Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 1/7/2017 15:44'(GMT+7)

Kiểm soát tốt lạm phát

Giá cả ổn định

Theo PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), kinh tế 6 tháng đầu năm nay chịu tác động nhiều chiều của bối cảnh kinh tế thế giới. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng quý I có dấu hiệu chững lại. Giá nông sản, thực phẩm, nhất là giá thịt lợn giảm mạnh đã tác động tiêu cực tới chăn nuôi và khiến cho mục tiêu tăng trưởng năm 2017 trở nên thách thức. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. CPI 6 tháng qua tăng là do giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng, cùng với việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán Quỹ Bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 86/2015. Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép cũng đã tăng trở lại làm chỉ số giá xuất nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.


Đồng quan điểm, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Duy Thiện cho rằng, nửa đầu năm nay, giá cả cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Ngoài những yếu tố làm tăng CPI như Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đề cập còn có yếu tố nhu cầu, sức mua hàng hóa, dịch vụ, đi lại, du lịch tăng cao dịp Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30.4, 1.5; giá nhiên liệu thị trường thế giới tăng tác động vào giá trong nước, tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở doanh nghiệp.

Kích thích tăng trưởng phù hợp

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương Nguyễn Lộc An, cho rằng thị trường 6 tháng cuối năm khó có biến động lớn. CPI bình quân tiếp tục xu hướng giảm và kể cả có sự điều chỉnh của giá các hàng hóa, dịch vụ nhà nước quản lý thì CPI bình quân vẫn dự kiến đạt mức QH giao.

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá 6 tháng cuối năm. Đó là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa dịch vụ quan trọng. Giá xăng dầu thế giới biến động khó lường do những căng thẳng giữa các quốc gia vùng Vịnh. Lương cơ bản của các đối tượng hưởng lương ngân sách tiếp tục được điểu chỉnh tăng từ 1.7.2017. Cùng với đó là biến động mang tính thời điểm, thời vụ về cung cầu của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm do yếu tố thiên tai, môi trường và thời tiết bất lợi; nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và đặc thù thường tăng cao trong dịp tết. Diễn biến nhu cầu thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng tác động đến giá trong nước theo xu hướng tăng giá vượt đáy của các loại hàng hóa trên thế giới…

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (Học viện Tài chính) cho rằng, khó dự báo nhất là tác động của thị trường thế giới tới Việt Nam. Những tháng tới, CPI không có biến động lớn, cả năm tăng khoảng 3%. Dự báo lạm phát không có biến động lớn do giá cả nhiều mặt hàng ổn định, dự báo lạm phát năm 2017 khoảng 2,5%.


Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để đạt được mục tiêu lạm phát 4% trong năm 2017 mà QH đề ra, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2017 là thách thức không nhỏ.

Chính phủ không nên dùng chính sách tài khóa để kích cầu, bởi nó gây áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Để  kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững, giải pháp tổng lực và quan trọng nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung vào những giải pháp mang tính dài hạn như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu... Ông Ngô Trí Long cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, cần xác lập kịch bản cho từng mặt hàng trong rổ hàng hóa tính lạm phát, cập nhật thông tin thị trường; điều hành chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng nhằm kiểm soát giá cả, cung cầu thị trường để triệt tiêu lạm phát kỳ vọng.  


Minh Hương (Báo ĐBND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất