Thứ Tư, 15/4/2015 9:44'(GMT+7)
Kiên Giang: Điệp khúc thiếu “nước ngọt sinh hoạt” tiếp tục tái diễn
(TG)-Vào mùa khô hàng năm, người dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thường thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhưng mùa khô năm nay, việc tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Một số địa bàn do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng “nước ngọt sinh hoạt” trong nhân dân.
Tại 2 xã đảo An Sơn và Nam Du (huyện đảo Kiên Hải) vào giai đoạn cao điểm này, nước ở những hồ chứa trên đảo gần như cạn đến đáy, trong khi đó thời tiết đang diễn biến hết sức phức tạp, dự báo đến cuối tháng 5 mới có mưa về. Người dân trên huyện đảo Kiên Hải đang trông chờ những cơn mưa trái mùa để giải hạn, tắm mát đất đảo và có nước sinh hoạt. Tại xã An Sơn, nguồn nước suối trên đảo khô cạn, nước mưa trữ lại trong các hộ gia đình cạn dần, đặc biệt nghiêm trọng là hồ chứa nước mưa thể tích 30.000 m³ (nguồn nước dự trữ duy nhất phục vụ đời sống nhân dân trên đảo) đã cạn trơ đáy, không còn nước cung cấp cho người dân. Người dân đã phải mua nước sinh hoạt từ nơi khác chuyển đến, với giá dao động 150.000 - 180.000 đồng/m³, tùy vào khoảng cách vận chuyển xa hay gần. Hiện nay, có 10 thuyền chở nước ngọt bán cho dân nhưng không đủ cung ứng cho 4.000 hộ dân với 10.000 nhân khẩu của 2 xã Nam Du và An Sơn. Bà con trên các xã đảo đang phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Chính quyền huyện đảo Kiên Hải đang có tờ trình gửi UBND tỉnh và Chính phủ hỗ trợ người dân trên đảo bằng việc hỗ trợ xây các hồ chứa nước ngọt. Trước mắt, kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho các hộ dân trên đảo số tiền chênh lệch giá nước để bảo đảm cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.
Tỉnh vừa có quyết định đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt ở xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải) có tổng dung tích trên 80.000 m3, với tổng mức đầu tư hơn 72,3 tỷ đồng. Dự án sử dung từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu khoảng 50 tỷ đồng, phần còn lại từ ngân sách tỉnh. Dự kiến, công trình hồ nước ngọt ở xã đảo Lại Sơn thuộc đảo Kiên Hải sẽ hoàn thành vào năm 2017. Đây sẽ là hồ chứa nước quy mô lớn thứ hai được xây dựng trên huyện đảo Kiên Hải, sau hồ chứa nước ở xã đảo An Sơn (xây dựng 1997). Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng sẽ đầu tư thêm một hồ chứa nước nữa tại Hòn Ngang thuộc xã đảo Nam Du. Chủ tịch UBND xã Lại Sơn, ông Đặng Tùng Long cho biết, Lại Sơn là đảo lớn nhất và có đông dân cư nhất huyện đảo Kiên Hải, việc có nước sạch sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động du lịch trên đảo.
Những ngày qua hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất, trạm lấy nước của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên cấp thoát nước Kiên Giang không thể lấy được nước ngọt để cung cấp cho người dân do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 10 km. 2 hồ chứa nước dự trữ 560.000 m3 cung cấp cho thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất đã sử dụng hơn 40% dung lượng nhưng vẫn chưa thu được nước ngọt ở sông. Công ty cấp thoát nước Kiên Giang buộc phải tiết giảm 30% công suất và cắt nước luân phiên ở các địa bàn ở thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất. Việc cúp nước liên tục đã khiến sinh hoạt của các hộ dân gặp nhiều khó khăn.
Đối với các huyện ven biển như: An Minh, An Biên, Kiên Lương, Hòn Đất và thị xã Hà Tiên, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt càng trở nên căng thẳng hơn. Ở địa bàn một số xã của huyện An Minh và An Biên, nước dưới sông, kênh rạch gần như cạn kiệt đến đáy không những gây thiếu nước mà còn gây khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của cư dân. Điển hình như trên tuyến đê quốc phòng thuộc ấp Ngọc Thuận, xã Đông Hưng A, huyện An Minh hơn 300 hộ dân sinh sống hàng ngày mỏi mòn chờ ghe vận chuyển nước ngọt đến để mua sử dụng, dù giá đổi nước hơn 50.000 đồng/m³.
Được biết, tỉnh đang khảo sát thiết kế, tập trung đầu tư ở những nơi đặc bịêt khó khăn về nước, trước mắt là xây dựng 2 nhà máy nước cho các xã ven biển ở hai huyện An Minh và An Biên. Cụ thể là từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới đầu tư dự án công trình nhà máy nước Thuận Hòa dẫn xuống Xẻo Nhàu, Đông Hưng B (An Minh) và dự án nước phục vụ cho 4 xã là Đông Hưng A, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây và Vân Khánh (An Biên). Khi hoàn thành, 2 nhà máy nước này hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 4.000 hộ, với hơn 10.000 dân, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu nước sử dụng trong mùa khô ở các xã ven biển huyện An Minh và An Biên./.
Kim Thư