Thứ Năm, 19/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 5/12/2019 13:0'(GMT+7)

Kiên quyết khắc phục lối phê bình dung tục, cực đoan, quy chụp trong đời sống văn nghệ

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Ngày 5/12, tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng) và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự, phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng; Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì Hội thảo.

Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học quan trọng trong năm 2019 của Hội đồng, được tiến hành vào thời điểm Đảng ta đang chỉ đạo tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tổng kết hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; tích cực chuẩn bị nội dung các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ cùng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cùng bàn thảo, phân tích, làm rõ thực trạng cùng nguyên nhân, từ đó đề ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của phê bình văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn nghệ Việt Nam trong tình hình mới.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA PHÊ BÌNH TRONG ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ

Hơn 70 tham luận gửi đến Ban Tổ chức cùng các ý kiến phát biểu, trao đổi trực tiếp tại Hội thảo, hầu hết đều thống nhất đề cập đến vai trò của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Các tham luận đã khẳng định, đời sống phê bình văn học, nghệ thuật đang vận động với diện mạo phong phú, đa dạng, đan xen cả ưu điểm và hạn chế, chứa đựng nhiều vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến sự vận động, phát triển của nền văn học, nghệ thuật hiện tại và tương lai.

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng trong thời gian qua, phê bình văn học, nghệ thuật đã đạt được những kết quả khả quan và có những đóng góp đáng ghi nhận. Đó là việc cố gắng nắm bắt, giới thiệu đến công chúng các tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, đáp ứng phần nào nhu cầu tiếp nhận thẩm mỹ ngày càng đa dạng, phong phú của công chúng. Các nhà phê bình đã quan tâm lý giải, dự báo, cổ vũ những xu hướng phát triển lành mạnh, đúng đắn, đồng thời cảnh báo, đấu tranh với các xu hướng, quan điểm sai trái, cực đoan trong đời sống văn học, nghệ thuật. Trên cơ sở nền tảng lý luận được đa dạng hóa, tư duy phê bình đã có những vận động theo hướng dân chủ, rộng mở, tự do và linh hoạt hơn, cơ bản khắc phục được lối phê bình xã hội học thô sơ, cứng nhắc, chú ý đầy đủ hơn đến những phương diện đặc trưng, bản chất của nghệ thuật.

Nhiều đại biểu cho rằng, từ khi đổi mới và hội nhập, các lý thuyết nghệ thuật trên thế giới có cơ hội được phổ biến, tiếp thu và vận dụng rộng rãi ở Việt Nam, đang phát huy ảnh hưởng, tác động sâu sắc tới tư duy nghiên cứu, hoạt động sáng tạo, tiếp nhận và thưởng thức văn học, nghệ thuật trong đó có phê bình…

Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn và kết quả tích cực đã đạt được, phê bình văn học, nghệ thuật cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, đồng thời xuất hiện những vấn đề mới rất đáng lo ngại. Một số tham luận tại Hội thảo đã chỉ ra tình trạng thiếu hụt về đội ngũ phê bình chuyên tâm, có nghề, có chính kiến và trách nhiệm vẫn chưa được khắc phục và ngày càng đáng lo ngại. Ở một số ngành nghệ thuật, số lượng các nhà phê bình có trình độ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và đang đứng trước nguy cơ có thể sẽ hoàn toàn vắng bóng. Trong khi đó, công tác đào tạo đội ngũ kế cận đang gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở đào tạo ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đang phải đối diện với bài toán nan giải và áp lực không thể tiếp tục duy trì mã ngành.

Sự thiếu hụt về đội ngũ chuyên nghiệp dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa đang ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực phê bình văn học, nghệ thuật. Trong đời sống phê bình văn học, nghệ thuật xuất hiện nhiều bài viết điểm bình, khen, chê cảm tính, dễ dãi, “dĩ hòa vi quý”, không có căn cứ khoa học và thiếu thuyết phục, đặc biệt là ở khu vực phê bình báo chí. Tình trạng “cánh hẩu”, thậm chí người viết bị chi phối bởi mặt trái của cơ chế thị trường, sẵn sàng viết bài “PR” cho các tác giả, tác phẩm vì thân quen, lấy lòng, vì mục đích kinh tế đang có chiều hướng gia tăng.

Thông qua sự phán xét của lý trí, sự rung động của khiếu cảm thụ, sự đồng điệu của tâm hồn và nhu cầu sẻ chia…, phê bình không chỉ đơn giản là phát hiện, khen chê, mà còn hướng tới chủ thể sáng tạo, tới công chúng tiếp nhận, tới chiều hướng vận động và phát triển của tiến trình văn học, nghệ thuật tới mục tiêu hoàn thiện xã hội và cuộc sống.

Một số ý kiến cho rằng phê bình hiện nay đang rơi vào tình trạng loạn chuẩn, thiếu chuẩn và lệch chuẩn… Điều này khiến cho phê bình chưa đảm đương tốt vai trò định hướng của mình, nhất là trong hoàn cảnh thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật của chúng ta, dưới các tác động có tính quy luật của nhiều yếu tố, đang không ngừng vận động và phát triển với nhiều khuynh hướng đa dạng, nhiều phẩm chất cách tân, nhiều tìm tòi phát hiện không chỉ mời gọi mà còn thách đố phê bình.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phan Trọng Thưởng trình bày Báo cáo Đề dẫn Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Trên cơ sở phân tích thực trạng, tại Hội thảo, các tham luận ở những bình diện và cấp độ khác nhau đã phân tích, lý giải những nguyên nhân cơ bản tác động, ảnh hưởng đến vai trò định hướng hoạt động thực tiễn và sáng tạo của phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay. Các ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp khẳng định, những năm qua, chúng ta đang thiếu một hệ thống lý luận chuẩn mực, thiếu hệ thống tiêu chí đánh giá tin cậy làm thước đo cho phê bình văn học, nghệ thuật. Ngoài ra, cơ chế kinh tế thị trường với những mặt trái cố hữu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nghề nghiệp, khiến không ít các cây bút phê bình đã không còn giữ được tâm huyết, ý thức trách nhiệm của mình đối với sự phát triển lành mạnh của nền văn nghệ nước nhà. Đồng thời, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội đang ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc, làm thay đổi phương thức sáng tạo, quảng bá, tiếp nhận, tạo ra áp lực lớn đối với vai trò định hướng, làm triệt tiêu không khí đối thoại, tranh luận học thuật của phê bình văn học, nghệ thuật nếu không được quản lý tốt. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và có những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời về phát triển phê bình văn học, nghệ thuật, nhưng nhận thức và hành động của nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp còn nhiều hạn chế, bất cập, còn thiếu sự quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các quan điểm, nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu, khiến cho cơ chế, chính sách hoặc thiếu, hoặc đã lạc hậu, không còn phù hợp, chưa tạo được động lực đủ lớn, thậm chí còn cản trở sự phát triển của phê bình văn học, nghệ thuật.

Cùng với những kiến nghị, đề xuất liên quan đến cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, chế độ chính sách… nhằm phát huy vai trò của phê bình trong đời sống văn nghệ, các đại biểu đều thống nhất quan điểm: Trong bối cảnh đời sống xã hội và văn học đang cùng lúc tồn tại nhiều xu hướng, khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật và thẩm mỹ khác nhau, trong đó không ít những  biểu hiện cực đoan, sai trái, lệch lạc, những động cơ thiếu trung thực, đi ngược lại xu thế tiến bộ và nhân văn, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và nhân dân thì tinh thần đối thoại, tính thuyết phục, bản lĩnh và tính chiến đấu của phê bình cần được trau dồi, củng cố và khích lệ.

TỰ DO SÁNG TÁC PHẢI GẮN LIỀN VỚI TỰ DO PHÊ BÌNH

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định: phê bình là một lĩnh vực, một bộ môn có vai trò rất quan trọng trong sự vận động, phát triển của văn nghệ nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Có thể xem phê bình văn học, nghệ thuật là “cánh chim song đôi”, là người bạn đồng hành để thấu hiểu, đồng cảm, góp phần điều chỉnh, định hướng cho sáng tác. Đồng thời, phê bình cũng là cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, tác động sâu sắc đến sự lựa chọn thẩm mỹ của công chúng văn nghệ. Trải qua lịch sử hình thành và phát triển với nhiều bước thăng trầm, phê bình văn học, nghệ thuật hiện đại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và dấu ấn, tác động tích cực đến hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, đến thị hiếu, nhu cầu và trình độ thẩm mỹ của công chúng, đến công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn nghệ yêu nước và nhân văn, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: Từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta luôn quan tâm và tạo điều kiện cho sự phát triển lĩnh vực đặc thù này. Bước vào thời kỳ Đổi mới, ngay sau khi có Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI vào năm 1987, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 52-CT/TW, ngày 8/6/1989 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật. Từ đây, trong nghị quyết của các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc và các nghị quyết chuyên đề về văn hóa, văn nghệ, như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, và gần đây nhất là Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: phát triển phê bình là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.

“Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang có vẻ trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Trong khi những bất cập và hạn chế từ lâu còn tích tụ chưa được giải quyết thì thực tiễn lại đang xuất hiện những vấn đề mới, phức tạp, khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh,… diễn ra từ nhiều năm qua, đã được chỉ ra, nhưng các giải pháp khắc phục chưa thật sự hiệu quả”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, để nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật, chắc chắn không thể không bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp. Phê bình văn học, nghệ thuật là công việc khó khăn, nhọc nhằn, đòi hỏi người làm nghề phải hội tụ, kết tinh được cả tư duy khoa học và nghệ thuật, trí tuệ và cảm xúc, thật sự nhạy bén và có bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận diện, đánh giá đúng và trúng những vấn đề đang diễn ra và dự báo xu hướng vận động trong đời sống văn nghệ.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: cần thực hiện tốt hơn nữa yêu cầu tự do sáng tác phải gắn liền với tự do phê bình. Cần củng cố và phát huy không khí phê bình lành mạnh, dựa trên tinh thần tôn trọng khác biệt và đối thoại, tranh luận dân chủ, khách quan, trung thực về mọi vấn đề đặt ra trong đời sống văn nghệ. Kiên quyết khắc phục lối phê bình dung tục, cực đoan, quy chụp, nhưng đồng thời cũng cần khẩn trương ngăn chặn tình trạng nể nang, né tránh, khen chê cảm tính, hời hợt trong phê bình. Xuất phát từ tính chất đặc thù của công việc phê bình văn học, nghệ thuật, chúng ta mong đợi và đòi hỏi cao nhưng không khắt khe, định kiến, mà cần bao dung, kiên nhẫn, ngay cả với thất bại của một số cây bút viết phê bình, nhất là với những nhà phê bình trẻ.

“Cho đến nay, chắc không còn mấy người có thể sống thuần túy bằng nghề viết phê bình văn học, nghệ thuật. Đó là sự thật mà chúng ta buộc phải đối diện, không thể né tránh”, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu, đồng thời mong muốn: trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, các nhà phê bình hãy tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của phê bình văn học, nghệ thuật. Nhiệm vụ nặng nề ấy đòi hỏi các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, am hiểu sâu sắc hơn nữa thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng…

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Hơn bao giờ hết, mỗi văn nghệ sỹ cần nêu cao ý thức trau dồi bản lĩnh chính trị, đề cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật như: phủ nhận thành tựu văn nghệ cách mạng, đòi thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, đề cao và cổ súy những khuynh hướng sáng tạo không phù hợp với thực tiễn hiện nay và truyền thống văn hóa dân tộc...

TIẾP TỤC NÂNG CAO NHẬN THỰC VỀ VAI TRÒ CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Trên cơ sở các ý kiến tham luận, Hội thảo đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật, trong đó có công tác phê bình. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của văn học, nghệ thuật nói chung, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, thống nhất và nâng cao nhận thức về đặc trưng, vị trí, vai trò, chức năng của phê bình văn học, nghệ thuật. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật cần kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng xem nhẹ vai trò của phê bình, có biện pháp tích cực, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ phê bình hoạt động thực chất và hiệu quả.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: HMT)

Thứ hai, tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật. Tập trung rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành lý luận, phê bình; khôi phục và đổi mới cơ chế đào tạo ngành lý luận, phê bình, hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy theo hướng toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại.

Cần quan tâm, tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho các cây bút lý luận, phê bình được đào tạo bài bản ở các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan báo chí văn nghệ phát huy sở trường, năng lực chuyên môn; liên kết, tập hợp lực lượng, tạo diễn đàn riêng cho các cây bút phê bình văn học, nghệ thuật công bố kết quả nghiên cứu, trao đổi, đối thoại, tranh luận học thuật cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động nghề nghiệp.

Thứ ba, tập trung tối đa nguồn lực để sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam đã được đề ra trong các văn kiện quan trọng của Đảng. Mục tiêu của nhiệm vụ hướng tới xây dựng được hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam khoa học, hiện đại, nhân văn và giàu bản sắc trên cơ sở kiến thức tinh hoa lý luận của cha ông và tiếp thu có chọn lọc lý luận của thế giới. Đây là cơ sở nền tảng để phê bình văn học, nghệ thuật phát triển và phát huy tốt vai trò định hướng hoạt động thực tiễn và hoạt động sáng tạo.

Thứ tư, tiếp tục phát huy tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật. Các hội chuyên ngành Trung ương và hội văn học, nghệ thuật địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo của các nhà phê bình văn học, nghệ thuật. Mặt khác, mỗi nhà phê bình cần trau dồi bản lĩnh, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, không ngừng tích lũy và nâng cao kiến thức, nhất là kiến thức văn hóa, văn nghệ gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn, tự làm giàu trí tuệ, năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề./.

Hoàng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất