Thứ Ba, 24/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 12/6/2013 8:44'(GMT+7)

Kinh nghiệm bước đầu trong công tác thi đua khen thưởng ở Hà Nội

Hội nghị biểu dương điển hình và lao động tiêu biểu ngành xây dựng, Hà Nôi 7/6/ 2013

Hội nghị biểu dương điển hình và lao động tiêu biểu ngành xây dựng, Hà Nôi 7/6/ 2013

Thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW, ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, đầy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của thành phố Hà Nội tiếp tục được quan tâm, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, xin được nêu ra một số kinh nghiệm thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng của thành phố Hà Nội

Nâng cao chất lượng phong trào thi đua do Thành phố phát động kết hợp khuyến khích các ngành, các cấp tổ chức các phong trào riêng, đặc thù, các mô hình mới

 Kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức thi đua thường xuyên với các phong trào thi đua chuyên đề, thi đua theo đợt nhằm đa dạng hoá hình thức tổ chức thi đua, động viên sự tham gia của toàn xã hội. Chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch với mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp tổ chức cụ thể. Tập trung tổ chức thi đua điểm ở từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để rút kinh nghiệm và nhân rộng cách làm hiệu quả. Tổ chức các phong trào thi đua đặc thù toàn thành phố có sức lan tỏa như phong trào: “Người tốt, việc tốt”; “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”… Bên cạnh đó, chỉ đạo các cụm, khối thi đua sơ kết gắn với hội thảo, trao đổi chuyên đề của từng đơn vị về phát hiện, nhân điển hình tiên tiến, xây dựng các mô hình mới. Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành phát động các phong trào gắn với đặc thù của đơn vị, với các mô hình hay, cách làm sáng tạo theo đặc thù của các ngành, các cấp như: thi đua xây dựng “Gia đình an toàn, thôn xóm an toàn, đơn vị an toàn không để xảy ra các vụ việc gây mất an toàn trật tự” của MTTQ các cấp; phong trào ba sạch “Sạch bếp - sạch nhà - sạch ngõ" và “ngày chủ nhật không túi ni lông” của các cấp Hội phụ nữ; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Cưới trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm; việc tang văn minh, tiến bộ” của các cấp, các ngành Thành phố; phong trào “Tôi yêu Hà Nội” của tuổi trẻ Thủ đô; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Học sinh Thủ đô nhường một phần quà sáng cho các bạn học sinh nghèo” của ngành Giáo dục Thủ đô; “Cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô Trung thành - Tận tụy - Kỷ cương - Sáng tạo vì Thủ đô bình yên” của Công an Thành phố; “Cựu chiến binh Thủ đô giúp nhau xóa đói giảm nghèo” của Cựu chiến  binh Thành phố; “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng”, “Cuộc vận động hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” của ngành Công Thương, phong trào“Thi đua vì một nền nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”; “Hợp tác xã Thủ đô tiên phong xóa đói, giảm nghèo”; “Hiến đất mở rộng đường làng ngõ xóm”; “Nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”…. Từ các phong trào, hàng năm Thành phố đã biểu dương khen thưởng hàng ngàn tập thể, cá nhân “Người tốt, việc tốt”.

Tập trung xây dựng các quy chế, quy định về  danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; hướng dẫn việc phát hiện điển hình qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc thi viết về gương người tốt, việc tốt

Trong những năm qua, nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương phù hợp, với đặc thù của Thủ đô, thành phố Hà Nội đã quan tâm tập trung xây dựng nhiều quy chế, quy định về danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng như: Quy chế xét tặng danh hiệu “Nhà doanh nghiệp giỏi Hà Nội”; “Người tốt, việc tốt”; “Công dân Thủ đô ưu tú”; xét tặng giải thưởng thi viết về gương “Người tốt, việc tốt” và in sách “Những bông hoa đẹp”;”Giải thưởng Thăng Long”; xét tặng Bằng “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”; xét, công nhận “Đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa”; “Cúp Thăng Long”; “Quy định khen thưởng thành tích đột xuất; Quy định khen thưởng thành tích thi đua theo chuyên đề và Quy định khen thưởng thành tích công tác năm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc Thành phố và nhiều văn bản khác.

Thành phố ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 09/4/2012 về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, gương ‘‘Người tốt, việc tốt”. Hàng năm Thành phố xuất bản sách Những bông hoa đẹp nhân dịp ngày giải phóng Thủ đô, tổ chức cuộc thi viết về gương Người tốt, việc tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn Thành phố. Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố cũng đã ký kết phối hợp tuyên truyền với các báo đài của Trung ương và Hà Nội mở các chuyên mục, chuyên trang như: báo Hà Nội mới với chuyên mục “Nét đẹp người Thủ đô”; báo Kinh tế đô thị với chuyên mục “Vì an toàn giao thông Thủ đô”; báo Phụ nữ Thủ đô với chuyên mục “Gia đình thời hiện đại”; Đài truyền hình Hà Nội với chuyên mục “Người tốt, việc tốt”; báo Nhân dân với chuyên mục “Gương sáng việc hay”; Báo Lao động chuyên mục “Bình dị mà cao quý”… Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị thuộc Thành phố cũng tổ chức các cuộc thi để tìm kiếm, phát hiện các gương điển hình như: xét chọn 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu của Thành đoàn Hà Nội; phát động các đợt học tập tấm gương dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tội phạm của Công an Thành phố; ‘Gia đình thợ điện Thủ đo văn của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội; cuộc thi công nhân giỏi trong khối xây dựng, cuộc thi lái xe an toàn trong khối vận tải....

Đặc biệt trong số hàng ngàn người tốt, việc tốt tiêu biểu, 3 năm qua, Thành phố đã lựa chọn công nhận 31 Công dân Thủ đô ưu tú, trong đó nhiều người là lao động trực tiếp như: Thương binh Nguyễn Gia Thọ - Chủ nhiệm HTX Song Long, bà Nguyễn Thu Thủy - họa sỹ tác giả công trình Con đường gốm sứ được tổ chức Giness Thế giới công nhận, bà Trần Mai Anh- mẹ nuôi cháu Phùng Thiện Nhân “Chú lính chì dũng cảm”, bà Nguyễn Thị Hiền- công nhân xí nghiệp thoát nước, ông Lê Đức Đoàn- cảnh sát giao thông, bà Tạ Ngọc Thúy- tổ trưởng dân phố phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm... Việc công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp từng bước được nâng cao chất lượng thông qua việc đưa thêm tiêu chí về công nhận, sáng kiến, sáng tạo. Vì vậy, số người tốt, việc tốt được công nhận, vinh danh hằng năm được thực chất và tiêu biểu hơn.

Chú trọng tổng kết, nhân điển hình tiên tiến, tổ chức các cuộc thi, trao giải một cách trang trọng, thiết thực

Thành phố tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng kết các phong trào thi đua, ban hành hướng dẫn tổ chức nghi thức trong việc đón nhận, trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Việc đánh giá tổng kết các mô hình, điển hình tiên tiến, rút ra cách làm hay, sáng tạo trong các phong trào thi đua để nhân rộng thông qua Hội nghị biểu dương Người tốt, việc tốt, Vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, Hội nghị biểu dương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, Sáng kiến sáng tạo Thủ đô, Đêm doanh nghiệp, Tuyên dương Thủ khoa xuất sắc, Trao giải thưởng Bùi Xuân Phái, Giải Ngô Tất Tố,… được tổ chức thường xuyên. Việc tổng kết trao giải các cuộc thi được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện ngày càng sinh động và ấn tượng như tổ chức giao lưu giữa tác giả đạt giải và những nhân vật điển hình trong tác phẩm, xây dựng phóng sự về các gương điển hình, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền về các gương điển hình. Cùng đó là việc đổi mới sơ kết tổng kết các cụm thi đua theo chuyên đề; tổ chức thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình ở các địa phương đơn vị qua đó rút ra kinh nghiệm thực tiễn trong việc nhận rộng mô hình, điển hình tiên tiến đối với mỗi địa phương đơn vị.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thành phố Hà Nội cũng nhận thấy trong việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến vẫn còn những hạn chế, cần khắc phục như: Việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến chưa hoàn toàn từ phong trào, việc bồi dưỡng nhân rộng còn khó khăn,... Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, song cơ bản nhất là do nhận thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến của một số cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các đơn vị còn hạn chế; chưa tạo được môi trường thuận lợi để điển hình tiên tiến khẳng định trong thực tiễn...Từ thực tiễn công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến của Thủ đô, Thành phố Hà Nội rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và sự cần thiết phải phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Việc phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua là nội dung hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, mà còn là biện pháp tổ chức thực tiễn khoa học, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào tiếp tục đổi mới và phát triển. Bởi vậy, phải có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể; quan tâm đầu tư về mọi mặt để việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Thứ hai, kịp thời xây dựng các quy chế, quy định về thi đua, khen thưởng phù  hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị phù hợp với Luật Thi đua, Khen thưởng. Làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến. Việc tuyên truyền, cổ động nêu gương các điển hình tiên tiến được tiến hành thường xuyên, kịp thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; đồng thời, phát huy tốt vai trò của hệ thống báo cáo viên, các thiết chế văn hoá. Ngoài ra, sau mỗi đợt thi đua cần làm tốt việc sơ kết, tổng kết, tổ chức tham quan, học tập các điển hình tiên tiến... coi đây là biện pháp quan trọng nhằm cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến để mọi người học tập và làm theo.

Thứ ba, phát huy vai trò của cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến. Đây là kinh nghiệm đã được khẳng định trong thực tiễn tổ chức phong trào thi đua thời gian qua. Nếu Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng hoạt động tích cực, thường xuyên bám sát phong trào, tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị, chấm điểm thi đua đúng thực chất, đánh giá, phân loại thành tích bảo đảm chính xác, thì động viên được nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, thúc đẩy phong trào đi lên; còn ngược lại, sẽ làm giảm sự nhiệt tình, trách nhiệm, tính tự giác của các tập thể, cá nhân và thui chột các điển hình tiên tiến. Bởi vậy, cần tập trung củng cố, kiện toàn và tạo điều kiện cho Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng hoạt động có nền nếp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ tư, cần lựa chọn đúng những tập thể, cá nhân để xây dựng điển hình tiên tiến. Thực tiễn chỉ đạo phong trào thi đua những năm vừa qua cho thấy, trong quá trình xây dựng, ngoài yêu cầu củng cố, giữ vững các điển hình tiên tiến đã được khẳng định; hướng đầu tư xây dựng vào những tập thể nhỏ, cá nhân là người lao động trực tiếp sẽ có sức động viên, lan tỏa tốt trong đời sống xã hội. Để bảo đảm cho các điển hình tiên tiến bộc lộ và khẳng định mình trong thực tiễn, cần hướng xây dựng và nhân rộng điển hình vào nhiệm vụ trọng tâm, việc khó, việc mới, khâu yếu, mặt yếu; thử thách trong môi trường khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có nỗ lực, quyết tâm cao. Khi đã phát hiện, xây dựng được những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cần thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các điển hình tiên tiến phát huy thành tích; đồng thời, nắm bắt những biểu hiện lệch lạc để có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời. Thường xuyên quan tâm đến quyền lợi và tạo điều kiện cho những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được khẳng định mình trong thực tiễn...

Hoàng Duy Khanh
Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban TĐKT Tp. Hà Nội
    

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất