Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 14/5/2017 21:35'(GMT+7)

Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào, Pháp

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng và Phó Chủ tịch T.Ư Hội hữu nghị Lào - Việt Nam Thum-ma-ly Phông-va-chăn trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại tỉnh Khăm Muồn.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng và Phó Chủ tịch T.Ư Hội hữu nghị Lào - Việt Nam Thum-ma-ly Phông-va-chăn trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại tỉnh Khăm Muồn.

Tham dự lễ dâng hương có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sạ-vẳn-na-khệt, Chăm-pa-xắc; đại diện lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, ban ngành của tỉnh Khăm Muồn; đại diện T.Ư Hội hữu nghị Lào-Việt Nam... cùng hơn 100 kiều bào tại Lào.

Trong không khí trang nghiêm, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng thay mặt cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào với lòng thành kính và biết ơn vô hạn đã thắp nén hương báo công lên Bác. Đại sứ khẳng định, năm nay, chúng ta kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh nhân dân hai nước đang có nhiều hoạt động ý nghĩa để chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2017, kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt-Lào và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Có mặt tại Khu tưởng niệm Bác vào dịp tháng 5 này, chúng ta càng thương nhớ Bác, biết ơn công lao trời biển của Bác và nguyện mãi đi theo con đường Bác đã vạch ra.

Ôn lại thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nói: “Trong những ngày tháng này, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và bà con kiều bào ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và thương nhớ Bác. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam như non cao, biển rộng. Người đã gắn bó và hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta”.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng và Phó Chủ tịch T.Ư Hội hữu nghị Lào - Việt Nam Thum-ma-ly Phông-va-chăn trồng cây tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại tỉnh Khăm Muồn.

Tại buổi lễ, bà Thum-ma-ly Vông-phạ-chăn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội hữu nghị Lào-Việt Nam bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc đối với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thay mặt cho các cơ quan Đảng và chính quyền Lào, bà Thum-ma-ly Vông-phạ-chăn phát biểu: “Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và lãnh đạo hai Đảng, nhân dân Lào và Việt Nam anh em đã kề vai sát cánh chống lại quân xâm lược. Nhiều thế hệ con em của nhân dân Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình để phục vụ cách mạng Lào. Trên khắp mọi miền đất nước Lào, máu của các chiến sĩ cách mạng quốc tế Việt Nam đã hòa quyện với máu của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Lào, vì sự trường tồn của đất nước Lào. Chúng tôi hết sức cảm động và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em luôn dành sự ủng hộ to lớn, quý giá, hiệu quả, kịp thời và chí tình chí nghĩa cho nhân dân Lào trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong giai đoạn bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay".

Dịp này, thay mặt cho Đại sứ quán Việt Nam và Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đầu tư tại Lào, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đã trao tặng 50 suất quà trị giá 1.000 USD cho gia đình kiều bào có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại bản Xiêng Vang, nơi có Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng và Phó Chủ tịch T.Ư Hội hữu nghị Lào-Việt Nam Thum-ma-ly Vông-phạ-chăn đã trồng cây lưu niệm tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Ngày 13-5, mở đầu chuỗi hoạt động Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức chuyến đi "Theo chân Bác", đặt hoa tại hai địa điểm ở TP Sainte-Adresse và Le Havre, cách thủ đô Paris hơn 200 km về phía đông-bắc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống trong những năm đầu đặt chân đến đất Pháp, giai đoạn 1911-1912.

Đoàn do ông Đặng Giang, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và ông Lê Công Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp dẫn đầu, với sự tham dự của đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp.

Cách đây 106 năm, vào ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh ngày nay) trên con tàu buôn mang tên Đô đốc Latouche-Tréville, với chân phụ bếp lấy tên là Văn Ba để ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của của thực dân Pháp. Theo hành trình của tàu, một tháng sau đó tàu Đô đốc Latouche-Tréville đến cảng Marseille, tiếp theo cập cảng Le Havre phía đông-bắc của Pháp, đánh dấu lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Pháp.

Nước Pháp là nơi đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Người tìm ra con đường cứu nước và trở thành người Chiến sĩ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Pháp cũng là nơi có khoảng 45 điểm di tích, nhiều tài liệu, hiện vật quý liên quan đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1911 đến 1927, trong đó nổi bật là ngôi nhà số 9 ngõ Conpoint ở quận 17, Không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống trong Công viên Montreau,TP Montreuil...

Cuốn sách lịch sử của TP Sainte Adresse giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu chuyện bắt đầu ở Sainte Adresse khi chính quyền thành phố gửi tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cuốn sách giới thiệu lịch sử về TP Sainte-Adresse, do Nhà xuất bản Maury của Pháp ấn hành năm 1997, trong đó có phần giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây. Bài giới thiệu về Bác viết: “Thật kỳ lạ, một trong những chủ thể quan trọng trên chính trường thế giới đã từng ghé qua Sainte-Adresse... Là phụ bếp trên tàu La Touche -Tréville, dưới cái tên Ba, ông đã lênh đênh trên biển trong hai năm, đi qua Boston, New York trước khi cập cảng Le Havre và làm vườn trong một gia đình quý tộc ở Sainte Adresse. Anh Ba lúc đó khoảng 24 tuổi…”.

Dựa vào thông tin trên sách báo, đồng thời căn cứ vào nghiên cứu của các nhà sử học, lãnh đạo chính quyền TP Sainte-Adresse đã tìm kiếm, xác định được ngôi biệt thự vườn nơi Bác đã sống và làm việc. Ngôi biệt thự vườn này hướng ra phía biển, gần tòa thị chính của TP Sainte Address, cách bãi biển khoảng 600m.

Trải qua hơn 100 năm, không rõ khu biệt thự vườn có thay đổi nhiều hay không, nhưng hiện tại vẫn còn đó một ngôi biệt thự sang trọng và khu vườn rộng vài trăm m2, với thảm cỏ xanh mướt, nhiều hoa, cây cảnh... Tuy nhiên, chung quanh biệt thự này giờ đã mọc lên hai khu chung cư mới.

Người dân Pháp thường cảm thấy không thoải mái khi nơi ở của họ xuất hiện những người lạ mặt. Tuy nhiên, khi đoàn trình bày mục đích đến đây, những người dân ở đây rất vui vẻ, họ hồ hởi mời chúng tôi vào, một người nhanh nhảu kể rằng: "Gia đình chúng tôi chuyển đến sống ở đây từ năm 1967. Qua cuốn sách lịch sử của thành phố, chúng tôi đã biết Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam từng sống và làm việc ở đây. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào sống ở nơi lịch sử này".


Phát biểu tại lễ đặt hoa trong khuôn viên ngôi biệt thự vườn, nơi Bác Hồ từng làm việc, Công sứ Đặng Giang xúc động, chia sẻ: "Khi đến nước Pháp làm việc, một trong những điều mà tôi mong muốn là được đi tìm hiểu về cuộc đời của Bác, những nơi Bác đã đến. Tôi đã đọc nhiều tài liệu theo dấu chân Bác và thống kê khoảng 45 địa điểm. Tôi đã đi Marseille, Fontainebleau ... và hôm nay vô cùng xúc động khi lần đầu tiên được đến Sainte-Adresse, Le Havre, những nơi lần đầu tiên Bác đặt chân đến Pháp. Ngoài học tập theo tấm gương và đạo đức Hồ Chí Minh, tôi càng đi càng thấy được bản lĩnh Hồ Chí Minh, rất giản dị, phong trần nhưng vô cùng vĩ đại".

Công sứ cho rằng, cần phải đưa vào chương trình hằng năm tổ chức các chuyến đi tới những nơi Bác Hồ từng sống và làm việc, không chỉ cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp mà còn cho kiều bào và các thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp để họ học tập tấm gương của Bác, thấy được bản lĩnh Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, đoàn đã đến đặt hoa tại số 1, phố Đô Đốc Courbet, ngay gần bến cảng Le Havre.


Trong tài liệu lưu trữ bức thư gốc gửi Khâm sứ Trung Kỳ, đề tại New York ngày 15-12-1912, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Thư cho biết, đã gửi cho ông Nguyễn Sinh Huy ba ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một lần trả lời. Thư ký tên Paul Tất Thành, kèm theo địa chỉ hòm thư lưu: Số 1, phố Đô Đốc Courbet, Le Havre (Pháp).

Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đang tiến hành các thủ tục để xin phép chính quyền địa phương gắn biển đồng di tích tại hai nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống ở Le Havre và Sainte-Adresse.

TG
tổng hợp


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất