Đây là tín hiệu tích cực đối với tăng trưởng kinh tế toàn
cầu, bởi trước đó CEBR từng dự báo phải đến năm 2024, sản lượng kinh tế
thế giới mới có thể chạm mốc 100 nghìn tỷ USD. Mức tăng GDP toàn cầu
cao hơn dự kiến được cho là nhờ khả năng thích ứng tốt hơn với đại dịch
của các nền kinh tế, khiến các biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại gây
thiệt hại ít nghiêm trọng hơn.
Theo báo cáo của CEBR, Trung Quốc đang
trên đà chiếm vị trí của Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào
năm 2030. Ấn Ðộ vượt Pháp vào năm 2022, Anh giành lại vị trí là nền
kinh tế lớn thứ 6 thế giới vào năm 2023. Báo cáo cũng dự báo Ðức có thể
vượt Nhật Bản về sản lượng công nghiệp vào năm 2033, trong khi Nga lọt
vào tốp 10 vào năm 2036.
Trong bức tranh đa sắc của kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ chịu ảnh
hưởng nặng nề bởi sự hoành hành của biến thể Omicron. Ðà tăng GDP của
nền kinh tế số 1 thế giới chậm lại đáng kể từ mức 6,7% của quý
II/2021, do số ca mắc mới COVID-19 gia tăng và chính phủ giảm mức hỗ trợ
tài chính, trong khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Việc chính
phủ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế gây ảnh hưởng hoạt động của
doanh nghiệp.
Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu điều chỉnh cho thấy, tăng trưởng
kinh tế nước này trong quý III/2021 cao hơn mức dự báo. Theo nhà
kinh tế trưởng Diane Swonk của hãng kiểm toán Grant Thornton, GDP
thực tế đã được điều chỉnh cao hơn, nhưng vẫn ảm đạm. Làn sóng lây
nhiễm biến thể Omicron có thể gây tác động mạnh dịp cuối năm, khi nhiều
doanh nghiệp phải đóng cửa. Nhà kinh tế trưởng của hãng Moody’s nhận
định, quy mô nền kinh tế Mỹ có thể sẽ thu hẹp vào đầu năm 2022.
Triển vọng kinh tế của khu vực đồng euro (Eurozone) được dự báo sẽ
chững lại theo đà tăng của lạm phát. Theo các chuyên gia, phục hồi kinh
tế của Eurozone có nguy cơ suy giảm nếu lạm phát liên tục tăng cao,
khiến thu nhập người tiêu dùng giảm và các biện pháp kích thích kết thúc
sớm hơn kế hoạch. Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Copenhagen
cho rằng, lạm phát sẽ "ăn" vào tiền lương khiến nhu cầu tiêu dùng giảm,
trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể phải tăng lãi suất
để đối phó rủi ro từ lạm phát.
Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng HSBC cũng cho rằng, giá năng lượng
tăng cao cũng sẽ làm giảm sức mua của hộ gia đình, khiến GDP có thể giảm
0,5 điểm % trong vài quý tới. Nếu tiếp tục ở mức cao sau năm 2022, lạm
phát sẽ buộc ECB phải điều chỉnh chính sách, làm tăng thêm gánh nặng cho
nền kinh tế và gây rủi ro về ổn định tài chính. Lạm phát tăng cao gây
ra rủi ro lớn hơn so với đại dịch.
Theo dự báo của phần đông các nhà
kinh tế, khu vực Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm tới, thấp
hơn một chút so với mức dự báo 4,2% của ECB. Thách thức lớn nhất đối với
Liên minh châu Âu (EU) là phải tìm được sự cân bằng chính sách vĩ mô,
cả về tài khóa và tiền tệ, để nền kinh tế khu vực tiếp tục phục hồi mà
vẫn có thể kiểm soát được lạm phát.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế
của châu lục do sự xuất hiện của biến thể mới Omicron và số ca nhiễm mới
gia tăng trên toàn cầu. ADB dự báo, tăng trưởng GDP của châu Á có thể
đạt mức 7% trong năm 2021, giảm 0,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng 9.
Mốc tăng trưởng này cho thấy sự phục hồi kinh tế đáng kể so với mức suy
giảm 0,1% trong năm 2020. ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của khu vực
châu Á trong năm 2022, từ 5,4% xuống 5,3%. Trung Quốc, nền kinh tế lớn
nhất khu vực, được dự báo tăng trưởng chậm hơn, ở mức 8% trong năm 2021
và 5,3% vào năm 2022, Dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Ðộ trong tài
khóa (bắt đầu từ ngày 1/4/2021) bị cắt giảm còn 9,7%.
ADB cũng hạ triển vọng kinh tế của Ðông Nam Á xuống 3% trong năm
2021. Việc ADB hạ dự báo tăng trưởng của châu Á là do nhận định làn sóng
lây nhiễm mới COVID-19 có thể đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại của một
số nước và các hạn chế đi lại cũng kéo lùi tăng trưởng của các nền kinh
tế phụ thuộc vào du lịch. Trong khi đó, Nhật Bản nâng dự báo tăng
trưởng của nước này trong tài khóa 2022 lên 3,2%, tăng mạnh so với mức
2,2% đưa ra trước đó.
Bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và có nhiều mảng màu đan xen do
tác động của đại dịch. Song, những dấu hiệu phục hồi cho thấy các nền
kinh tế đã thích ứng hơn với các biện pháp kiểm soát đại dịch và có thể
thúc đẩy đà tăng trưởng trong trạng thái "bình thường mới"./.