Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 15/12/2017 10:0'(GMT+7)

Nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần hỗ trợ cuộc sống người dân

Mặc dù những khoản kinh phí cho từng dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài không lớn nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, người nghèo ở các vùng miền núi, nông thôn, thành thị… hướng đến đảm bảo sinh kế cho một bộ phận người dân, phát triển an sinh xã hội, đặc biệt là giúp thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước. 

Góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân 


Về Phú Thọ, chúng tôi tìm đến Trạm y tế Nông Trang – Seegene tại phường Nông Trang, thành phố Việt Trì. Dự án có hạ tầng được xây mới từ nguồn kinh phí 5,7 tỷ đồng do Tổ chức Good People International (GPI) vận động Công ty dược Seegene, Hàn Quốc tài trợ. Trạm y tế với không gian rộng rãi, sạch sẽ gồm 1 phòng hội trường, 8 phòng chức năng, 6 giường bệnh, phục vụ hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu, theo dõi sức khỏe định kỳ, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh… 

 Y sỹ Quách Văn Lương, cán bộ Trạm y tế hào hứng chia sẻ, trước đây, nơi này là trường mầm non của phường. Được cải tạo lại từ các lớp học nên tất cả các phòng chức năng đều không đạt chuẩn của Bộ Y tế. Thêm vào đó, trải qua năm tháng, Trạm y tế xuống cấp, dột nát, ẩm mốc, không đủ điều kiện duy trì khám chữa bệnh cho nhân dân. Từ tháng 8/2017, khi đi vào hoạt động trở lại, 5 cán bộ của Trạm y tế Nông Trang bận rộn hơn trước nhiều. Bệnh nhân đến Trạm khám ban đầu, cấp cứu, tiêm phòng ngày càng đông. Trước kia chỉ từ 6-7 bệnh nhân, nay trạm xá tiếp nhận trung bình 15-20 bệnh nhân/ngày. Ngoài ra, công tác tiêm chủng cũng được Trạm triển khai thường xuyên. 

Gặp bác Nguyễn Thị Minh, khu 4, phường Nông Trang, đang đưa cháu trai 2 tuổi đến khám tai mũi họng tại Trạm y tế. Trước đây, dù bệnh nặng hay nhẹ, bản thân bác và người nhà thường xuyên lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khám chữa bệnh do có tâm lý “ tuyến trên” vả lại “ hồi trước, trạm y tế này nhỏ, xuống cấp, trang thiết bị không có gì nên gia đình tôi không tin tưởng”. Từ khi được xây mới, Trạm y tế Nông Trang là địa chỉ khám chữa bệnh quen thuộc của gia đình bác Minh. Bác khoe: “Giờ tôi yên tâm lắm, đêm hôm trẻ nhỏ có vấn đề gì tôi đưa ra Trạm khám và lưu trú qua đêm, gia đình đỡ vất vả”. 

Cũng như bác Minh, bác Lê Quang Liêm, tổ 40, khu 4, phường Nông Trang, phấn khởi cho biết: “Từ nay chúng tôi không còn phải vất vả lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để khám, chữa các bệnh thông thường. Người già và trẻ nhỏ yên tâm hơn vì trạm xá rất gần và luôn có nhân viên y tế trực 24/7. Trang thiết bị của Trạm lại hiện đại, có cả máy siêu âm chuyên dụng”. 

Bác Lê Quang Liêm cùng những người dân sinh sống quanh khu vực Trạm y tế thường động viên các y bác sỹ của Trạm, đồng thời luôn dặn nhau cùng giữ gìn, bảo quản tốt cơ sở vật chất, hạ tầng của Trạm y tế. 

Cầu nối tình hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc 


Vinh dự là công trình đầu tiên do Quỹ kỷ niệm phát triển Kim Manduk tài trợ xây dựng tại Việt Nam, Trường Trung học cơ sở Vân Phú – Manduk thuộc thành phố Việt Trì được khởi công xây dựng từ tháng 7/2011 và khánh thành, đưa vào sử dụng tháng 5/2012. Cô Nguyễn Thị Hồng Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngôi trường rộng 13.000m2, gồm 2 dãy nhà hai tầng, 16 phòng học đủ các bộ môn và phòng chức năng. Toàn bộ hệ thống cảnh báo như báo cháy, báo khói… được trang bị đầy đủ, đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường học tập. Hiện tại, Trường Trung học cơ sở Vân Phú – Manduk là một trong những trường có cơ sở hạ tầng hiện đại nhất Phú Thọ, áp dụng phương pháp dạy và học đổi mới giúp tác động tích cực đối với chất lượng đào tạo học sinh. 

Là ngôi trường được Quỹ kỷ niệm phát triển Kim Manduk tài trợ nên hoạt động giao lưu quốc tế của Trường Trung học cơ sở Vân Phú - Manduk luôn được chú trọng. Trong 5 năm qua, Trường đã tiếp đón nhiều đoàn công tác từ tỉnh tự trị Jeju, nơi Hiệp hội Kim Manduk hoạt động. Đáp lại, được sự giúp đỡ của Hiệp hội Kim Manduk, nhà trường đã tổ chức một đoàn cán bộ giáo viên và học sinh gồm 15 người sang giao lưu văn hóa, giáo dục tại Trường Trung học cơ sở Jeju Jeil- ngôi trường kết nghĩa với trường Vân Phú - Manduk. Chuyến giao lưu đầy ý nghĩa đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân Hàn Quốc. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, hai bên thống nhất trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác giáo dục qua mạng điện tử. 

Ngày 15/11, Hiệp hội Kim Manduk đã có chuyến thăm Trường Trung học cơ sở Vân Phú - Manduk. Các thành viên trong đoàn rất vui mừng vì ngôi trường được giữ gìn sạch đẹp, được trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan xanh mát. Nhân dịp này, Hiệp hội đã tặng cho học sinh nhà trường 70 chiếc xe đạp mới, trị giá 135 triệu đồng. Đây là động lực để các em cố gắng hơn nữa trong học tập. Sau chuyến thăm này, Trường Trung học cơ sở Vân Phú – Kim Manduk tiếp tục ký Biên bản ghi nhớ với Hội cựu sinh viên Trường Đại học Hanyang của Hàn Quốc tại Hà Nội nhằm tạo thêm phúc lợi cho học sinh, giúp phát triển nhà trường. 

Hào hứng chia sẻ với chúng tôi, em Hoàng Đức Triều, lớp 9A Trường Trung học cơ sở Vân Phú - Manduk cho biết: “Em rất vui khi được học trong một ngôi trường khang trang, với nhiều trang thiết bị, giáo cụ hiện đại. Em đã viết thư gửi các học sinh Trường Trung học cơ sở Jeju Jeil để bày tỏ lòng cảm ơn và kết bạn, giao lưu với các bạn”. Triều nhận được phần thưởng của Hiệp hội Kim Manduk là một chiếc xe đạp do đạt thành tích xuất sắc trong phong trào đội và trong học tập. Em đã dùng chiếc xe đạp để đến trường hàng ngày. 

Là một trong những bạn nhỏ tự tay chăm sóc vườn hoa trong khuôn viên nhà trường, em Nguyễn Thu Trang, lớp 7A cho biết, em sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập để trở thành cô giáo, được dạy học tại ngôi trường Vân Phú – Manduk. Trang cũng viết thư tới các bạn học sinh Hàn Quốc, mời các bạn đến thăm ngôi trường xinh đẹp và xanh mát này. 

Góp phần tạo sinh kế cho người dân 

Thoăn thoắt xếp những cành rau mồng tơi xanh mướt vào túi bảo quản, chị Nguyễn Thị Hữu, 41 tuổi ở khu 21, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao hồ hởi chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi vào Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã từ khi nơi này mới thành lập năm 2015. Từ đó đến nay, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ 4 sào rau chứ không phải là từ 7 sào ruộng cấy và 200 con rắn thương phẩm như ngày trước. Vào đây, tôi được cán bộ Hợp tác xã tập huấn cách trồng rau an toàn, lịch phun thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng sản phẩm cây trồng. Mọi quy trình đều được cán bộ Hợp tác xã kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đến kỳ thu hoạch, Hợp tác xã đảm bảo đầu ra cho tất cả nông sản của gia đình tôi với giá cả ổn định. Nhờ vậy, nguồn thu nhập của gia đình tăng lên, cuộc sống đảm bảo”. 

Chỉ cho chúng tôi những cánh đồng rau xanh mướt ngút tầm mắt, những giàn bí, bầu, lặc lè lúc lỉu quả, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Nguyễn Văn Nghĩa vui mừng cho biết: Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã được thành lập vào tháng 12/2015 với sự tham gia của 57 thành viên, sản xuất rau an toàn trên diện tích 5 ha. Từ đầu năm 2016, Veco Việt Nam (thành viên của Vredeseilanden, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Vương quốc Bỉ, chuyên hỗ trợ các nông hộ nhỏ thực hiện vai trò của họ trong công cuộc giảm nghèo nông thôn và góp phần cung cấp thực phẩm một cách bền vững) đã hộ trợ Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã. Theo đó, nông dân tham gia Hợp tác xã được tập huấn triển khai thiết lập và vận hành Hệ thống Cùng tham gia đảm bảo chất lượng sản phẩm (PGS) cho rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn BasicGAP (phiên bản đơn giản của VietGAP). 

Hiện nay, Hợp tác xã có thể cung ứng khoảng 9 -10 tấn rau/tháng trong vụ hè và 6-7 tấn rau/tháng khi vào vụ đông. 

Đầu năm 2017, Hợp tác xã rau an toàn Tứ Xã đã bắt đầu cung ứng nông sản cho hệ thống siêu thị Vinmart của Tập đoàn Vingroup với nhiều chủng loại rau như: Mồng tơi, mướp hương, mướp đắng, bầu, su su và một số loại rau gia vị. Đến nay, Hợp tác xã đảm bảo cung ứng ra thị trường khoảng 700 kg nông sản mỗi ngày. Thu nhập của người nông dân từ nông sản tăng lên gấp đôi. 

Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Nghĩa khẳng định, để có được thành công như hôm nay, tất cả đều nhờ vào sự biến chuyển từ nhận thức của người nông dân tham gia Hợp tác xã. Từ những người nông dân quen với tập quán canh tác truyền thống, đua nhau trồng rau màu theo phong trào, nay họ đã được định hướng những nông sản có chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Họ được tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn, nghiêm túc áp dụng trên đồng ruộng của mình bởi “Nếu cán bộ Hợp tác xã giám sát, phát hiện quy trình sản xuất rau không được áp dụng triệt để, tất cả nông sản ở ruộng đó sẽ không được Hợp tác xã thu mua”, anh Nghĩa nói. 

Những cánh đồng rau trước đây chỉ là nguồn thu nhập phụ cho các hộ nông dân nay lại trở thành nguồn thu nhập chính, nguồn sinh kế của nông dân Tứ Xã đã ổn định, cuộc sống thay đổi từng ngày. 

Trong 5 năm qua, nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống, cơ hội học tập cho người dân nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa. Đó là những dự án, công trình mang giá trị không lớn về vật chất nhưng đậm đà tình người, thể hiện sự quan tâm của bạn bè quốc tế tới Việt Nam./. 

Thu Phương/TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất