Chủ Nhật, 13/10/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 30/9/2024 6:0'(GMT+7)

Mô hình “Gia đình học tập” và “Dòng họ học tập” trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam

Niềm vui trong ngày khai giảng của học sinh học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Niềm vui trong ngày khai giảng của học sinh học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người nhấn mạnh, giáo dục gia đình giữ vai trò rất quan trọng, gia đình cùng với nhà trường tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, mọi người trong gia đình phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau để mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa, thi đua với nhau vươn lên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân đối với gia đình và đất nước. Người coi sự nghiệp giáo dục không phải chỉ là của Nhà nước mà “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, đòi hỏi mọi thành viên trong xã hội cùng chung tay thực hiện.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình, về giáo dục, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng ta xác định vai trò của gia đình trong thời kỳ mới: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”.

 

Đặc biệt, Văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX xác định, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”. Và ngay sau khi Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2007 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” (Chỉ thị số 11), phong trào thi đua xây dựng mô hình “gia đình hiếu học, dòng họ hiếu họccộng đồng khuyến học trong cả nước được triển khai sôi nổi. Tiếp đến, ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020. Tiêu chí cơ bản của cả 3 mô hình này là trẻ em đến tuổi đi học phải được đến trường, đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên, không có lưu ban bỏ học, không tham gia các vụ việc tiêu cực; người lớn phải tham gia ít nhất một hình thức học tập. Thông qua đó, việc phát động xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng dân cư học tập đã có những chuyển biến khá rõ nét về nhận thức và hành động, tạo điều kiện cho thành viên của mình được học tập thường xuyên để đạt các tiêu chí về mô hình học tập. Những gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu mô hình học tập đã góp phần là lực lượng nòng cốt cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại từng cộng đồng.

Số lượng các gia đình hiếu học, dòng họ và cộng đồng khuyến học phát triển khá nhanh trong các cộng đồng dân cư. Năm 2011 có 4.321.856 gia đình hiếu học, 33.913 dòng họ hiếu học, 37.801 cộng đồng khuyến học; Năm 2015 có 8.427.421 gia đình hiếu học, 65.203 dòng họ hiếu học, 70.356 cộng đồng khuyến học.

Một số dòng họ tiêu biểu: Dòng họ Phạm Việt Nam, Dòng họ Dương Việt Nam, Dòng họ Nguyễn Lân

 

 

Để tạo thêm động lực xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, trở thành một phong trào xây dựng xã hội học tập lớn, chất lượng, hiệu quả và tác động lan tỏa sâu rộng đến từng thành tố gia đình học tập, dòng họ học tập trong cả nước, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện, có đủ phẩm chất, năng lực làm chủ bản thân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ngày 4/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW) xác định một trong những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là “Đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học”; “…giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”…

Xây dựng gia đình và phát triển văn hóa học tập trong từng gia đình, từng dòng họ, để xây dựng được những mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Công dân học tập” tiến tới xây dựng xã hội học tập có vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển và thịnh vượng của một quốc gia, mang lại hạnh phúc cho từng thành viên trong gia đình, dòng họ, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện, có đủ phẩm chất, năng lực làm chủ bản thân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là triết lý nhân văn mang ý nghĩa cơ bản và bền vững, là cơ sở để xây dựng đời sống mới, gia đình mới, gia đình văn hóa trong xã hội mới.

 

2. Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và cung cấp nguồn lực con người và giữ vững ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước; triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo, về xây dựng các mô hình học tập góp phần xây dựng xã hội học tập ở nước ta ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; ngày 30/7/2021, ban hành Quyết định số 1373-QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, phê duyệt các đề án xây dựng xã hội học tập với mục tiêu nhằm đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; xây dựng các mô hình học tập với những tiêu chí đánh giá, công nhận theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong cả nước.

