45 năm qua, ký ức về một thời “vừa đánh, vừa đàm” vẫn còn in đậm trong tâm trí những người trong cuộc, như: Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch nước; ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định Paris; ông Phạm Ngạc, cán bộ ngoại giao phụ trách ghi chép biên bản tại Hội nghị Paris…

Có mặt trong buổi gặp mặt thân mật các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam ngày 25-1 vừa qua tại Hà Nội, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định Paris năm 1973, chia sẻ, trước đây bà không phải làm ngoại giao nhưng nhờ làm công tác chính trị và hoạt động ở Sài Gòn nên có cơ hội tiếp xúc nhiều thông tin về tình hình thế giới. “Đó cũng có thể là lý do mà Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo chọn tôi tham gia đàm phán Paris”, bà Bình cho hay.

Trong gần 5 năm đàm phán ở Paris, đoàn đàm phán của Việt Nam không bỏ lỡ một cơ hội nào để có thể chấm dứt được chiến tranh. Nhưng chấm dứt chiến tranh không chỉ tùy thuộc ở ta, mà còn tùy thuộc vào đối phương, đặc biệt là cuộc chiến đấu trên chiến trường. Theo bà Nguyễn Thị Bình, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã có chủ trương rất đúng về ngoại giao. “Trước hết là đánh giá được tình hình. Không chỉ đánh giá về tình hình trên chiến trường, về quân sự, chính trị, mà ta đánh giá cả tình hình thế giới. Vì thế, ta mới nhìn thấy cơ hội. Bằng chứng là đàm phán Paris kéo dài trong gần 5 năm, thì trong ba năm đầu, từ 1969 đến 1971, trên chiến trường có sự giằng co giữa ta và địch. Về mặt chính trị khi đó chúng ta mạnh hơn, nhưng về mặt quân sự thì ta với địch ở thế giằng co. Đến năm 1972, chúng ta ở thế chủ động trên chiến trường, mở nhiều chiến dịch trên khắp chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Quảng Trị. Nhưng ngược lại, Mỹ đàm phán muốn rút quân, nhưng phải rút trên thế mạnh. Do đó, Mỹ vẫn có nhiều hoạt động phá hoại miền Bắc, phá hoại miền Nam; ngăn chặn viện trợ của miền Bắc cho miền Nam. Lúc bấy giờ tuyến đường Trường Sơn bị địch bắn phá 24/24 giờ bằng nhiều loại vũ khí”, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhớ lại.

Cũng trong giai đoạn này, một sự kiện quốc tế mà Việt Nam nắm được là việc Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống vào cuối năm 1972. Trong khi đó, dư luận quốc tế đã nhận thấy cuộc chiến tranh kéo dài nên các phong trào đòi chấm dứt chiến tranh cũng rất mạnh. Đặc biệt ở Mỹ, phong trào phản chiến đã tạo áp lực cho Tổng thống Richard Nixon, đặt chính quyền Nixon vào thế phải chấm dứt chiến tranh.  

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bình, Việt Nam đã có cuộc “tấn công ngoại giao” mang tính quyết định, đưa ra giải pháp 7 điểm và sau đó là 2 điểm bổ sung. Bà Nguyễn Thị Bình, nói: “Từ ba năm trước đó, chúng ta nêu ra hai yêu sách để đấu tranh với Mỹ là rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam, xóa bỏ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Phải giải quyết hai vấn đề đó mới chấm dứt được chiến tranh. Tuy nhiên, trong tình hình chiến trường và quốc tế như vậy, trên bàn hội nghị, chúng ta chỉ tập trung vào việc Mỹ rút quân, còn vấn đề chính trị miền Nam thì do các bên Việt Nam tự giải quyết. Đây là lựa chọn hết sức khôn ngoan. Vì thế, sau đó Nixon mới chịu đi vào đàm phán thực chất trên văn bản hiệp định do đồng chí Lê Đức Thọ chủ động đưa ra. Trong ba tháng tranh luận với nhau, cuối cùng, Mỹ cơ bản đồng ý với văn bản mà ta đưa ra.

Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng Phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tham gia ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu

Ban đầu, Mỹ định ký hiệp định vào tháng 10-1972, sau đó trì hoãn lấy lý do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chưa tán thành hoàn toàn. Thực chất Mỹ có ý đồ khác. Khi Nixon đắc cử tổng thống, ông ta nghĩ phải tìm cách để thay đổi nội dung văn bản. Do đó, trước khi ký hiệp định, Mỹ thực hiện một thủ đoạn cuối cùng để xem Việt Nam có chịu đựng được không. Vì thế, mới có sự kiện Mỹ bắn phá Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972. Nhờ việc ta đánh thắng về mặt quân sự và chính trị, sau cùng Mỹ mới chịu ký Hiệp định Paris vào đầu năm 1973.

Theo ông Nguyễn Khắc Huỳnh, thành viên đoàn đàm phán Paris: Hội nghị Paris kéo dài trong gần 5 năm, ông chỉ tiếc một điều là không làm sao để đàm phán rút ngắn thời gian được. “Ba năm đầu, mình nói cho thế giới nghe để tranh thủ dư luận, sự ủng hộ của quốc tế, chứ Mỹ có nghe đâu”, ông Huỳnh lý giải.

Theo ông Phạm Ngạc, cán bộ ngoại giao phụ trách ghi chép biên bản tại Hội nghị đàm phán Paris, thời gian đàm phán là khoảng thời gian đấu trí vô cùng căng thẳng. Phía Mỹ có những nhà ngoại giao rất giỏi như Henry Kissinger. Trong khi đó, Việt Nam cũng có ông Trần Quang Cơ, người tham gia rất nhiều cuộc đàm phán và nhớ toàn bộ các điều khoản, hay đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, người nhớ từng câu trong hiệp định. "Quá trình để đạt được bản Hiệp định Paris cuối cùng, hai bên có lúc phải thương lượng với nhau về các câu từ. “Ví dụ, trong văn bản tiếng Việt ghi là “Bộ  trưởng Ngoại giao” nhưng sau được sửa là “Tổng trưởng Ngoại giao”. Hay một câu khác như: “Các cơ quan đại diện ở Sài gòn được quyền sử dụng dịch vụ…”. Lúc đó, ở Việt Nam chưa có khái niệm “dịch vụ” nên khi các cơ quan trong nước chuyển sang tiếng Việt là “người giúp việc” thì rất khó. Do vậy, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch nói với tôi: “Cậu sang móc túi họ đi”. Lúc đó tôi đến gặp đại diện phía Mỹ và nói: “Chúng tôi dịch nhầm chỗ này”. “Services” là “dịch vụ”. Bên Mỹ đồng ý luôn”, ông Phạm Ngạc nhớ lại.

Theo ông Nguyễn Khắc Huỳnh, sau những lần đàm phán cam go, cuối cùng văn bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chỉ tập trung vào ba nội dung chính là Mỹ rút quân, không can thiệp vào miền Nam Việt Nam; thả tù binh và đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh. Khi Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đọc dự thảo, ông ta ngơ ngác không hiểu vì sao. Ông ta nói: “Chúng tôi xin nghỉ hôm nay. Chiều nay suy nghĩ và sáng mai xin họp, chúng tôi sẽ trả lời chính thức”. Sáng hôm sau, phía Mỹ trả lời, cơ bản chấp nhận lời đề nghị của Việt Nam.

Hiệp định Paris là một văn kiện lịch sử vô cùng quan trọng, là đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của dân tộc ta, trong đó có những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao và nhiều thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại.

LINH OANH/QĐND

(còn nữa)