Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/10/2014 20:27'(GMT+7)

Khu Tài chính Luân Đôn luôn ủng hộ và hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Bà Alderman Fiona Woolf, Thị trưởng khu Tài chính Luân Đôn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Bà Alderman Fiona Woolf, Thị trưởng khu Tài chính Luân Đôn.

Chào mừng Thị trưởng khu Tài chính Luân Đôn cùng đoàn công tác đến Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao sự hỗ trợ và những đóng góp của Vương quốc Anh thời gian qua, hai bên đã hợp tác chặt chẽ, mang lại những kết quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam từ việc xây dựng khung chính sách, thể chế kinh tế, cũng như những khoản ODA của Chính phủ Anh và sự đầu tư của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam. Năm 2013, ngài Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh đã đặt Văn phòng OTB tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung trong cải cách thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, PPP, tăng cường thu hút FDI…

Bộ trưởng cho biết PPP là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam. Trong nhiều năm qua Việt Nam xây dựng kết cấu hạ tầng chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước khá  hạn chế so với nhu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước, tạo nên nhữngkhó khăn đối với kết cấu hạ tầng Việt Nam, cản trở sự phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã học tập kinh nghiệm của cộng đồng quốc tế và đưa ra những quy định cải cách trong lĩnh vực đầu tư công nhằm mang lại sự minh bạch hơn trong đầu tư, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Do vậy, việc ban hành Nghị định PPP là nhu cầu cấp thiết trong tình hình hiện nay, nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Alderman Fiona Woolf cho biết khu Tài chính Luân Đôn luôn ủng hộ và hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong các vấn đề về chính sách phát triển, cơ sở hạ tầng và kinh tế - xã hội. Thế giới đang đứng trước những khó khăn về kết cấu hạ tầng, trong khi đó cộng đồng quốc tế không thể tài trợ cho tất cả các dự án và quốc gia, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng ngân hàng, do vậy mô hình PPP đang rất được quan tâm và ứng dụng phổ biến. Trong đó, vấn đề PPP của Việt Nam hiện nay rất cần sự phối hợp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, cộng đồng quốc tế và áp dụng phù hợp với tình hình Việt Nam.

Chia sẻ về khung khổ pháp lý PPP của Việt Nam, chuyên gia tư vấn quốc tế Stanley Boots cho biết đến năm 2020 Việt Nam cần khoảng 17 tỷ USD mỗi năm cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó 50% đến từ nguồn đầu tư của khu vực tư nhân, tương đương 8.5 tỷ USD/ năm. Trong khi đó, PPP đang đối mặt với những khó khăn thách thức như khung pháp lý phức tạp, cách tiếp cận không thống nhất về phát triển dự án, cần có sự đồng thuận từ các cấp Bộ, ngành và vấn đề tăng cường năng lực hiểu biết về mô hình PPP. Qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cam kết nâng cao năng lực vận dụng PPP từ năm 2008; năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư; năm 2011 – 2012 diễn ra công cuộc cải cách bộ máy tổ chức nhằm tương thích với nguồn vốn phát triển dự án; năm 2013 tiến hành sửa đổi căn bản Quyết định 71, dẫn tới sự ra đời của Nghị định PPP mới sắp tới đây… là những minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong việc tăng cường năng lực hiểu biết và năng lực triển khai, xúc tiến hình thức đầu tư PPP.

Kết quả cho thấy Nghị định PPP với sự nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng với kỳ vọng được Chính phủ thông qua trong thời gian tới sẽ là một văn bản có tính toàn diện và thống nhất cao với luật pháp hiện hành, có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến việc vay vốn và các nhu cầu của nhà đầu tư. Ưu điểm của Nghị định là phạm vi áp dụng rộng rãi, bao trùm nhiều lĩnh vực; xác định rõ quy trình thực hiện dự án PPP; quyết định đầu tư dựa trên nghiên cứu khả thi hướng đến PPP; cấu trúc hợp đồng mềm dẻo, linh hoạt; đưa ra khả năng bù đắp thiếu hụt về tài chính như hỗ trợ chi phí xây dựng, thanh toán dịch vụ; xác định quyền của bên cho vay; linh hoạt phát triển các chương trình hỗ trợ nhà nước theo thời gian…

Chia sẻ về các dự án PPP tiềm năng của Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng cho biết theo thống kê có 298 dự án được các bộ, ban ngành và địa phương đề xuất với tổng vốn đầu tư khoảng 46.775 tỷ USD, trong đó có 5 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các lĩnh vực đầu tư của các dự án PPP được đề xuất gồm có giao thông (90 dự án), môi trường (44 dự án), nông nghiệp (39 dự án), cung cấp nước (35 dự án), cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế (18 dự án), năng lượng (7 dự án)…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá khu Tài chính Luân Đôn là một trung tâm lớn, có nhiều kinh nghiệm trong việc huy động và sử dụng vốn, đặc biệt theo hình thức PPP. Qua đó, Bộ trưởng mong muốn nhận được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ hết mình từ Chính phủ Vương quốc Anh nói chung và khu Tài chính Luân Đôn nói riêng để Việt Nam có thể vận dụng hình thức này một cách có hiệu quả và mang lại những đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển của Việt Nam trong thời gian tới./.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất