Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 12/4/2017 21:26'(GMT+7)

Kiểm toán lại giá trị DNNN có vốn chủ sở hữu dưới 5.000 tỷ đồng

Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị các bước cần thiết để tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) trong năm nay. Đây là DN lớn của Thủ đô, sở hữu quỹ đất lớn, ở những vị trí trung tâm của các quận, huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, vốn chủ sở hữu hiện nay được tư vấn định giá là 2.125 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND Thành phố vẫn cho biết khó khăn trước khi cổ phần hóa công ty mẹ Hapro đang là xác định giá trị đất đai mà DN này sở hữu trong khi các quy định liên quan như Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DNNN thành công ty cổ phần chưa được sửa đổi.

Trong khi những vướng mắc về pháp lý, xác định giá trị DN chưa được hoàn thiện, để bảo đảm tiến độ cổ phần hóa Hapro, Thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và lên phương án sắp xếp đất đai theo hướng rà soát chức năng DN sau cổ phần hóa để tính toán giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp cho phù hợp, bảo đảm không thất thoát tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Toản cho biết, nhiều ý kiến trong Thành ủy Hà Nội vẫn đề nghị nên mời KTNN kiểm toán lại kết quả định giá của Hapro, UBND Thành phố đề xuất nên hạ ngưỡng kiểm toán lại kết quả định giá với DNNN có vốn chủ sở hữu dưới 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, từ tháng 8/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 1532/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về cổ phần hóa DNNN có quy mô lớn đã đề nghị các DN quy mô lớn (bao gồm DN 100% vốn nhà nước, DN do các Tập đoàn kinh tế nhà nước giữ 100% vốn điều lệ) có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa phải được KTNN kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá DN.

Không chỉ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra đề nghị mời KTNN kiểm toán lại việc định giá DN có vốn chủ sở hữu từ 1.600 tỷ đồng trở lên ở địa phương này.

Trên thực tế, đã có DN có vốn chủ sở hữu được báo cáo là dưới 5.000 tỷ đồng như Tổng Công ty Lương thực miền Nam nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vẫn đề nghị KTNN kiểm toán lại kết quả định giá DN hồi tháng 9/2016 và phát hiện ra nhiều vấn đề về công nợ, nợ thu khó đòi…

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, không chỉ các DN có quy mô vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ mà Chính phủ cũng yêu cầu trong các trường hợp cần thiết khác, không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề nghị KTNN thực hiện kiểm toán lại giá trị DN. Thêm vào đó, Luật Kiểm toán cũng có quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền đề nghị KTNN kiểm toán giá trị DN thuộc địa phương quản lý trước khi cổ phần hóa.

Việc tổ chức xác định giá trị DNNN có vai trò quan trọng trong bảo đảm lợi ích của các bên tham gia mua, bán, sáp nhập DN, nhất là lợi ích của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Nhà nước, các chuyên gia và giới đầu tư đang lo ngại về công tác tư vấn định giá DN đang có vấn đề khi có các nhóm lợi ích hạ giá trị DNNN để dễ bề thâu tóm DN khi cổ phần hóa.

“Do vậy không có chuyện DN có vốn chủ sở hữu dưới 5.000 tỷ đồng lại không bị kiểm toán lại”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại một cuộc họp về cổ phần hóa DNNN diễn ra đầu tuần này.

Với các quy định này, Chính phủ muốn gửi một thông điệp tới các đơn vị làm dịch vụ tư vấn định giá rằng các kết quả định giá DNNN đều có thể bị kiểm tra lại. Trong trường hợp kiểm toán lại mà kết quả cho thấy khác xa so với kết quả kiểm toán dịch vụ độc lập thì Bộ Tài chính công khai các kết quả để xã hội và giới chuyên môn đánh giá về các kết quả định giá cũng như uy tín của các cơ quan, đơn vị tham gia định giá DNNN.

Để hạn chế những yếu kém, tiêu cực trong công tác tư vấn định giá DNNN, các cơ quan liên quan đang tiến hành xây dựng các quy định về tổ chức đấu thầu kiểm toán tư vấn xác định giá DN đối với các công ty kiểm toán, tư vấn định giá./.

Theo chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất