Thứ Sáu, 29/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 3/3/2014 16:6'(GMT+7)

Phát triển y tế biển, đảo của Việt Nam đến năm 2020

Chuyển ngư dân gặp nạn từ tàu lên bờ. (Ảnh: TTXVN)

Chuyển ngư dân gặp nạn từ tàu lên bờ. (Ảnh: TTXVN)

Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 (gọi tắt là Đề án 317). 

Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển nhanh chóng triển khai thực hiện. 

Năm 2013, trên toàn tuyến biển, đảo Việt Nam, các cơ sở y tế đã tổ chức cấp cứu cho hơn 1.600 người; khám bệnh cấp thuốc điều trị cho hơn 32.000 lượt người; phẫu thuật cho 758 bệnh nhân; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 13.600 lượt người; tổ chức năm chuyến bay trực thăng cấp cứu an toàn cho bảy bệnh nhân nặng từ đảo về đất liền. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh vùng biển, đảo có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, cũng như quốc phòng an ninh của đất nước. 

Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” nhằm giúp người dân sinh sống và làm việc ở các vùng biển, đảo được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản, mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. 

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 317, trong năm 2014, các bộ, ngành và địa phương ven biển sẽ tập trung tổ chức, xây dựng các dự án thành phần. 

Bộ Y tế hướng dẫn các đơn vị xây dựng các trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển, đảo tại Viện Y học biển - Bộ Y tế (Hải Phòng), Bệnh viện Quân y 4 - Quân khu 4 (Nghệ An), Bệnh viện C Đà Nẵng - Bộ Y tế, Bệnh viện Quân y 87 - Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân (Khánh Hòa), Bệnh viện thuộc Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (Bà Rịa-Vũng Tàu), Bệnh viện Quân dân y 78 (Phú Quốc, Kiên Giang). 

Theo Bộ Y tế, qua một năm triển khai, việc thực hiện Đề án 317 gặp một số khó khăn như nguồn lực phục vụ cho hệ thống y tế biển, đảo không thiếu hụt nhiều về số lượng, nhưng cán bộ có kiến thức y học biển lại không nhiều, Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính không hướng dẫn việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho cư dân trên đảo. 

Do đó, việc triển khai cấp thẻ bảo hiểm cho 100% cư dân trên đảo và phương thức chi trả, giá dịch vụ y tế cho việc cấp cứu, vận chuyển trên biển gặp khó khăn. Hành lang pháp lý chưa đủ trong việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công dân bắt buộc phục vụ y tế biển, đảo và chính sách thu hút, ưu đãi với nhân viên y tế công tác trên biển đảo. 

Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo trường Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án thành lập bộ môn Y học biển, nhằm tăng cường cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ y tế biển, đảo trên toàn quốc. 

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất thành lập Bệnh viện Quân Dân y 78 từ cơ sở Đội điều trị 78 (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân); xây dựng đề án thành lập Trung tâm huấn luyện cấp cứu trên biển./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất