(TG)-Ngày 31/7, tại xã An Đồng, huyện An Dương, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng long trọng kỷ niệm 84 năm ngày mất của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân (31/7/1932-31/7/2016); công bố Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm là dịp để nhân dân thành phố Cảng thể hiện lòng biết ơn về sự hy sinh, công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân đối với Đảng, đối với nhân dân và giai cấp công nhân.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Đồng chí giác ngộ cách mạng từ rất sớm, năm 1927, đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Năm 1928, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng Hải Phòng, sau đó làm Bí thư Khu bộ Hải Phòng...
Tháng 6/1929, Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Sau khi hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, đến tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh nhận trọng trách là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Ngày 28/7/1929 thành lập Công hội Đỏ (tiền thân Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - người đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương Đảng cử vào tham gia Xứ ủy Trung Kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hội nghị toàn thể Xứ ủy đã bầu đồng chí vào Ban Thường vụ Xứ ủy.
Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, một người con ưu tú của dân tộc đã trọn đời hy sinh vì Tổ quốc. Tháng 4/1931, Nguyễn Đức Cảnh bị đế quốc Pháp bắt và kết án tử hình.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại Niềm Thắng, thành phố Bắc Ninh, đồng chí Hồ Ngọc Lân đã sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1927 trong giới binh lính thuộc địa.
Tháng 4/1928, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1928, đầu năm 1929, đồng chí đã tổ chức thành lập Chi bộ Thanh niên trong các đơn vị binh lính khố đỏ ở thành phố Bắc Ninh.
Tháng 5/1929, đồng chí nhận nhiệm vụ quan trọng và đã dũng cảm, mưu trí hoàn thành thắng lợi việc vận chuyển vũ khí cho cách mạng từ Hải Phòng về Hà Nội và các tỉnh trong vùng.
Tháng 7/1929, đồng chí Hồ Ngọc Lân tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở liên tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tháng 8/1929, đồng chí tham gia ban Tỉnh ủy. Tháng 11/1929, đồng chí bị mật thám Pháp bắt...
Ngày 31/7/1932, hai người cộng sản kiên trung Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị chính quyền thực dân Pháp thi hành bản án tử hình tại Đề lao Hải Phòng (Nhà lao Sông Lấp).
Tinh thần hy sinh cao cả, cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân được Đảng ta, nhân dân ta mãi mãi ghi ơn. Tấm gương bất tử của người cộng sản kiên trung, bất khuất Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.
Năm 2007, di hài của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân được tìm thấy. Thể theo nguyện vọng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, tháng 8/2008, thành phố Hải Phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất xây dựng Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân ngay tại vị trí tìm thấy di hài.
Từ đó đến nay, Nhà tưởng niệm đã trở thành một trong những nơi gửi gắm niềm tin, tâm tư nguyện vọng, giáo dục tư tưởng về truyền thống cách mạng cho nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908-2/2/2018), Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất về chủ trương đầu tư, nâng cấp, mở rộng khuôn viên Nhà tưởng niệm thành Khu tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân. Công trình hoàn thành sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Theo VN+