(TCTG) - Ngày 23/8, Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo TW do Giáo sư, Tiến sỹ Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về tình hình thực hiện Chỉ thị số 24 và Chỉ thị số 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Phát triển nền Đông y Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới và Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.
Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương về Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam, tổ chức Hội và đội ngũ hội viên Hội Đông y trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được củng cố và tăng cường. Công tác phối, kết hợp trong điều trị giữa Đông y và Tây y đã ngày càng phát huy được tác dụng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn.
Từ năm 2008 đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã khám, chữa bệnh cho gần 2 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có trên 93.000 lượt người được khám miễn phí; tổ chức 3 buổi hội thảo với 56 bài thuốc kinh nghiệm. Vĩnh Phúc còn tổ chức 8 lớp lý luận cơ bản về đông y cho gần 200 hội viên. Các huyện, thành, thị đã giới thiệu, phổ biến cho hội viên nhiều cây thuốc, nhiều bài thuốc quý; phát động người dân, nhất là các cơ sở Đông y giữ gìn, bảo vệ và phát triển cây thuốc quý, qua đây đã vận động trồng được 61 vườn thuốc nam. Vĩnh Phúc còn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cán bộ, bác sỹ học tập thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh...
Về công tác phòng, chống HIV/AIDS, hầu hết các cấp ủy ở cơ sở đã coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị. Công tác kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở được tập trung thực hiện. Đặc biệt, tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, công tác tư vấn cho khách hàng trước và sau xét nghiệm, đảm bảo tính bí mật cho bệnh nhân, tư vấn người bị nhiễm HIV dự phòng lây nhiễm tập trung vào nhóm có nguy cơ cao luôn được chú trọng. Từ năm 1995 đến hết 30/6/2011, toàn tỉnh có 2.190 người nhiễm HIV, trong đó, 1.006 người chuyển đã sang giai đoạn AIDS và 393 người tử vong do AIDS.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành Vĩnh Phúc đã kiến nghị với Trung ương có chế độ phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nghề nghiệp đối với người trực tiếp chăm sóc, điều trị, tiếp xúc với với người bị nhiễm HIV/AIDS; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền. Cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dự án phòng chống HIV/ AIDS; hỗ trợ kinh phí để nhân rộng các mô hình điểm về phòng chống HIV/AIDS.
Đoàn công tác đánh giá cao công tác phòng chống HIV/AIDS và tình hình hoạt động Hội đông y trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Vĩnh Phúc đã coi trọng công tác đào tạo cán bộ, tuyển dụng cán bộ ngành y tế gắn với đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở điều trị phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh. Tỉnh đã vận động các cơ sở điều trị phát triển nguồn dược liệu, nhất là xây dựng các vườn thuốc Nam... Đoàn công tác tiếp thu các kiến nghị của tỉnh, tổng hợp trình Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong thời gian tới./.
Nguyễn Trọng Lịch