Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 8/9 cho biết: Bộ đã có báo cáo Thủ tướng về hoạt động vinh danh, cấp bằng chứng nhận của một số tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Qua đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan yêu cầu các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh trái pháp luật. Trước đó, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng liên quan đến việc này.
Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam không được cấp bằng, chứng nhận
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian qua, nhiều tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã tổ chức một số hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, di sản văn hóa như: Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng chứng nhận “Đền thiêng linh ứng đạt tiêu chuẩn văn hóa đền thờ Tam, Tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam”, bằng chứng nhận, tôn vinh “Phong tặng nghệ nhân ưu tú văn hóa dân gian trong nghi lễ chầu văn của người Việt”, công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, bằng chứng nhận “Tôn vinh nghệ nhân”.
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam là hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam công nhận “Cây di sản Việt Nam” và “Cây di sản”; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam là đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp bằng “Nghệ nhân văn hóa dân gian”; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cấp bằng “Công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” và tôn vinh “Nghệ nhân”...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Việc vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận các danh hiệu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nêu trên chưa được pháp luật quy định. Mặt khác, theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Điều lệ của các tổ chức: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam thì các tổ chức này không có chức năng, thẩm quyền vinh danh, cấp bằng như đã thực hiện. Tên gọi, tiêu chí, quy trình để chứng nhận, tôn vinh các danh hiệu trên hoàn toàn do các tổ chức trên tự đặt ra.
Liên quan đến Công văn số 932/BVHTTDL-TTr của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý việc chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân”, công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, “Cây di sản”, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị đối với nội dung Công văn số 932 của Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Để làm rõ hơn về việc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao đổi với Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo chính phủ. Theo Công văn số 4074/BNV-TCPCP ngày 1/8/2017 của Bộ Nội vụ thì căn cứ Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam không quy định việc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam được cấp bằng công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, bằng chứng nhận “Nghệ nhân dân gian”, bằng chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân”. Theo Công văn số 558/ TGCP-TGK của Ban Tôn giáo chính phủ, việc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng, chứng nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”, “Hệ thống đền đạt chuẩn đền thờ Tam phủ, Tứ phủ” tại một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là không thuộc quy định của pháp luật hiện hành.
Tôn vinh tự phát gây dư luận không tốt
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Việc tôn vinh một số đền, chùa miếu một cách tự phát, không đúng quy định của pháp luật, đối tượng tiếp nhận không thuộc diện điều chỉnh... nên gây hiểu nhầm và dư luận không tốt trong xã hội, giữa các đối tượng được Nhà nước trao tặng danh hiệu, công nhận, vinh danh và cấp bằng với các đối tượng do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp công nhận...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ: Một số trường hợp được vinh danh nghệ nhân không thông qua cơ quan quản lý tại địa phương, không được người dân và chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội giới thiệu; không ban hành tiêu chí xét tặng; không có hồ sơ khi tiếp cận một số di tích và nghệ nhân. Việc bảo trợ di tích với một số chùa đã được xếp hạng di tích quốc gia; di tích cấp tỉnh, thành phố không rõ nội dung bảo trợ. Đáng lưu ý, một số điện thờ, đền tư gia tự xây, không có giá trị kiến trúc nghệ thuật, đồ thờ được làm mới và không gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử nhưng vẫn “đạt chuẩn” và “linh thiêng”. Ví dụ: Đền Giáp Đàm ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; đền Hồng Sơn ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội; chùa Thực Khánh, chùa Long Mỹ, chùa Miếu Môn, chùa Duyên Ứng ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố nhưng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam lại cấp bằng chứng nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn nêu hiện tượng thu tiền của các đơn vị, cá nhân được chứng nhận, tôn vinh dưới hình thức kinh phí hỗ trợ gắn biển “Việt Nam linh thiêng cổ tự”; kinh phí hỗ trợ biểu tượng “Đạo đức toàn cầu UNESCO”. Trên một số bằng chứng nhận, tôn vinh do ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch ký có ghi kiêm Tổng thư ký UNESCO thế giới, nhưng trên thực tế ông Nguyễn Xuân Thắng là Tổng thư ký Liên hiệp các câu lạc bộ, trung tâm và các hội UNESCO thế giới.
Do vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Việc chứng nhận, tôn vinh nói trên của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã vi phạm các quy định của pháp luật về thi đua - khen thưởng, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.
Đồng thời khẳng định, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 932/BVHTTDL-TTr để chấn chỉnh việc chứng nhận, tôn vinh trái luật của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch; đúng thẩm quyền theo pháp luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp nêu trên chấn chỉnh việc công nhận, tôn vinh, vinh danh trái quy định của pháp luật…
(TTXVN)