Các đài truyền hình, hệ thống phát thanh tăng cường tần suất, thời
lượng phát sóng từ tỉnh đến xã, phường về diễn biến của bão, kèm theo
công điện chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh để người dân
chủ động thực hiện
"Bố trí, sắp xếp, kiểm tra, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền neo đậu
tại các khu tránh trú bão, tránh va đập làm hư hỏng hoặc chìm như đã
xảy ra trong các trận bão trước. Những phương tiện tàu, thuyền khác và
các ghe phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân phải kiên quyết chỉ
đạo di chuyển sâu vào phía trong sông, kênh, rạch neo đậu hoặc kéo lên
bờ đảm bảo an toàn và không để người dân nào trên các tàu, thuyền khi
bão đổ bộ. Kiểm soát, đôn đốc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm
kiếm cứu nạn các tỉnh có tỷ lệ di dời dân thấp phải thực hiện nghiêm túc
việc di dời dân đến nơi an toàn trong trưa 25/12".
Đây là chỉ đạo của ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng chống thiên tai tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng chống thiên tai ứng phó với bão số 16, sáng 25/12 tại Hà
Nội.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu kiểm tra tình hình ứng phó với bão và
đảm bảo an toàn về người và tài sản trên đảo, các nhà giàn, huy động
lực lượng hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch lúa, hoa màu, cây ăn
trái, thủy sản để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra; gia cố và di
chuyển hoặc chủ động làm chìm lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trước khi
bão đổ bộ; đồng thời đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ hiệu quả công
tác chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ gây ra.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo việc lập Sở Chỉ huy ứng phó với bão
số 16 tại tỉnh Cà Mau, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Bên cạnh đó, các đài truyền hình, hệ thống phát thanh tăng cường tần
suất, thời lượng phát sóng từ tỉnh đến xã, phường về diễn biến của bão,
kèm theo công điện chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh để
người dân chủ động thực hiện
Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các nhà mạng tổ chức nhắn tin dự
báo bão và cảnh báo bão cho các thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng đặc
biệt tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.
Các địa phương tăng cường lực lượng để đảm bảo an ninh, trật tự tại nơi
sơ tán dân đi và đến, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn nhất là tại các khu vực
trọng điểm; triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hệ thống đê
biển đặc biệt là 5 công trình đang thi công dở dang và 23 công trình
trọng điểm xung yếu.
Tùy theo diễn biến, tác động của bão và mưa lũ, các tỉnh chủ động cho học sinh nghỉ học.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành
phố vùng ảnh hưởng của bão đã ban hành các công điện, văn bản; tổ chức
họp, phân công công tác chuẩn bị ứng phó với bão và hoàn thành việc tổ
chức cấm biển từ 16 giờ ngày 23/12.
Theo báo cáo, đến sáng 25/12, lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn
cho 69.121 phương tiện/343.169 người biết diễn biến, hướng di chuyển
của bão để chủ động phòng tránh, trong đó neo đậu tại bến 62.606
tàu/309.079 người; khu vực quần đảo Trường Sa 16 tàu/169 người; hoạt
động ở các vùng biển khác 6.498 tàu/33.915 người. Số tàu xin vào tránh
trú bão tại Malaysia và Thái Lan là 216 tàu/1.504 người.
Các địa phương đã thông báo cho 4.096 lồng, bè nuôi trồng thủy sản/7.534
người gồm Bà Rịa-Vũng Tàu 357 lồng, bè/1.076 lao động; Ninh Thuận 831
lồng, bè/230 lao động; Khánh Hòa 2.077 bè/6.220 lao động; Bình Thuận 831
lồng/8 lao động.
15/19 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch di dời tổng số 1.168.137 người.
10/15 tỉnh đã tổ chức di dời, trong đó 8 tỉnh đã di dời được 74.259
người gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà
Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương, Cà Mau, Hậu Giang. 5 tỉnh chưa tổ
chức di dời gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long,
Đồng Tháp.
7/19 tỉnh, thành phố đã thực hiện chằng chống nhà cửa với tổng số:
43.649/404.667 nhà gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc
Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long.
Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh
nghỉ học từ chiều 25/12 đến hết ngày 26/12; tùy theo diễn biến của bão
sẽ có chỉ đạo tiếp theo.
Rạng sáng 25/12, bão số 16 sau khi ảnh hưởng trực tiếp đã vượt qua khỏi huyện đảo Trường Sa.
Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh trước và trong bão nên
tại các đảo ở huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ và người dân được
đảm bảo an toàn.
Các lực lượng Hải quân đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ngư dân sống
trên các đảo cũng như ngư dân vào tránh trú bão; trong đó có nhiều tàu
cá và ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tàu
đã được đưa lên đảo, bố trí nơi tránh trú an toàn và được chăm sóc y tế,
cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết.
Đến khoảng 9 giờ ngày 25/12, tại khu vực huyện đảo Trường Sa, gió đã
giảm xuống cấp 5-6, sóng biển giảm xuống, cao từ 2 đến 3 mét, mưa đã
tạnh./.
(TTXVN)