Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và
Phát huy văn hóa dân tộc khẳng định nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh
Phương đã tạo ra một khối di sản nghệ thuật cổ vũ cách mạng. Các ca khúc
của Trương Minh Phương đầy ắp chất trữ tình, giai điệu gần gũi, ca từ
giàu chất thơ, ca ngợi Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân
tộc.
Hội thảo khoa học “Nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương” đã diễn ra
ngày 24/12 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông
(1931-2016).
Hội thảo do Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát
huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam...phối hợp tổ chức
nhằm tôn vinh nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương và những đóng
góp của ông cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng gia đình cố nhạc
sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương nhân sự kiện ý nghĩa này.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng sinh thời, Trương Minh Phương
là một nghệ sỹ đa tài, sống khiêm nhường, lặng lẽ trên mảnh đất Bình
Trị Thiên.
Đến năm 2015, khi tuyển tập đồ sộ mang tên “Rừng hát” được công
bố, nhiều người mới ngỡ ngàng trước kết quả lao động sáng tạo, cống
hiến của ông với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tuyển tập gồm 128 ca
khúc, hợp xướng, tổ khúc âm nhạc; gần 20 ca cảnh, kịch múa hát nhạc mới;
60 tác phẩm từ kịch ngắn, kịch dài, dân ca kịch đến tiểu phẩm sân khấu;
6 công trình nghiên cứu âm nhạc và văn hóa dân gian.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được thưởng thức nhiều sáng tác đặc sắc của nhạc sỹ Trương Minh Phương.
Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và
Phát huy văn hóa dân tộc khẳng định nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh
Phương đã tạo ra một khối di sản nghệ thuật cổ vũ cách mạng. Các ca khúc
của Trương Minh Phương đầy ắp chất trữ tình, giai điệu gần gũi, ca từ
giàu chất thơ, ca ngợi Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân
tộc.
Kịch của Trương Minh Phương thể hiện khát vọng phản ánh kịp thời hiện
thực cuộc sống sôi động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong
thời kỳ hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dù Trương Minh Phương không
còn nhưng những "đứa con tinh thần" của ông vẫn là di sản quý của nền
văn nghệ cách mạng...
Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho rằng bên cạnh những sáng
tác đồ sộ, đầy chất trữ tình, nhạc sỹ Trương Minh Phương còn có nhiều
đóng góp lớn lao trong nghiên cứu, phát triển văn hóa dân gian. Các tác
phẩm của ông cần được dàn dựng, biểu diễn nhiều hơn trên sân khấu. Các
nhà trường cần đưa vào giảng dạy những tác phẩm ấy. Việc quảng bá về các
tác phẩm của Trương Minh Phương cần được thực hiện đúng mức để nghi
nhận những đóng góp to lớn của ông với nền âm nhạc nước nhà.
Nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương (1931-2011), quê quán tại Phú
Mỹ, Bình Định. Ông là nhạc sỹ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà nghiên cứu
văn hóa, văn nghệ dân gian.
Khi mới 15 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng và có nhiều cống hiến
cho văn học nghệ thuật, cho lý tưởng cao đẹp vì độc lập dân tộc. Ông
từng là Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong tỉnh Quảng Bình; nguyên Phó
Giám đốc Trung tâm văn hóa Bình Trị Thiên; chuyên gia văn hóa tại
Savanakhet (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào)...
Với những cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, ông đã được
Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể trao tặng nhiều phần thưởng, giải
thưởng cao quý.
Nhân dịp này, nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương được truy tặng
Giải thưởng Đào Tấn năm 2016 vì những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp
bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc ở các lĩnh vực sáng tác
tác phẩm âm nhạc mới; sưu tầm, nghiên cứu, phát triển dân ca, dân nhạc;
sáng tác các tác phẩm sân khấu mới; bảo tồn, phát huy sân khấu truyền
thống./.
(TTXVN)