“Dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn
mới ở xã Hà Mòn” - đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Huy Quốc, Bí thư
Đảng uỷ xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) khi nói về chương trình
xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Và giờ đây, sau khi được công nhận là xã nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Nguyên (vào năm 2013) thì các “chủ thể” nông thôn mới vẫn tiếp tục là nhân tố quyết định để đưa Hà Mòn lên tầm cao mới.
Dù xã Hà Mòn đã đạt 19 tiêu chí nhưng đến nay có một số tiêu chí vẫn chưa bền vững như: thu nhập người dân, trật tự an toàn xã hội, văn hoá…Nguyên nhân chính là cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, giá cả thị trường bấp bênh. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hoá, tinh thần ngày một phong phú nên cũng tác động nhiều đến người dân, nhất là các tầng lớp thanh niên…
Trước thực trạng trên, Đảng ủy và chính quyền xã Hà Mòn tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới; xác định phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng dân cư.
Cụ thể, sau khi được chính quyền hướng dẫn, người dân đã chủ động không thu hoạch cà phê sớm nếu tỷ lệ quả chín trên cây đạt từ 90% trở lên. Việc làm này không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, cà phê không được xuất thô ra khỏi địa bàn mà phải xuất nhân. Vì vậy, các hộ, nhóm hộ gia đình sẽ tự tổ chức xay xát cà phê, tận dụng vỏ cà phê để bón lại cho cây. Việc này vừa tạo việc làm, vừa tăng thu nhập cho người dân (có thêm công xay xát, vỏ cà phê được bón lại cho cây). Đến nay, xã đã thành lập 17 tổ hợp tác chuyên sản xuất cà phê (từ sản xuất đến chế biến sản phẩm), 32 nhóm hộ trang trại, hội làm vườn và nuôi trồng thuỷ sản, một Hợp tác xã chuyên sản xuất cà phê sạch…
Chính nhờ những cách làm thiết thực trên của cộng đồng mà chất lượng sản phẩm cà phê Đăk Hà luôn được đảm bảo, có giá trị cao hơn trên thị trường. “Người dân cũng đã biết chú trọng áp dụng khoa học công nghệ để kéo dài chu kỳ kinh doanh cho cây cà phê, chế biến nông sản tại hộ gia đình, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo thương hiệu cho cà phê Đăk Hà”, đồng chí Nguyễn Huy Quốc khẳng định.
Bên cạnh đó, để huy động các nguồn lực nhằm củng cố, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng trên địa bàn, xã Hà Mòn cũng triển khai nhiều hình thức khác nhau để huy động công sức, tiền của của cộng đồng.
“Phải làm cho dân thấy họ chính là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà dân đã bỏ công sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Ngọc Đại-Chủ tịch UBMTTQ xã Hà Mòn khẳng định.
Chính nhờ sự vào cuộc của cộng đồng mà hạ tầng kinh tế - xã hội của xã đã từng bước kiên cố hoá. Đến nay 18/19km kênh mương thuỷ lợi đã được kiên cố hoá, trong đó nhân dân đã đồng thuận không nhận tiền bồi thường, hiến phần đất cho Nhà nước để thực hiện giải phóng mặt bằng bê tông hoá kênh mương; cơ sở vật chất văn hoá được xây dựng đồng bộ từ xã xuống thôn, nhân dân góp phần xây dựng, hoàn thành nhà văn hoá, khu vui chơi. Sau khi đạt tiêu chí nông thôn mới, người dân vẫn tiếp tục bê tông hoá hệ thống giao thông nội đồng với gần 10 km, mở rộng, xây mới thêm nhà văn hoá ở thôn 5...
Thời gian tới, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực hợp lý, hợp với sức dân để thực hiện và nâng cao nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thuỷ lợi, nhà ở dân cư); phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý phù hợp với thực tế địa phương, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình, tổ hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…/.
Theo TTXVN