Đến nay, sau nhiều năm triển khai, việc xây dựng mô hình gia đình, dòng họ với nền tảng văn hóa học tập của gia đình, của dòng họ hướng đến gia đình hạnh phúc bền vững, xác lập hệ giá trị theo hướng chân - thiện - mỹ với những nội dung, giá trị chủ yếu là tinh thần hiếu học, luôn cầu tiến và sáng tạo trong tiếp thu những tri thức khoa học; thủy chung, hòa thuận, hiếu thảo, trung thực, giản dị, khiêm tốn, trách nhiệm trong lối sống và nếp sống để hoàn thiện nhân cách của mỗi thành viên trong từng gia đình, từng dòng họ nhằm củng cố các mối quan hệ trong gia đình, giữa các gia đình với nhau và giữa gia đình với dòng họ, với xã hội đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, đến nay, các cấp hội trong cả nước đã và đang triển khai mạnh mẽ việc đăng ký, bình xét danh hiệu: “Công dân học tập” với ba tiêu chí khung dựa trên năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng công cụ học tập, làm việc và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội của từng người dân/công dân trong xã, công dân học tập là người lao động, công dân học tập là cán bộ công nhân viên, doanh nhân, công dân học tập là học sinh, sinh viên, học viên; đăng ký, bình xét danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” với các tiêu chí khung như kết quả học tập của gia đình, điều kiện học tập của gia đình theo các tiêu chí đánh giá. Trong đó, nhiều địa phương đã sáng tạo, tham mưu lồng ghép việc bình xét các mô hình học tập với việc đăng ký, đánh giá “Gia đình văn hóa”, “Thôn/tổ văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” …

Mô hình tổng thể về xã hội học tập.

 

Mô hình tổng thể về xã hội học tập.

Có thể khẳng định, việc xây dựng và thực hiện thành công các mô hình công dân học tập, gia đình học tập trong thời gian qua năm qua là một việc làm đúng đắn, thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đã coi khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một nét đẹp văn hóa, một truyền thống quý báu cần giữ gìn và phát huy trong giai đoạn hiện nay. Việc triển khai đồng bộ các mô hình học tập đã góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học, ham học hỏi, học tập suốt đời trong nhân dân lao động trong cả nước, làm tiền đề cho sự phát triển thành công của việc xây dựng xã hội học tập của từng địa phương, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

dongho

Ngày hội văn hóa mùa xuân họ Dương năm 2023. Ảnh: Họ Dương VN

 

3. Dân tộc Việt Nam có truyền thống siêng năng, hiếu học, muốn thành người tốt thì trước tiên phải học-học để làm người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao hai chữ hiếu học. Người nói rằng ở Người chỉ có một ham muốn duy nhất là “ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Bởi vậy, chúng ta cần “Học không bao giờ cùng” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi học tập là chìa khóa mở đường để mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, bản làng và đất nước bước vào thế giới hiện đại, xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho xã hội phát triển bền vững.

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa học tập gia đình, văn hóa học tập dòng họ luôn được xác định là yếu tố cơ bản, vừa là mục tiêu, giá trị hướng tới, vừa là động lực bền vững thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội, để tạo nên những cộng đồng dân cư học tập, hướng đến phát triển xã hội học tập. Trên nền tảng đó các mẫu hình học tập “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” truyền thống được củng cố và phát huy, những giá trị văn hóa học tập thời đại sẽ tạo ra bản sắc văn hóa học tập, xã hội học tập của dân tộc Việt Nam, hình thành một quốc gia học tập, văn hóa và văn minh trong thời đại kinh tế tri thức dưới tác động cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam. Do đó, muốn xây dựng một xã hội học tập đúng nghĩa thì không thể coi nhẹ yếu tố “Gia đình học tập”, trong đó yếu tố hạt nhân trong gia đình học tập là mô hình “Công dân học tập”. Không có “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” thì không thể có “Cộng đồng học tập” , xã hội học tập mà ở đó phải bắt đầu từ công dân, rồi đến gia đình và dòng họ. Mô hình “Công dân học tập” trong mỗi gia đình sẽ tạo nên chất lượng của các mô hình học tập từ cấp hành chính cơ sở trở lên.

Xây dựng gia đình và phát triển văn hóa học tập trong từng gia đình, từng dòng họ cũng chính là để xây dựng được về “chất lượng” một xã hội học tập, yếu tố có vai trò cốt lõi trong quá trình phát triển và thịnh vượng của quốc gia, mỗi dân tộc, góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện, có đủ phẩm chất, năng lực làm chủ bản thân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công mục tiêu Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”; và ý kiến chỉ đạo của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của ĐảngXây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy “sức mạnh mềm” cho phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới… thì trước tiên, cần thúc đẩy quá trình học tập thường xuyên, liên tục, không mệt mỏi của mỗi cá nhân, của mọi tổ chức phải: Học tập suốt đời, xây dựng một xã hội học tập. Đây là những định hướng lớn cho việc khẳng định vị trí, vai trò của gia đình, của dòng họ; đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên/công dân của mình thành những công dân học tập có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là yếu tố quyết định, là môi trường phát triển toàn diện con người Việt Nam trong xây dựng giá trị gia đình Việt Nam, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam thời kỳ mới./.

TS. Lê Thị Mai Hoa, TS. Nguyễn Thanh Hà,
Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất