nghĩa xã hội "đã thay đổi", đã "chuyển qua thể chế dân chủ" nên đều phát triển tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, còn Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì vẫn đang "ngụp lặn trong đói nghèo và khốn khổ" là do Đảng Cộng sản Việt Nam "suy luận viển vông" và đó là nguyên nhân của mọi thất bại chính là những chiêu trò vừa khoét sâu vừa kích động để gây rối lòng dân của các thế lực thù địch. Đây chính là sựu quy chụp không có căn cứ, nhận định đầy chủ quan, thiên kiến về Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
XÂY DỰNG VÀ CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VỪA LÀ NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, VỪA LÀ NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN VÀ LÂU DÀI
Một là, cần phải khẳng định rằng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài của một Đảng cách mạng chân chính, được xây dựng và hoạt động theo các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là vì "Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên"(4) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, chứ không phải là mỗi khi Đảng đánh giá khách quan tình hình, nêu ra hạn chế, đề ra giải pháp (trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng hay Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương) để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó tốt hơn thì có nghĩa là Đảng đã "thất bại" trong công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng” như các luận điệu phản động tung lên mạng xã hội.
Thực tế là, những kẻ cơ hội đã cố tình chỉ nhìn vào hạn chế, khoét sâu vào một số nhận định mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai Kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng (Hà Nội, ngày 9/12/2021), mà cố tình bỏ quên, không ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng suốt 92 năm qua, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây. Có thể thấy rằng, những kẻ cơ hội, phản động này đã cố tình không hiểu rằng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt; có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhờ nghiêm túc, thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng đó mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ khẳng định được vai trò mà còn giữ vững được vị trí cầm quyền, độc quyền lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước suốt mấy thập niên qua.
Trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp cách mạng, nhờ thấm nhuần sâu sắc rằng: "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng"(5), Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ xác lập, củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín, nguồn sức mạnh, sức chiến đấu của mình bằng đường lối chính trị đúng đắn; bằng bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn chú trọng thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng để Đảng luôn là một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc, luôn liên hệ mật thiết với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ.
Trong mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn tu dưỡng về mọi mặt, rèn luyện bản lĩnh chính trị để hoàn thành trọng trách vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trước Tổ quốc và nhân dân, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn tâm niệm phụng sự với tinh thần liêm chính; luôn "đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo. Cán bộ Đảng và chính quyền ta đều sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân”(6) và bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được rằng, Đảng dù là một tổ chức của những con người ưu tú, tiền phong, song nếu thiếu tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt thì rất dễ sa vào bẫy của chủ nghĩa cá nhân, sa vào thực dụng, quan liêu, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm và các biểu hiện tiêu cực, suy thoái khác. Vì thế, trong tổ chức của những người con ưu tú đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vẫn còn có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, thậm chí là cán bộ lãnh đạo cấp cao phai nhạt lý tưởng, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, nên đã vướng vòng lao lý, đã bị khai trừ khỏi Đảng…
Hơn nữa, nguyên nhân của các thành tựu trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, những hạn chế và cả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng cũng được chỉ ra rất cụ thể trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng; nhất là trong các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, XII, XIII bàn về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trong thông báo và kết luận các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương…, song thành tựu vẫn là cơ bản. Vì thế, việc chỉ nhìn vào một số hạn chế mà bỏ qua thành tựu, để vội vàng kết luận công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Việt Nam "là cây đã chết từ gốc" và "Đảng đã mục từ cơ sở chứ không bền vững như Tuyên giáo tuyên truyền" thì thật là thiển cận; là không khách quan, là xuyên tạc bản chất vấn đề nhằm bôi đen Đảng nói chung, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói riêng.
Hai là, với một Đảng Mácxít Lêninnít như Đảng Cộng sản Việt Nam, thì bảo vệ nền tảng tư tưởng là một nội dung quan trọng; trong đó, "bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” luôn là nhiệm vụ xuyên suốt, nhất quán của tất cả các tổ chức cơ sở Đảng, của tất cả mọi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Cùng với việc học tập, nghiên cứu, quán triệt để hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng trong thực tiễn công tác, đời sống, thì việc kịp thời nhận diện, chủ động đấu tranh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội cũng là một "trận tuyến" đầy cam go, thử thách, đòi hỏi sự kiên định, chủ động và bản lĩnh của mỗi người. Cho nên, ở đâu đó và nếu có ai đó "công khai chỉ trích Đảng là ù lì", "là tiếp tục cuồng tín bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh", làm cho "dân tộc mỗi ngày một lạc hậu hơn, đất nước tụt hậu hơn so với các dân tộc láng giềng" thì đó cũng chỉ là "phát ngôn" của những kẻ đã suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đã "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và rời xa lý tưởng cách mạng.
Cùng với đó, thông qua quá trình học tập, quán triệt và tu dưỡng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các Quy định về nêu gương (Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp"; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên"; Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Trách nhiệm nêu gương của CBĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương"…), các Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII… từng tổ chức Đảng đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ ra những người đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chỉ ra những biểu hiện tiêu cực/tham ô, tham nhũng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng, để chỉnh đốn tổ chức, góp phần xây dựng Đảng.
Thông qua quá trình tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát; quá trình tự soi, tự sửa hằng ngày của mỗi người, của mỗi tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng đã có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức đến hành động. Việc phát huy vai trò nêu gương, mẫu mực thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"; nỗ lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân trên tinh thần thấm nhuần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(7) của mỗi người đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Thực tế, việc nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế chính là nhằm từng bước sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những người phai nhạt lý tưởng cộng sản, suy thoái, biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật… làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Cho nên, càng tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; chủ động đấu tranh và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng/bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thì càng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân, chứ không phải là vì công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã "thất bại".
Vì thế, mọi sự xuyên tạc, phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng để đòi đa nguyên, đa đảng đối lập ở Việt Nam; đòi từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đều là những luận điệu phản động. Cùng với đó, những nhận định bôi đen sự thật khi cho rằng, sau hơn hơn 90 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, thì Đảng chính là "nguồn gốc"/là nguyên nhân của những thất bại; đồng thời, hai công tác luôn được Đảng "kêu gào" phải đẩy mạnh, phải tăng cường là "xây dựng và chỉnh đốn Đảng" và "bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh/nền tảng tư tưởng của Đảng" đều "thất bại" cũng không phải là sự thật, mà đó chính là những luận điệu thâm độc nhằm chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc!
Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần phải nhận diện đúng về những luận điệu phản động nêu trên, để không chỉ nâng cao cảnh giác, nâng cao bản lĩnh chính trị, góp phần củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng mà còn phải tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, chủ động đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội!
TS. Văn Thị Thanh Mai
---
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1.
(2) (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.69, 70.
(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.290, 289.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.177.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.