Ông Phạm Tiến Tư, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cuba,
Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba, chia sẻ với phóng viên
những cảm xúc, suy nghĩ sâu sắc về lãnh tụ Fidel Castro và về quan hệ
đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Cuba.
- Với sự ra đi của lãnh tụ Fidel Castro, ông có cảm nhận như thế nào
về những mất mát đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì
hòa bình, độc lập dân tộc, tự do và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới?
- Ông Phạm Tiến Tư: Lãnh tụ Fidel là lãnh tụ tối cao
của cách mạng Cuba, là nhà lãnh đạo kiệt xuất của phong trào cách mạng
giải phóng dân tộc cũng như đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, tự
do và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Điện chia buồn của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước chúng
ta đối với sự ra đi của đồng chí Fidel cũng đánh giá: Fidel là nhà lãnh
đạo kiệt xuất, đồng chí sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của nhân
dân Cuba, nhân dân Mỹ la tinh và nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý
trên thế giới. Đây là sự mất mát lớn của Đảng, nhân dân Cuba đồng thời
cũng là sự mất mát to lớn đối với phong trào cách mạng cánh tả ở Mỹ
Latinh và trên toàn thế giới.
Tất cả những đóng góp của lãnh tụ Fidel đối với nhân dân Cuba, các dân
tộc Mỹ Latinh và nhân dân thế giới, là tài sản quý báu, để bản thân nhân
dân Cuba tiếp tục sự nghiệp cách mạng trong hơn nửa thế kỷ qua, để các
dân tộc Mỹ Latinh tiếp tục cuộc đấu tranh chính nghĩa, hướng tới xây
dựng một xã hội công bằng, dân chủ và bình đẳng giữa các dân tộc. Có thể
nói, sự ra đi của Fidel là mất mát rất lớn. Lãnh đạo Fidel đã để lại di
sản kinh nghiệm quý báu để các dân tộc tiếp tục sự nghiệp mà lãnh tụ
Fidel đã suốt đời phấn đấu.
- Lãnh tụ Fidel đã từng nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng
cả máu của mình." Ông có thể cho biết những suy nghĩ của mình về mối
quan hệ đặc biệt này?
- Ông Phạm Tiến Tư: Lãnh tụ Fidel là nguyên thủ quốc gia đầu
tiên, duy nhất đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng
Trị năm 1973 vì lãnh tụ Fidel quan niệm rằng, ở thời điểm đó, Việt Nam
là tuyến đầu của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trên thế giới,
đến Việt Nam là phải đến tuyến đầu - miền Nam Việt Nam.
Tại vùng giải phóng, lãnh tụ Fidel nhắc lại câu nói trong thời chiến
"Cuba đã sẵn sàng vì Việt Nam mà hiến dâng cả máu của mình" thì Cuba tin
tưởng chắc chắn Việt Nam sẽ chiến thắng. Đến khi hòa bình, Cuba sẵn
sàng đổ mồ hôi để góp phần xây dựng lại Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp
hơn gấp 10 lần như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Đó là lời hiệu
triệu mạnh mẽ để quân dân Việt Nam tiếp tục tiến tới ngày giải phóng
miền Nam 30/4/1975, nỗ lực xây dựng đất nước vào thời kỳ đổi mới.
Khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, lãnh tụ Fidel phát động
phong trào ở Cuba và Mỹ Latinh đoàn kết chống chiến tranh phá hoại. Tất
cả tin tức của Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đều thường trực
trên các phương tiện thông tin đại chúng của Cuba. Một chiếc máy bay Mỹ
bị bắn rơi ở miền Bắc, bạn cũng đưa tin. Một trận đánh của quân dân
miền Nam thắng lợi, bạn cũng có bài. Khi chuẩn bị giải phóng miền Nam,
từng điểm giải phóng từ Buôn Mê Thuột đến Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, phía
Cuba đều đánh sao đỏ. Có thể nói, trong từng thời kỳ, Lãnh tụ Fidel luôn
là ngọn cờ đầu trong phong trào đoàn kết với Việt Nam.
Sau hòa bình, thực hiện lời hứa cùng xây dựng Việt Nam mười lần đàng
hoàng hơn, to đẹp hơn, lãnh tụ Fidel quyết định tặng Việt Nam 5 công
trình kinh tế-xã hội gồm: Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội); đường Xuân Mai
(Ba Vì); Trại gà Lương Mỹ; Nông trường bò sữa Mộc Châu và Bệnh viện Việt
Nam-Cuba ở Đồng Hới (Quảng Bình). Đó là tình cảm mà lãnh tụ Fidel và
nhân dân Cuba hết lòng với nhân dân Việt Nam trong khả năng có hạn của
mình. Đó chính là biểu tượng, là đỉnh cao của tinh thần đoàn kết quốc tế
vô sản trên thế giới với Việt Nam và Cuba, với lãnh tụ Fidel và Chủ
tịch Hồ Chí Minh.
Hai nước có những điểm tương đồng rất lớn. Hai nước có hoàn cảnh lịch
sử, cùng kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc. Hai nước đều do hai
Đảng Cộng sản lãnh đạo, giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã
hội... Hai nước có quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng, cần cù lao động,
luôn luôn phấn đấu vì mục tiêu cao đẹp của thời đại. Đặc biệt, hai nước
có những lãnh tụ anh minh là Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel dẫn
dắt sự nghiệp cách mạng của hai nước thành công. Đó là lý do sâu xa của
mối quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và
Cuba.
Đúng như lời Bác Hồ lúc sinh thời đã từng nói: “Việt Nam và Cuba như hai
anh em sinh đôi, một ở Tây bán cầu, một ở Đông bán cầu, cách nhau nửa
vòng trái đất. Lúc Việt Nam ngủ thì Cuba thức để canh giấc ngủ cho Việt
Nam. Lúc Cuba ngủ thì Việt Nam thức canh giấc ngủ cho Cuba." Và lãnh tụ
Fidel cũng đã tổng kết quan hệ với Việt Nam là biểu tượng của thời đại,
là quan hệ đặc biệt thủy chung trong sáng.
- Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của mình đối với lãnh tụ Fidel trong 13 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Cuba?
- Ông Phạm Tiến Tư: Tôi là một trong 500 sinh viên Việt Nam được Nhà
nước cử đi học tại Cuba năm 1967 và đã tốt nghiệp Đại học tổng hợp Văn
Cuba năm 1971. Từ năm 1976 đến 1980, tôi trở lại Cuba với tư cách là Bí
thư phụ trách quan hệ Đảng với Đảng Cộng sản Cuba và Đảng Cộng sản Công
nhân và Mỹ Latinh. Từ năm 2002 đến 2007, tôi tiếp tục làm việc tại Cuba
với tư cách là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam tại Cuba.
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng
Chính phủ Cách mạng Cuba Fidel Castro gặp nữ anh hùng Quân giải phóng
miền Nam Việt Nam Tạ Thị Kiều trong chuyến thăm Vùng giải phóng miền Nam
ngày 15/9/1973. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trong cuộc đời của mình, tôi đã vinh dự được gặp lãnh tụ Fidel nhiều
lần. Năm 1968, khi đang học năm thứ nhất Đại học, tôi đã được phiên dịch
cho lãnh tụ Fidel nhân dịp Đoàn đại biểu Mặt trận giải phóng dân tộc
miền Nam Việt Nam thăm Cuba. Khi đó, đồng chí Fidel đã nhìn tôi và nói:
“Nhìn đồng chí, tôi lại nhớ lại thời kỳ tôi là sinh viên." Fidel từng
tham dự rất nhiều hoạt động trong phong trào sinh viên, đấu tranh chống
chế độ độc tài ở Cuba đồng thời đi dự các hội nghị quốc tế của sinh viên
ở nhiều nơi trên thế giới.
Sau này, trên cương vị là Bí thư, Đại sứ, tôi được nhiều lần gặp, được
đại diện với tư cách là Đại sứ và cùng lãnh đạo cao nhất của Việt Nam
gặp lãnh tụ Fidel. Đáng nhớ nhất là cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng
trước khi Thủ tướng đi thăm 4 nước Mỹ Latinh năm 1979. Đồng chí Fidel
tiễn Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã chia một nửa lực lượng bảo vệ mình để
đi bảo vệ Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Khi đồng chí Fidel thăm Việt Nam lần thứ hai vào tháng 12/1995, lúc ấy
Thủ tướng Phạm Văn Đồng mắt đã kém, không nhìn thấy gì. Nhưng khi đồng
chí Fidel đến thăm tại nhà riêng của Thủ tướng, bước vào sân chứ chưa
vào nhà, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói với tôi: “Đồng chí Fidel đấy,
nghe tiếng chân là bác biết Fidel đến rồi đấy. Con đứng dậy và đón Fidel
vào đây cho bác." Điều này để lại ấn tượng rất sâu sắc trong tôi, đó là
tình cảm đoàn kết đặc biệt giữa các đồng chí lãnh đạo của Việt Nam và
lãnh tụ Fidel.
Trân trọng cảm ơn ông./.
(TTXVN)