Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 18/12/2011 9:20'(GMT+7)

Kinh tế đồng bằng sông Cửu Long: Khẳng định trong thách thức

 

Xuất khẩu... về đích sớm

TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ðồng Tháp báo tin vui: "Năm 2011, tỉnh đề ra kế hoạch sản xuất khoảng 300.000 tấn cá tra nguyên liệu, kim ngạch xuất khẩu 320 triệu USD. Nhưng thực tế sản lượng cá nuôi vượt 350.000 tấn, xuất khẩu thu về gần 400 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra". Tiến sĩ Quốc cho rằng, nhờ chủ động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngay từ đầu năm, cùng với việc các doanh nghiệp tích cực mở rộng vùng nuôi cá tra, do đó nguồn nguyên liệu không bị thiếu nhiều. Một thuận lợi không nhỏ là thời điểm sáu tháng đầu năm 2011, giá xuất khẩu cá tra ở thị trường châu Âu khá cao từ 3,4 - 3,6 USD/kg, nên các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tăng tốc về đích sớm.

Song hành cùng cá tra, xuất khẩu tôm sú thu về kết quả đáng phấn khởi. 36 nhà máy chế biến tôm sú ở tỉnh Cà Mau hoạt động liên tục bởi đơn hàng nhiều. Ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh năm 2011 thu về hơn 902 triệu USD, vượt 7,1% so kế hoạch đề ra. Giá xuất khẩu tôm sú năm nay khá cao, nhờ đó mà kim ngạch thu về tăng đáng kể. Hiện giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức kỷ lục 250.000 đồng/kg đối với tôm loại 20 con/kg; giá 200.000 đồng/kg, tôm loại 30 con/kg; hơn 165.000 đồng/kg, tôm loại 40 con/kg... bình quân tăng từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo Bộ NN-PTNT, sản xuất lúa năm 2011 đạt kết quả ấn tượng "trúng mùa - trúng giá". Vụ hè thu lần đầu tiên năng suất vượt qua cột mốc 5 tấn/ha (đạt 5,2 tấn/ha). Dự kiến cả năm toàn vùng ÐBSCL tăng khoảng 1,3 triệu tấn lúa, vượt chỉ tiêu tăng thêm 1 triệu tấn lương thực trong năm 2011 Chính phủ giao.

Tiếp tục phát huy lợi thế...

Sau nhiều năm lũ nhỏ, năm nay vùng ÐBSCL lũ lớn mang lại nhiều phù sa, đồng ruộng được rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh... hứa hẹn vụ đông - xuân 2011- 2012 được mùa. Hiện tại, nông dân các tỉnh thành ÐBSCL đang đồng loạt xuống giống trên 1,55 triệu ha lúa đông - xuân, dự kiến năng suất đạt 6,7 tấn/ha, toàn vùng sẽ có từ 10,5 đến 11 triệu tấn lúa, tăng khoảng 16.300 tấn so vụ đông - xuân trước.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng, xuất khẩu gạo năm 2012 phải tạo bước đột phá mới là nâng cao chất lượng để cạnh tranh với gạo Thái-lan. Chú ý phát triển gạo thơm từ 300.000 đến 400.000 tấn hiện nay lên 500.000 tấn và tiến tới xuất một triệu tấn, bởi chúng ta có ưu thế là sản xuất gạo thơm đạt năng suất rất cao 7 tấn/ha (trong khi Thái-lan chỉ 2 tấn/ha), cộng với giá xuất tốt nên cần tập trung đột phá. Song song đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng "thương hiệu quốc gia cho hạt gạo Việt Nam" với loại gạo trắng hạt dài siêu tốt đóng vai trò chủ lực. Khi có được thương hiệu, giá trị và uy tín hạt gạo cũng được nâng lên. Từ thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu riêng cho mình.

Ðể nâng cao chất lượng lúa gạo làm cơ sở để xây dựng thương hiệu và tăng tính cạnh tranh quốc tế, Bộ NN-PTNT khuyến cáo các tỉnh phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn. "Vụ hè thu năm 2011, ÐBSCL canh tác hơn 7.800 ha lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với hơn 6.400 hộ nông dân tham gia. Mô hình cánh đồng mẫu lớn từng bước dịch vụ hóa các khâu trong sản xuất từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước, thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ, xuất khẩu... góp phần hạn chế thất thoát sau thu hoạch, giảm được chi phí giá thành, tăng giá trị và chất lượng hạt gạo. Nhờ đó mà lợi nhuận thu về cao hơn so với sản xuất thông thường. Dự kiến năm 2012 mở rộng mô hình này lên từ 30.000 đến 50.000 ha, năm 2013 là 100.000 ha, sau đó nâng lên 500.000 ha... Ðây là hướng sản xuất lúa gạo bền vững giúp nông dân ÐBSCL làm giàu" - Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết.

Ðối với thủy sản, theo nhận định của ngành chuyên môn năm 2012 dự báo xuất khẩu tiếp tục thuận lợi về thị trường lẫn giá cả. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn tôm nguyên liệu thiếu trầm trọng nên việc chế biến xuất khẩu luôn bị động. Một trong những nguyên nhân chính khiến nhà máy đói tôm là tình trạng dịch bệnh xảy ra trên diện rộng trong thời gian qua gây thiệt hại không nhỏ. Nhiều tỉnh "chữa cháy" bằng cách tăng cường nuôi tôm thẻ để cung ứng cho các nhà máy. Tại Cà Mau, trước đây tôm thẻ chỉ chiếm khoảng 7% - 10% sản lượng chế biến xuất khẩu, nay tăng lên hơn 30%. Ông Lê Phong Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre lưu ý: "Thiếu tôm nguyên liệu là vấn đề trăn trở những năm qua. Trong thế khó ấy thì tôm thẻ đang được một số nơi nuôi rất trúng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và bổ sung nguồn nguyên liệu cần thiết. Tuy nhiên, việc có nên mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ đang còn nhiều ý kiến bàn bạc, bởi tôm thẻ có mang một số vi-rút nguy hiểm. Hiện tại, Bến Tre không khuyến cáo nuôi tôm thẻ đại trà, mà chỉ nên nuôi tập trung có kiểm soát chặt đầu vào - đầu ra".

Ðược mùa sản xuất và xuất khẩu nông, thủy sản đã tạo cú hích thúc đẩy kinh tế tăng trưởng; đồng thời tạo nhiều việc làm cho người dân, góp phần quan trọng vào việc ổn định an sinh xã hội. Với những dự báo khả quan, năm 2012 hy vọng kinh tế vùng ÐBSCL tiếp tục tăng trưởng xứng tầm với tiềm năng.

Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất