Thứ Ba, 24/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 4/6/2013 14:59'(GMT+7)

Triển lãm và hội thảo khoa học Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey G. Kovtun phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thu Hằng)

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Andrey G. Kovtun phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Thu Hằng)


Sáng 4/6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh khai mạc triển lãm và hội thảo khoa học Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo còn có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Việt Nam, các nhà ngoại giao, các nhà Việt Nam học, các nhà Hồ Chí Minh học đến từ nước Nga.

Tại hội thảo, ông Chu Đức Tính Giám đốc bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Cách đây 90 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga, trực tiếp nghiên cứu lý luận và thực tiễn Chủ nghĩa xã hội hiện thực theo hình mẫu nước Nga Xô viết và đặt nền tảng cho mối quan hệ lịch sử đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga.  Từ đó đến nay, lịch sử đã có những thay đổi ở cả hai nước và trên toàn thế giới, riêng với Việt Nam. Đó là những đổi thay kỳ diệu dưới ảnh hưởng trực tiếp của sự lựa chọn đường lối cứu nước và phát triển đất nước của Hồ Chí Minh, ảnh hưởng cực kỳ quan trọng bởi sự giúp đỡ của nước Nga. Những thành quả ấy của quá khứ cho phép chúng ta tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn nữa của đất nước Việt Nam trên con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn, tin tưởng vào sự bền vững, sáng trong và phát triển của mối quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga. Trong sự hoàn thiện đường lối cứu nước của Hồ Chí Minh, cũng như trong “số phận lịch sử” của nước Việt Nam kể từ những năm 20 của thế kỷ XX đến nay, tác động của “yếu tố Nga”, nước Nga là vô cùng lớn. Thực tiễn lịch sử đó, từ nhiều thập kỷ nay, dưới nhiều góc độ, đã trở thành đối tượng nghiên cứu của giới nghiên cứu Việt Nam, Liên Xô, Liên bang Nga và thế giới. Đã có nhiều thành tựu nghiên cứu được công bố, làm cơ sở cho việc tiếp tục củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga. Những công bố mới của các cơ quan lưu trữ hai quốc gia, cũng như những phát hiện mới của giới nghiên cứu luôn làm cho vấn đề trở nên mới mẻ và sống động, qua đó, các giá trị Hồ Chí Minh và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Liên bang Nga càng được sáng tỏ và có sức lan tỏa rộng lớn. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ 3 chủ đề chính:  Hồ Chí Minh với nước Nga, quan hệ Việt – Nga, quan hệ Nga – Việt. Trong đó, chủ đề Hồ Chí Minh với nước Nga là nội dung lớn nhất của Hội thảo, đề cập trực tiếp toàn bộ những giá trị Hồ Chí Minh có liên quan đến nước Nga trên những khía cạnh:

- Lý giải tại sao Hồ Chí Minh lại bỏ qua các học thuyết và hình mẫu cách mạng khác để đến với Chủ nghĩa Lênin, với bài học Cách mạng Tháng Mười và nước Nga Vô sản. Người đã tìm thấy ở Chủ nghĩa Lênin, ở Cách mạng tháng Mười và nước Nga những điều gì cần thiết cho dân tộc Việt Nam trong tình trạng đang rên xiết dưới ách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp?

- Đó là khoảng thời gian Người sống và hoạt động trên đất nước Nga những năm 20 và 30 của thế kỷ XX với những tình huống, sự kiện và biến cố vô cùng phong phú, trong đó có những tình tiết lịch sử mà cho đến nay chúng ta mới có điều kiện nhìn nhận rõ ràng hơn.

- Đó là những gì Hồ Chí Minh lĩnh hội được bằng trải nghiệm của chính mình từ nước Nga những năm đầu tiên dưới chế độ Xô viết, là những hoạt động của Hồ Chí Minh trong Quốc tế cộng sản, là mối quan hệ của Người với các lãnh đạo và cán bộ của Đảng Cộng sản Nga và của Quốc tế Cộng sản, trong đó nhiều nước Nga đã trở thành tri âm, tri kỷ của Người và của Cách mạng Việt Nam.

- Đó là những chuyên thăm nước Nga và mối quan hệ của Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo, các văn nghệ sỹ, trí thức và nhân dân Nga nói chung, kể từ khi Liên Xô công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tháng 1 năm 1950 cho đến thời gian Người qua đời. Nhiều tình tiết lịch sử cho đến nay vẫn cần được làm sáng tỏ, với tinh thần khác quan, khoa học, để chúng ta có thể tự hào về mối quan hệ thủy chung, cao đẹp giữa hai dân tộc.

Các chủ đề khác của Hội thảo là quan hệ Việt – Nga và quan hệ Nga – Việt được đề cập tới mối quan hệ chiều, song với vị thế của mình, sự ảnh hưởng, tác động từ phía Nga đối với Việt Nam là nét nổi trội, cần được ưu tiên đầu tư nghiên cứu.
 
   Các đại biểu tham dự triển lãm (Ảnh: Thu Hằng)

Qua triển lãm và Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, thảo luận làm sáng tỏ hơn những thành quả giúp đỡ, viện trợ to lớn của nước Nga Xô viết cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà các lãnh tụ Lênin và Hồ Chí Minh đã khai sáng. Sự viện trợ, giúp đỡ đó là toàn diện, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hóa, y tế và giáo dục. Cũng cần phải nhắc đến những tấm gương làm việc quên mình của những cán bộ khoa học, các cố vấn quân sự, các chuyên gia Nga ở Việt Nam trong những năm tháng sôi sục của cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong công cuộc hối hả xây dựng đất nước sau chiến tranh; công lao của nhà nước và nhân dân Nga trong việc nuôi dưỡng, đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ nhân tài đông đảo, có chất lượng chuyên môn cao, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến và xây dựng đất nước; điểm lại những công trình xây dựng, những thành quả lao động và sáng tạo cũng như những dấu ấn sâu đậm của nước Nga trên đất nước Việt Nam, cũng như những công trình biểu tượng về Việt Nam trên đất nước Nga, những thành tựu nghiên cứu mới về Việt Nam của các nhà khoa học Nga. Từ đó Việt Nam có thêm sự hiểu biết về chính mình qua một góc nhìn khác, trên tinh thần khách quan và hữu nghị. Những hoạt động mang giá trị cống hiến của các Hội hữu nghị Việt-Nga, hội hữu nghị Nga-Việt và thành tựu của các tổ chức này trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương cũng cần được nghiên cứu đánh giá.

Phát biểu tại Hội thảo, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền liên bang Nga tại Việt Nam Andrey G. Kovtun khẳng định: “Ở Việt Nam có câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ở Nga cũng có câu thành ngữ tương tự “Gieo gì gặt nấy”. Khi được hưởng những thành quả hợp tác nhiều mặt Nga - Việt Nam, những thành quả ấy chúng ta có thể tự hào khẳng định  người đứng ở ngọn nguồn hợp tác, người đã trồng cây hữu nghị Nga - Việt chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tôi tin tưởng rằng, chúng ta ngày nay có chung một nhiệm vụ - đó là trân trọng giữ gìn di sản quý báu đó, phát huy truyền thống tốt đẹp đã được tích lũy bao năm, để thừa kế lại cho con cháu chúng ta một cây hữu nghị lớn mạnh, sâu rễ bền gốc, xứng đáng với tên tuổi lừng lẫy Hồ Chí Minh”.

Trải qua nhiều thập niên, nhưng những giá trị truyền thống được xây đắp bằng xương máu và trí tuệ của hai dân tộc Nga - Việt vẫn được gìn giữ và phát sáng. Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nước Nga thời hậu Xô Viết vẫn tiếp tục mối quan hệ đặc biệt vốn có đã có chiều sâu lịch sử, những được làm mới bởi các nguyên tắc và hệ giá trị mang tính bền vững và hội nhập hơn.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất