Khoảng 150 hiện vật, tài liệu lịch sử về cải cách ruộng đất ở Việt Nam
sẽ được giới thiệu tới công chúng trong chương trình trưng bày chuyên đề
“Cải cách ruộng đất 1946-1957.” Chương trình chính thức khai mạc vào sáng 8/9 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo đó, nội dung trưng bày chuyên đề sẽ bao gồm hai chủ đề chính: “Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất” và “Cải cách ruộng đất 1946-1957.”
Cụ thể, ở nội dung thứ nhất, các tài liệu trưng bày sẽ giới thiệu tình
hình ruộng đất, đời sống địa chủ phong kiến và nông dân trước Cách mạng
tháng Tám năm 1945.
Chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất, quá trình thực
hiện cải cách ruộng đất, sửa chữa sai lầm và một số bài học kinh nghiệm…
sẽ được giới thiệu tới công chúng ở chủ đề thứ hai “Cải cách ruộng đất 1946-1957.”
Một số hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại chương trình trưng bày chuyên đề“Cải cách ruộng đất 1946-1957” như:
Đèn, ống điếu hút thuốc phiện của địa chủ đã dùng trước cải cách ruộng
đất; máy ngắm đo ruộng (địa chủ ở Thanh Hóa dùng đo ruộng trước cải cách
ruộng đất); thùng hai đáy của địa chủ dùng cho nông dân vay nặng lãi và
đòi nợ thóc gạo; thẻ thuế thân của người dân Việt Nam dưới thời thực
dân phong kiến…
Một bức ảnh tư liệu sẽ được giới thiệu tại chương trình trưng bày (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Những hiện vật được giới thiệu trong chương trình trưng bày lần này được
lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng ở
các địa phương (Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình) và một số
cơ quan lưu trữ nhà khác (như Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn
phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội…).
Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay, sau khi Cách mạng tháng Tám
thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương thực hiện cải cách ruộng
đất. Đây là một nhiệm vụ và nội dung cơ bản của cách mạng dân tộc dân
chủ nhân dân với mục đích xóa bỏ chế độ ruộng đất phong kiến, địa chủ,
thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng.”
Cải cách ruộng đất đã tạo ra chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và
xã hội: Quan hệ sản xuất ở nông thôn được đổi mới, sức sản xuất to lớn ở
nông thôn được giải phóng… Những kết quả này đã tạo điều kiện để Việt
Nam bước sang một giai đoạn mới trong việc phát triển kinh tế, văn hóa,
xã hội ở nông thôn; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).
“Chương trình trưng bày chuyên đề ‘Cải cách ruộng đất 1946-1957’
được tổ chức nhằm giúp công chúng tiếp cận với những tài liệu, hiện vật
gốc, có cách nhìn thực tiễn, khoa học, khách quan về cuộc vận động cải
cách ruộng đất trong tiến trình lịch sử dân tộc ở nước ta giai đoạn
1946-1957,” đại diện ban tổ chức cho biết.
Chương trình trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957” sẽ kéo dài đến tháng 12/2014./.
An Ngọc (Vietnam+)