Tại các hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới
(G20) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa qua, bộ trưởng tài chính và thống đốc
ngân hàng trung ương đã tỏ ra không hài lòng khi sự phối hợp các chính sách cho
đến nay rốt cục vẫn chưa thể “khống chế” được cuộc khủng hoảng kéo dài của toàn
cầu.
“Chậm chạp”, “trì trệ”, “giảm sút” hay “không ổn định” là những từ vẫn thường
được nhắc tới khi nói về tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, trong khi nợ công,
thâm hụt ngân sách cao vẫn là thực trạng tài chính chung của không ít quốc
gia.
Chưa thể an tâm về các nền kinh tế lớn
Ở Khu
vực sử dụng đồng euro (Eurozone), cuộc khủng hoảng tại Cộng hòa Síp, nước thành
viên mới đây nhất phải xin cứu trợ, đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến các nước khác
trong khu vực vốn đang phải vật lộn với khó khăn như Hy Lạp. Mặc dù nguy cơ tan
rã liên minh tiền tệ đã lắng dịu phần nào, khu vực này vẫn chưa có được động lực
tăng trưởng, khi suy thoái vẫn tiếp tục.
Tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone
đã tăng lên mức kỷ lục 12% trong tháng 2/2013, làm gia tăng áp lực với các nhà
lãnh đạo trong việc chuyển từ "thắt lưng buộc bụng" sang thúc đẩy tăng
trưởng.
Với Mỹ, các nhà kinh tế tham gia một cuộc khảo sát điều tra mới
đây của Reuters nhận định, sau khi khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay, tốc độ tăng
trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ chậm lại do tác động của việc
cắt giảm chi tiêu tự động.
Các nhà kinh tế tham gia cuộc điều tra nhận
định tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2013 sẽ đạt 3%, so với mức dự báo tăng
2% được đưa ra tháng trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này
sẽ giảm xuống 1,6% trong quý II, trước khi tăng lên 2% trong nửa cuối
năm.
Tại Trung Quốc, Cục Thống kê Nhà nước vừa công bố số liệu sơ bộ cho
thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý I/2013 đạt 7,7% so với
cùng kỳ năm 2012, sau khi dừng được đà giảm tốc 7 quý liên tiếp trong quý cuối
năm ngoái, với mức tăng 7,9%.
Mức tăng trưởng thấp hơn mong đợi trong
quý vừa qua làm dấy lên lo ngại đà phục hồi mới đây của "người khổng lồ" châu Á
chưa thật vững, do nhu cầu bên ngoài yếu. Số liệu mới công bố cùng một loạt
thống kê u ám trước đó khiến nhiều chuyên gia kinh tế hoài nghi về khả năng của
các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc giải bài toán tăng
trưởng.
Trong khi đó, Nhật Bản đang nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ
nhằm ngăn chặn giảm phát, kích thích tăng trưởng kinh tế, phục hồi lòng tin kinh
doanh và tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Nhật Bản là liệu chính sách
tiền tệ có giúp nước này xử lý được tình trạng giảm phát vốn là yếu tố cản trở
tiêu dùng và đầu tư hay không?
Bên cạnh đó, những căng thẳng giữa Nhật
Bản với Trung Quốc về chủ quyền trên biển Hoa Đông có thể ảnh hưởng nghiêm trọng
tới thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản.
Ngoài vấn đề
tăng trưởng, nhiều nền kinh tế lớn cũng đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng
về tài chính. Mối lo ngại về nợ nần hiện đang tập trung chủ yếu ở các nền kinh
tế phát triển, khi tỷ lệ nợ trên GDP của toàn cầu chỉ là 79,3% thì con số này
với các nền kinh tế phát triển là 109,3%.
Nhật Bản đang có gánh nặng nợ
lớn nhất, với số nợ ước tính tương đương 245% GDP trong năm nay, tiếp theo là Hy
Lạp (180%), Italy (131%), Ireland và Bồ Đào Nha (122%) và nền kinh tế lớn nhất
thế giới là Mỹ (108%).
Với những con số cao như vậy, IMF cho rằng nhiều
nước phát triển còn phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua chặng đường dài, khó khăn
và không có gì chắc chắn để có thể ổn định tài chính.
Hạ dự báo
tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế
thế giới công bố trước hội nghị vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
toàn cầu trong năm 2013 xuống còn 3,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo
đưa ra hồi tháng 1, khi tình trạng trì trệ ở Eurozone kéo dài và tăng trưởng
kinh tế Mỹ vẫn chậm.
IMF cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã được
cải thiện, song con đường phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn chưa chắc
chắn, với dự báo các nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 2,2%
trong năm tới, lần lượt giảm 0,1 điểm phần trăm và tăng 0,1 điểm phần trăm so
với dự báo trước đó.
Cụ thể, IMF nhận định kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng
1,9% trong năm nay trước khi tăng lên 3% vào năm tới. Với Nhật Bản, IMF nâng dự
báo tăng trưởng năm 2013 từ 1,2% lên 1,6% và năm 2014 từ 0,7% lên 1,4%, sau khi
Ngân hàng trung ương nước này khởi động chương trình kích thích kinh tế nhiều
tham vọng.
Trong khi đó, kinh tế Eurozone được dự báo giảm 0,3% trong
năm nay trước khi tăng lên 1,1% vào năm 2014. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là
Đức được dự báo tăng trưởng dưới 1% trong năm 2013, trong lúc nền kinh tế lớn
thứ hai khu vực là Pháp sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, với mức sụt giảm
0,1%.
IMF ghi nhận việc các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh
tế phát triển đã loại bỏ thành công hai mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi
của kinh tế toàn cầu là nguy cơ tan rã của Eurozone và cú sốc đối với Mỹ xuất
phát từ "vách đá tài chính".
Tuy nhiên, IMF cảnh báo các rủi ro cũ đối
với Eurozone vẫn còn trong khi các rủi ro mới sẽ xuất hiện, trong đó những rủi
ro trong ngắn hạn liên quan đến diễn biến tại Síp và Italy cũng như sự bất ổn ở
các nước ngoại vi, còn trong trung hạn, các rủi ro đối với kinh tế toàn cầu liên
quan đến sự trì trệ kéo dài ở Eurozone cũng như thâm hụt ngân sách và nợ công
cao ở Mỹ và Nhật Bản.
Còn trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn
cầu công bố mới đây, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập
đoàn "Nhà Kinh tế" (Anh) lại tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới
trong năm 2013 xuống còn 3,1% từ mức dự báo 3,3% đưa ra hồi tháng trước.
Việc EIU điều chỉnh dự báo là do những diễn biến tiêu cực của kinh tế
toàn cầu như suy thoái tồi tệ hơn dự kiến ở Eurozone và sự phục hồi chậm hơn
mong đợi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc.
Theo EIU,
kinh tế Eurozone sẽ sụt giảm 0,7% trong năm nay trước khi đạt mức tăng trưởng
0,5% trong năm tới. Còn việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lại giảm tốc là
lý do EIU điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2013 của nước này từ 8,4% xuống
8%.
Kêu gọi về tăng trưởng và việc làm
Tại hội
nghị mùa Xuân vừa diễn ra, IMF đã gia tăng sức ép lên các nền kinh tế hàng đầu
thế giới là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản trong việc thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc
làm.
IMF cũng nhấn mạnh chỉ nới lỏng chính sách tiền tệ là chưa đủ mà
cần phải có các kế hoạch đáng tin cậy để cân bằng ngân sách theo thời gian và
những cải cách cơ cấu để có thể tăng hiệu quả của các nền kinh tế. Thực tế là
các biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương như Mỹ, Anh, Eurozone và
Nhật Bản cho đến nay vẫn không giúp các nền kinh tế phục hồi vững
chắc.
Theo báo cáo Giám sát tài chính mới công bố của IMF, nhiều nền kinh
tế phát triển hiện đang hướng đến việc đạt thặng dư ngân sách để ổn định nợ. Tuy
nhiên, nợ dù ổn định song vẫn ở mức cao đã hạn chế tiềm năng tăng trưởng, làm
giảm mức độ linh hoạt khi lựa chọn các chính sách trong tương lai và đặt các nền
kinh tế trước khả năng bị tác động từ các cú sốc trên các thị trường.
Việc chỉ đơn thuần duy trì nợ của các nền kinh tế phát triển ở các mức
hiện nay sẽ không có lợi cho triển vọng kinh tế trung và dài hạn. Các nước cần
củng cố và hoàn thiện hệ thống tài chính hơn là chỉ hạ thâm hụt ngân sách để
giảm gánh nặng nợ và điều cần thiết lúc này là các chương trình giảm nợ rõ ràng
và đáng tin cậy trong trung hạn hơn là các biện pháp khắc khổ trong ngắn hạn để
tránh làm sụt giảm tăng trưởng trong lúc các nền kinh tế vẫn yếu. IMF cho rằng
việc Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa đưa ra các chương trình như vậy là một mối lo ngại
đáng kể.
Đối với Nhật Bản, IMF cho rằng việc đẩy lùi giảm phát và khôi
phục các tiềm lực kinh tế được cho là có tầm quan trọng "sống còn" với nước này.
Đối với Eurozone, khu vực này được cho là cần ưu tiên giải quyết vấn đề nợ công,
những rắc rối trong hệ thống ngân hàng cũng như thực thi các biện pháp nhằm thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế. Những nỗ lực phục hồi tại châu Âu sẽ mất nhiều thời
gian do những bất đồng về chính sách tài chính của 17 nước thành viên
Eurozone.
Trong khi đó, các quan chức tài chính G20 cho rằng các cuộc
khủng hoảng nghiêm trọng đã qua, song tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn quá yếu
và tỷ lệ thất nghiệp quá cao.
Các quan chức cam kết thực thi các cải cách
cơ cấu nhằm tăng cường tiềm năng tăng trưởng và tạo việc làm, nhằm đưa kinh tế
toàn cầu quay lại quỹ đạo bình thường sau giai đoạn chệch hướng vì khủng
hoảng.
G20 cho rằng châu Âu cần cải thiện tình hình tài chính và tiền tệ,
Mỹ và Nhật Bản cần thúc đẩy nhu cầu trong nước và nhanh chóng thực hiện kế hoạch
trong trung hạn nhằm giảm khối nợ công và thâm hụt ngân sách./.
Lê Minh
(TTXVN)