Hướng dẫn cũng nêu rõ yêu cầu các sở, ban, ngành, đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và các lực lượng tuyên truyền biển, đảo từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên cập nhật nội dung, đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền bảo đảm sát đối tượng, sát thực tiễn và hiệu quả, quan tâm tới đối tượng học sinh, sinh viên, kiều bào của ta ở nước ngoài, tuyên truyền làm rõ lập trường, quan điểm chính nghĩa của Việt Nam về vấn đề biển, đảo với nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc;... các hình thức tuyên truyền phù hợp với đối tượng cụ thể để công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam đến được với các tầng lớp nhân dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; đặc biệt cần chú trọng phát huy lợi thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, có sức lan tỏa lớn như: internet, blog, các trang mạng xã hội (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài) để chuyển tải kịp thời quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề Biển Đông tới cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng vấn đề tranh chấp biển, đảo để xuyên tạc, kích động, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự. Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, phổ biến và giáo dục những kiến thức cơ bản, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước; các văn bản pháp luật về biển, đảo như Luật Biển Việt Nam, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên; Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) khi được thông qua và tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông. Đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đối ngoại làm cho bạn bè và dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam; những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông, tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế đối với Việt Nam... Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi hai mục tiêu chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Quốc Tuấn