Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 18/1/2016 14:40'(GMT+7)

Kiên Giang: Khởi công Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF). Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành, cùng với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông sẽ tạo thành tuyến trục dọc nối thông khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng, từ vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc 200 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long thực hiện, dự kiến thi công và hoàn thành trong 30 tháng. Quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, có hai làn xe, ngang 11 m, dài 53,3 km. Trong giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư mở rộng với quy mô đường cao tốc sáu làn xe, theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, bề rộng nền đường 33 m. Dự kiến tuyến đường này thực hiện trong thời gian 30 tháng và sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2018.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là tuyến đường chính đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đường bộ của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có chức năng quan trọng trong việc kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh khác cũng như Quốc lộ 1 (QL1). Cùng với các dự án trong khu vực, khi dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực ĐBSCL, góp phần tăng cường củng cố an ninh quốc phòng khu vực, đồng thời làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế là đường hành lang ven biển phía Nam nối liền Campuchia và Thái Lan”.

Trong tương lai, dự án sẽ trở thành tuyến trục dọc thứ hai (chuyển và giảm tải cho QL1) từ Củ Chi-thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến N2 kết nối tới cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, tạo nên một tuyến đường thuận tiện từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh miền Tây Nam bộ, đến Kiên Giang và Cà Mau; thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực ĐBSCL./.

Kim Thư


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất