Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 4/8/2012 10:31'(GMT+7)

Kinh tế thế giới đã có dấu hiệu khởi sắc?

Cảnh người dân Hi Lạp xếp hàng rút tiền tại máy ATM của ngân hàng quốc gia. Ảnh internet

Cảnh người dân Hi Lạp xếp hàng rút tiền tại máy ATM của ngân hàng quốc gia. Ảnh internet

Câu hỏi lớn đang đặt ra là kinh tế thế giới đã có dấu hiệu khởi sắc? Câu trả lời là chưa thể. Theo nhận định của các nhà phân tích, kinh tế thế giới hiện đang trong tình trạng "u ám nhất" kể từ "những ngày đen tối" năm 2009. Sáu trong tổng số 17 nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã rơi vào suy thoái. Kinh tế Mỹ đang vật lộn với khó khăn, trong khi các "siêu sao" kinh tế của thế giới đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin thì cũng đối đầu thực tế tốc độ tăng GDP đang chậm lại.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu bứt phá. Các chuyên gia hy vọng Chính phủ các nước sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn để vượt qua khó khăn, tiến tới tăng trưởng bền vững trong nửa cuối của năm 2012 này.

“Bóng mây u ám”

“Bóng mây u ám” rất lớn đang bao trùm kinh tế thế giới cho thấy những hệ quả của toàn cầu hóa là “tránh đâu cũng không thoát”. Các nền kinh tế trên toàn thế giới chưa bao giờ liên kết chặt chẽ như bây giờ. Điều này có nghĩa là khi một khu vực “hắt hơi” thì các khu vực khác cũng không tránh được tình trạng “sổ mũi”. Nó lý giải tại sao sự tăng trưởng chậm lại của Châu Âu trong những tháng đầu năm 2012 lại gây tổn thương cho các nhà máy của Trung Quốc đến vậy hay vì sao các nhà máy Trung Quốc lại giảm mua quặng sắt của Braxin.

Trong bối cảnh này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 xuống 3,5% - mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Mỹ “loay hoay” lấy lại đà tăng trưởng

Nước Mỹ cho tới nay vẫn được coi là nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ lâu có “bề dày truyền thống”đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái. Và dường như luôn có một sự đồng thuận cao trong quan điểm của các nhà phân tích cho rằng, kinh tế Mỹ với khả năng tự chủ cao sẽ nhanh chóng lấy lại mức tăng trưởng và hơn thế còn làm chỗ dựa cho Châu Âu. Nhưng dường như điều đó hiện đã không còn đúng nữa. Sự mất cân bằng của cán cân chi tiêu khu vực kinh tế tư nhân phản ánh dư nợ quá lớn đang lan nhanh sang khu vực kinh tế công cho thấy kinh tế Mỹ không hoàn toàn miễn dịch với khủng hoảng.

Ngay cả trong năm 2012, hy vọng về một sự phục hồi bắt nguồn từ nước Mỹ với kế hoạch tăng trưởng GDP trên 3% có vẻ như quá xa vời thực tế bởi tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2012 của Mỹ chỉ đạt 1,5% - thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, thậm chí còn không bằng mức tăng trưởng 1,7% của cùng kỳ năm 2011.

Và đến cuối tháng 7 năm 2012, sự hồi sinh của nền kinh tế nhờ sự kết hợp của nhiều nhân tố như giá dầu giảm, doanh số bán xe tăng, giá nhà đất và hoạt động sản xuất phục hồi giống như một câu chuyện cổ tích hơn là thực tế.

Thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế còn cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn nữa trong nửa cuối năm 2012 nếu như thị trường việc làm vẫn không có thay đổi tích cực và chính phủ thông qua chính sách tăng thuế - cắt giảm chi tiêu công.

Châu Âu “vùng vẫy” trong khủng hoảng nợ công

Những trở ngại đối với châu Âu thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Khu vực này đang phải đối mặt các khoản nợ công khổng lồ, các ngân hàng phải chật vật để trụ vững và nhiều nền kinh tế đã lâm vào suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone hiện lên tới 11%, mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999. Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia và Tây Ban Nha đang chìm trong suy thoái; kinh tế Đức và Pháp tuy khá hơn, song có lẽ sẽ tăng trưởng chậm hơn so với Mỹ trong năm 2012.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chuẩn bị sẵn một lượng tiền lớn để cho các ngân hàng châu Âu vay với lãi suất thấp, nhằm khôi phục hoạt động cho vay. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn không mặn mà với việc vay tiền do e ngại về thu nhập bấp bênh của họ trong tương lai. Nhiều người lo rằng Hy Lạp và có thể là những nước khác sẽ vỡ nợ và phải từ bỏ đồng tiền chung châu Âu. Nguy cơ này nếu xảy ra có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khắp châu Âu.

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ suy giảm 0,3% trong năm 2012, song nhiều nhà kinh tế lo ngại mức độ giảm sẽ còn mạnh hơn nữa.

Tại Đức - nền kinh tế được coi là đầu tàu của eurozone cũng bắt đầu chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng khu vực, tuy nhiên lạm phát giảm sẽ giúp chính phủ Đức có thêm nhiều biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Đức, lạm phát giá tiêu dùng tháng 6-2012 của Đức xuống 1,7%, so với 1,9% trong tháng 5 và thấp nhất trong 18 tháng qua. Điều này chủ yếu nhờ giá dầu giảm. Lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ 2 Châu Âu này tiếp tục hạ nhiệt tạo điều kiện cho Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục hạ lãi suất. Bởi các nước trong khối là thị trường xuất khẩu chủ lực của Đức nên thị trường việc làm và xuất khẩu nước này không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Sản xuất ở Đức trong tháng 6-2012 vừa qua giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 3 năm qua, với chỉ số hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp trong tháng 6-2012 giảm 0,5 điểm, còn 44,7 điểm (có tính những biến động theo thời vụ) so với 45,2 điểm của tháng 5-2012. Tốc độ tăng trưởng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Đức trong tháng 6-2012 cũng chậm hơn so với kế hoạch. Chỉ số hoạt động trong phân đoạn kinh tế này có thể giảm 1,5 điểm, xuống 50,3 điểm trong tháng 6-2012 so với 51,5 điểm dự đoán trước đây.

Theo Cơ quan Lao động Liên bang Đức, tình trạng thất nghiệp tại Đức có xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm 2012, khi những cải cách mạnh mẽ đối với thị trường lao động những năm trước đã giúp Đức thích ứng tốt trong giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng.

Châu Á phát triển chậm lại

Cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt mấy năm qua tại châu Âu đã và đang tác động xấu tới nền kinh tế châu Á, vốn được coi là đầu tàu kéo cả nền kinh tế thế giới đi lên. Nếu trước đây, châu Á mơ về mô hình của khối Liên minh châu Âu (EU) thì nay giấc mộng đã tan tành. Giữa tháng 7-2012, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vừa công bố một báo cáo cho biết khủng hoảng trong khu vực eurozone cũng như tình trạng kinh tế trì trệ của Mỹ đã tác động đến mức tăng trưởng của các nền kinh tế đang trỗi dậy ở châu Á, cụ thể là làm giảm mức cầu đối với xuất khẩu trong vùng. Hệ quả là kinh tế ở các nước châu Á đang phát triển đã chậm lại trong nửa đầu năm 2012.
Mới đây, vào ngày 12-7-2012, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo bổ sung về triển vọng phát triển Châu Á (ADOS). Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại châu Á đã giảm trong 6 tháng đầu năm 2012 bởi sự phát triển chậm lại của Mỹ và sự giảm nhu cầu tại khu vực đồng euro đối với hàng xuất khẩu từ châu Á. Những lo lắng về sức mạnh kinh tế của các nền kinh tế phát triển quan trọng cũng đã xuất hiện gần đây. Dữ liệu mới nhất từ Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy tăng trưởng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2012.

Mặc dù kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á được dự kiến sẽ vẫn tăng do được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ trong nước và sự tái thiết trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Nhu cầu nội địa sôi động và đầu tư tư nhân xuất hiện đã thúc đẩy tăng trưởng khu vực Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2012.

Các nền kinh tế tại Đông Nam Á đã tăng trưởng 4,3% trong quý I/2012 sau mức tăng trưởng yếu 2,9% trong quý IV/2011– nguyên nhân chủ yếu là do sự phục hồi mạnh mẽ ở Thái Lan sau trận lũ lụt năm 2011, và sự tăng trưởng mạnh ở Việt Nam.

Tại Trung Quốc, theo số liệu công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, kinh tế nước này trong 6 tháng đầu năm 2012 tăng trưởng ở mức 7,8%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2012 đạt khoảng 3.604 tỷ USD, trong đó quý I/2012 tăng 8,1% và quý II/2012 tăng 7,6% - mức tăng trưởng thấp nhất trong hơn 3 năm qua.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng công bố số liệu cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 6-2012 ở mức 2,2%, mức thấp nhất trong hơn hai năm trở lại đây.

Tại Nhật Bản, theo báo cáo của Bộ Tài chính Nhật Bản, con số thâm hụt thương mại trong 6 tháng đầu năm 2012 ở mức hơn 37 tỷ USD. Đây là con số thâm hụt kỷ lục nhất theo số liệu kể từ năm 1979 đến nay. Giá nhiên liệu nhập khẩu tăng trong khi kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường chính lại giảm là những nguyên nhân chính dẫn đến mức thâm hụt cao kỷ lục này.

Số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu của Nhật Bản đã tăng 7,4% trong khi xuất khẩu chỉ tăng 1,5%. Tổng giá trị nhập khẩu khí đốt của Nhật Bản đã tăng gần 50% và nhập khẩu dầu thô tăng 16%. Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân trong thời gian qua đã khiến vấn đề thiếu hụt năng lượng của Nhật Bản trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc cũng giảm mạnh. Trong đó, thặng dư của Nhật Bản với EU trong 6 tháng đầu năm 2012 thậm chí còn xuống đến mức thấp nhất từ trước tới nay.

Trong viễn cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều ảm đạm thì Nhật Bản lại vấp thêm một khó khăn nữa khi đồng Yên tăng giá. Trong 6 tháng đầu năm 2012, giá trị đồng yên tăng trung bình 3,1% so với đồng USD, gây sức ép lên các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

Theo các nhà phân tích, không chỉ với châu Âu và Trung Quốc mà tăng trưởng xuất khẩu giữa Nhật Bản với Mỹ cũng có thể giảm xuống. Đồng thời thâm hụt thương mại sẽ xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2012, mặc dù kinh tế nước này trong tháng 6 vừa qua đã có những tín hiệu tích cực, với việc đạt thặng dư 61,7 tỷ yên trong khi dự báo đưa ra là thâm hụt 135 tỷ yên. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đạt thặng dư thương mại theo tháng trong 4 tháng qua, nhờ tăng giá trị xuất khẩu ô tô và phụ tùng ôtô.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý II/2012 chỉ đạt 0,4%, thấp hơn so với mức tăng 0,9% của quý I/2012 và là mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm 2011, mức tăng GDP của Hàn Quốc trong quý II/2012 đạt 2,4%, giảm so với mức tăng 2,8% của quý II/2011. Nguyên nhân này được cho là do khủng hoảng nợ công châu Âu và sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nền kinh tế lớn khác đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Tri thức trình Quốc hội Hàn Quốc, trong nửa đầu năm 2012, thặng dư thương mại của nước này đạt 10,7 tỷ USD, nhưng xuất khẩu chỉ tăng 0,6%, trong khi nhập khẩu tăng tới 2,4%. Trong quý I/2012, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 3%, kim ngạch nhập khẩu tăng 4,3%.

Bộ Kinh tế Tri thức cảnh báo xuất khẩu của Hàn Quốc trong 6 tháng cuối năm 2012 sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh từ sự phục hồi kinh tế ì ạch ở Mỹ, suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và xu hướng duy trì tăng trưởng chậm ở Châu Âu.

Các ngôi sao nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS cũng kém sáng

Không chỉ Trung Quốc đang cảm thấy sức nóng lan tỏa từ cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu mà với Braxin - nền kinh tế lớn thứ tám thế giới cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo Liên đoàn Công nghiệp Sao Paulo, Braxin trong năm 2012 có thể chỉ tăng trưởng 1,8%. Khi kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, đồng nội tệ tương đối mạnh của Braxin chẳng những không giúp ích gì mà còn làm cho hàng hóa của nước này trở nên đắt đỏ hơn đối với các khách hàng nước ngoài.

Ngoài ra, Braxin cũng vấp phải vấn đề nợ tiêu dùng giống như Mỹ. Từ năm 2003 tới nay, khoảng 40 triệu người Braxin "gia nhập" tầng lớp trung lưu và có nhu cầu mua sắm lớn - xu hướng mà các nhà lãnh đạo Braxin cho rằng đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây và bảo vệ nước này trước những cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động mua sắm này là mua chịu và số hóa đơn mua chịu ngày càng tăng.

Tương tự, triển vọng tại Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - cũng không sáng sủa hơn. Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong quý I-2012 đã chậm lại còn 5,3% - mức thấp nhất trong 9 năm qua. Những khó khăn kinh tế của Ấn Độ phần lớn là do sự quản lý yếu kém của nước này. Chính phủ Ấn Độ đã thất hứa trong việc tạo thuận lợi cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ, áp mức thuế cao đối với những công ty Ấn Độ mua công ty ở nước ngoài. Các nhà máy tại nước này giảm sản lượng, trong khi tỉ lệ lạm phát cao - trung bình hơn 9% trong hai năm qua - đã làm “bốc hơi” thu nhập của nhiều người dân Ấn Độ.

Đối với Liên bang Nga, theo số liệu của Bộ Phát triển kinh tế Nga, kinh tế Nga trong 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng trưởng 4,4%, còn lạm phát cả năm sẽ không quá 6%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế độc lập lại cho rằng, tới mùa Thu lạm phát của Nga sẽ vượt mức 6%. Các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận kinh tế Nga sẽ có khả năng phát triển chậm lại, thể hiện trong sản xuất công nghiệp và nhịp độ đầu tư vào tài sản cố định đang suy giảm khiến môi trường kinh doanh nhìn chung xấu đi, nhất là sự mất giá của đồng rúp so với đồng USD, giá dầu mỏ giảm và dòng vốn chạy ra nước ngoài đã ảnh hưởng tới tình trạng này.

Trong khi đó ông Paven Ghennel - Phó Chủ tịch Ngân hàng Spartak cho biết, nếu giá dầu mỏ trong khu vực là 100 USD/thùng thì tất cả các dự báo lạc quan của chính phủ sẽ được thực hiện mà không cần bất kỳ nỗ lực nào. Nếu giá dầu mỏ giảm trong ngắn hạn xuống đến mức 80 USD thì lạm phát sẽ khoảng 9%, còn tăng trưởng GDP 2012 sẽ ở dưới 3%.

Những dự báo lạc quan

Với những diễn biến mới nhất từ Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc thì các chuyên gia cho rằng không chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012 mà trong 6 tháng tiếp theo và ngay cả trong năm 2013, kinh tế thế giới vẫn còn quá nhiều khó khăn phải đối mặt.

Tuy nhiên, theo dự báo của Morgan Stanley - một trong những thể chế tài chính lớn nhất của thể giới, một ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Mỹ thì sẽ vẫn có 1 số nền kinh tế lớn tăng trưởng khá trong năm 2012 và một số năm tiếp theo, cụ thể là:

Ôxtrâylia: Đầu tư mạnh vào ngành khai mỏ sẽ giúp tăng trưởng kinh tế đi lên. Với mức tăng trưởng GDP được dự báo là: 2012: 3,1%; 2013: 2,8%; 2014 – 2018: 3,0%.

LB Nga: Sau cuộc bầu cử vào tháng 3-2012, dự báo đầu tư sẽ tăng lên. Nga sẽ hưởng lợi khi giá dầu cao và đồng rúp mạnh. Dự báo mức tăng trưởng GDP: 2012: 5,0%; 2013: 4,0%; 2014 – 2018: 4,0%.

Thái Lan: Tăng trưởng GDP năm sẽ được hỗ trợ quan trọng bởi nỗ lực tái thiết đất nước sau lũ lụt. Dự báo mức tăng trưởng GDP: 2012: 4,5%; 2013: 4,5%.

Braxin: Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp kích cầu nội địa. Dự báo mức tăng trưởng GDP: 2012: 4,5%; 2013: 4,0%; 2014 – 2018: 3,7%.

Mỹ: Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ quan trọng bởi tiêu dùng người dân và đầu tư vào tài sản cố định. Dự báo mức tăng trưởng GDP: 2012: 2,2%; 2013: 1,8%; 2014 – 2018: 2,7%. Dù tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện vẫn còn thấp, vào năm 2012, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Dù vậy, hiện vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến chính sách tài khóa./.

Anh Đức (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất