Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5
(khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh Kiên Giang chăm lo bảo tồn, phát huy, phát
triển văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống tinh thần đồng bào
các dân tộc.
Kiên Giang hiện có 58.777 hộ dân tộc thiểu số, với 251.250 người, chiếm 14,5% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Khmer khoảng 51.000 hộ với 218.122 người, dân tộc Hoa 7536 hộ với gần 32.000 người, còn lại là các dân tộc khác như: Chăm, Tày, Nùng, Thái… Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Kiên Giang cho biết: Những năm qua, tỉnh tập trung chăm lo bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa của các dân tộc, qua đó phong trào văn hóa, văn nghệ trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Khmer, Hoa duy trì, phát huy bản sắc. Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang được đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động, dàn dựng nhiều chương trình, tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Một số huyện như: Gò Quao, Châu Thành, Giồng Riềng, Kiên Lương, Hòn Đất duy trì tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng dân tộc Khmer, nhất là trong những dịp lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc.
Đặc biệt, lễ hội Ok-Om-Bok tổ chức hàng năm tại huyện Gò Quao nâng lên thành Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch dân tộc Khmer cấp tỉnh. Lễ hội với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú sắc màu, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như: Liên hoan văn nghệ; hội chợ thương mại - triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; triển lãm tranh, ảnh, hiện vật phản ánh thành tựu kinh tế - xã hội văn hóa chung của tỉnh và đời sống kinh tế, văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer; thi đấu thể dục thể thao, đua thuyền truyền thống và đua ghe ngo… thu hút hàng chục ngàn người dân trong và ngoài tỉnh. Các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang sưu tầm, bảo tồn và phát huy.
Ông Danh Nhỏ, Trưởng ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, tỉnh đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trong đồng bào dân tộc về xóa mù chữ, nâng cao dân trí, thực hiện chương trình dạy song ngữ cho học sinh Khmer ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trường dân tộc nội trú và nhiều chùa Khmer. Các huyện Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên là những địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, duy trì thường xuyên việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, hơn 30 trường trong tỉnh có đông học sinh đồng bào dân tộc Khmer được học song ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các chùa tổ chức hàng trăm lớp dạy tiếng mẹ đẻ cho con em Phật tử đồng bào dân tộc Khmer trong dịp hè. Tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sách giáo khoa và hỗ trợ giáo viên là các vị sư, Àchar dạy tiếng Khmer. Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng chính tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình để sưu tập, nghiên cứu các giá trị văn hóa nghệ thuật, phong tục tập quán, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy. Các chùa Khmer, Hoa được tạo điều kiện trùng tu, sửa chữa khang trang phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức lễ hội của đồng bào dân tộc. Trong số này, 8 chùa có nhiều thành tích trong kháng chiến được hỗ trợ trùng tu, tôn tạo và đề nghị công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc văn hóa cấp tỉnh và quốc gia. Tỉnh còn quan tâm hỗ trợ xây dựng Chùa Phật Lớn (thành phố Rạch Giá), Tháp 4 sư liệt sĩ (huyện Châu Thành), xây dựng 48 lò hỏa táng, mua 8 dàn nhạc ngũ âm và sửa chữa, đóng mới hàng chục ghe ngo ở các chùa với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Chùa Thôn Dôn (thành phố Rạch Giá) và Trường Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang mở nhiều lớp dạy đánh nhạc ngũ âm cho con em đồng bào dân tộc Khmer.
Ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: Tỉnh thực hiện tốt chính sách văn hóa đối với tôn giáo và giao lưu văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng. Các ý tưởng hoạt động mang tính bác ái, hướng thiện được khuyến khích, phát huy và tích cực đấu tranh loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, chống lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để thực hiện ý đồ xấu của các thế lực thù địch. Hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ trong đồng bào dân tộc Khmer giữa Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong khu vực, trên cả nước và các tỉnh giáp biên giới với Vương quốc Campuchia đạt nhiều kết quả, qua đó góp phần tích cực giới thiệu văn hóa, con người Kiên Giang, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số ra bên ngoài, gắn với nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến phù hợp với văn hóa dân tộc.
Hiện nay, mức hưởng thụ văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn không ngừng được cải thiện và nâng lên. Các lễ hội truyền thống được duy trì và tổ chức chu đáo. Trên 85% số hộ dân tộc Khmer và 100% số hộ dân tộc Hoa ở tỉnh có phương tiện nghe nhìn. Chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng Khmer tăng thêm thời lượng và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, tỉnh thực hiện khá tốt việc cấp miễn phí một số loại báo, tạp chí cho các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các chùa và người có uy tín trong đồng bào dân tộc.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn phát huy, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc.
Theo ông Danh Ngọc Hùng, tỉnh huy động nhiều nguồn lực xã hội vào công tác bảo tồn, phát huy có hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số thông qua việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống và các giá trị văn hóa tiêu biểu khác trong đồng bào dân tộc. Tỉnh quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện cho các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số và xuất bản sách, sáng tác văn học, nghệ thuật bằng tiếng dân tộc. Tỉnh tiếp tục tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử đã được Nhà nước công nhận ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; p hát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; phát huy vai trò, uy tín của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và phát triển con người mới toàn diện trong đồng bào các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân./.
Theo TTXVN