KHỞI SẮC TRÊN HẦU HẾT CÁC LĨNH VỰC
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nối đà phát triển của
quý I/2022, kinh tế tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực,
các cân đối lớn được bảo đảm và có dư; nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn
cả những năm trước đại dịch.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và
tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%, trong
đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6%
của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch Covid-19).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích
cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi
thông, mở rộng. Chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và
gia cầm đang hồi phục. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736.400 tấn,
tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc tháng 4, Tổng cục Thống kê ghi nhận hoạt động thương mại và
dịch vụ trong tháng khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu
dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6,5% so
với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng
15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, khách quốc
tế tháng 4 tăng gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với
cùng kỳ năm trước, 4 tháng tăng 184,7%.
Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4 tăng 6,6% so cùng
kỳ; 4 tháng đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch, tăng 9,1% so
cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD (mức cao nhất từ năm
2018 đến nay), tăng 7,6%.
Đặc biệt, hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số doanh nghiệp đăng
ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15.000 doanh
nghiệp; trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh
nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng
39,4% so cùng kỳ.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh; phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát
trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64%
so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của tháng 4 trong giai đoạn
2017-2022); các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo
đảm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định kết quả trên đạt được là nhờ sự
lãnh đạo của Đảng; đồng hành, ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết
liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực của
cả hệ thống chính trị; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, linh hoạt và chủ động
của các bộ, cơ quan trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô. Đó là nhờ
đẩy mạnh phân công, phân quyền trong tổ chức thực hiện gắn với trách
nhiệm người đứng đầu; tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nỗ lực
vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ của bạn bè quốc
tế.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Việt Nam vẫn đối
mặt với không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do các nguyên nhân như
tình hình kinh tế - chính trị khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, tiềm
ẩn nhiều rủi ro về tăng trưởng, lạm phát, giá dầu, ổn định tài chính,
chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng…
“Kinh tế trong nước phục hồi tích cực nhưng chưa đạt kỳ vọng đề ra;
hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, cần độ trễ để phục hồi,
trong khi một số chính sách hỗ trợ chậm được triển khai; dịch bệnh
Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
TẬP TRUNG GIỮ VỮNG ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính yêu cầu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải
triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ
sớm, hưởng thụ thật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống
vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, triển khai hiệu quả chính
sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh
doanh; gia hạn nộp thuế; thực hiện các giải pháp bảo đảm công khai, minh
bạch cho các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Đặc biệt, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, nhất là tình
hình lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, phân
tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản phù hợp, phương án ứng phó
kịp thời để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn
giá.
“Thực hiện quyết liệt, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ điều hành, bảo
đảm thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; xử lý
nghiêm các sai phạm, không để thao túng, lũng đoạn thị trường”, Thủ
tướng nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng được tư lệnh
ngành Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là các bộ, cơ quan, địa phương cần
nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện
các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 1/NQ-CP, Chương trình phục hồi
và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19
(2022-2023).
Các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp
cụ thể, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh; bám sát tình hình, chủ động dự
báo, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó đồng bộ, linh hoạt, phù
hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, các cân đối lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam xây dựng các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa,
báo cáo Chính phủ để chủ động với kịch bản điều hành tăng trưởng trong
tình hình mới; tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, phí, lệ phí,
góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh
nghiệp, người dân.
Cùng với đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thị trường, giả cả
hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời; đồng thời, triển khai
thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ,
giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và
phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của
Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, xác định
đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan
trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là
người đứng đầu.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong thời gian gần
đây, vấn đề năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng có sự xáo trộn
lớn do tình hình địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và
Ukraine diễn biến phức tạp, khó lường.
Do đó, việc cung ứng xăng dầu cho quý III và quý IV/2022, Bộ Công
Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Nhà
máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trên cơ sở cam kết của PVN về lượng xăng dầu
cung ứng, nếu thiếu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu
mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt của PVN cung
cấp.
“Trong mọi trường hợp cần nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm đủ nguồn
cung cho sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người
dân", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương cần triển khai
quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thành lập các Tổ công tác về các dự
án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ
khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kiểm tra, xử lý nghiêm các
trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng.
“Các địa phương cần rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở
hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử
dụng nguồn lực trong nền kinh tế; đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản
hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khẩn
trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vấn đề
tồn đọng, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
nhấn mạnh./.
TTXVN